Những tổ tình nguyện đặc biệt ngày thả cá tiễn ông Công, ông Táo

NDO - Trong sáng 14/1 (tức 23 tháng Chạp), nhiều người Hà Nội bất ngờ khi không thể thả cá tại khu vực hồ Tây đoạn đầu đường Nguyễn Hoàng Tôn. Thay vào đó, lực lượng Đoàn thanh niên, Công an các phường quanh khu vực này đã bố trí thu gom rồi thả giúp người dân tại sông Hồng gần đó.
0:00 / 0:00
0:00
Tổ giúp dân phóng sinh cá của phường Nhật Tân được bố trí ngay khu vực đường Nguyễn Hoàng Tôn giáp hồ lớn nhất Thủ đô. (Ảnh: Sơn Bách)
Tổ giúp dân phóng sinh cá của phường Nhật Tân được bố trí ngay khu vực đường Nguyễn Hoàng Tôn giáp hồ lớn nhất Thủ đô. (Ảnh: Sơn Bách)

Tổ phóng sinh… tự nguyện

Cá chép vàng là một phần không thể thiếu trong mâm cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời trong ngày 23 tháng Chạp. Việc cúng cá chép sống làm… phương tiện giao thông cho Táo quân về trời, sau đó phóng sinh cũng là nét đẹp nhân văn đáng gìn giữ, bảo tồn.

Tại khu vực đầu đường Nguyễn Hoàng Tôn (quận Tây Hồ), ngay từ sáng sớm nay, lực lượng Đoàn thanh niên, Công an và Hội phụ nữ phường Nhật Tân đã có mặt. Đường dẫn xuống hồ Tây được rào lại bằng barie sắt. Lực lượng chức năng cũng bố trí nhiều bể cá, xô chậu và thùng xốp cỡ lớn.

Nguyễn Mai Anh, cán bộ Đoàn thanh niên phường Nhật Tân cho biết: Năm nay, để tránh tình trạng người dân phóng sinh cá xuống hồ Tây có thể dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt, Ủy ban nhân dân phường Nhật Tân đã quyết định… thu gom và giúp người dân đưa cá ra sông Hồng gần đó để thả.

“Từ 6 giờ sáng nay, tổ 6 người của phường đã có mặt tại các khu vực người dân hay phóng sinh. Chúng tôi sẽ hướng dẫn mọi người thả cá vào các bể có sẵn; sau đó, lực lượng Công an và dân phòng sẽ đưa ra phóng sinh tại sông Hồng đoạn sau chợ Nhật Tân”, Mai Anh cho hay.

Những tổ tình nguyện đặc biệt ngày thả cá tiễn ông Công, ông Táo ảnh 1

Người dân tới hồ Tây sẽ được hướng dẫn đưa cá vào các thùng đã chuẩn bị sẵn. Khi đầy, lực lượng công an sẽ chở cá đi phóng sinh ra sông Hồng gần đó.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng ô nhiễm do túi ni-lông, nhóm của Mai Anh cũng chuẩn bị 2 bao tải lớn. Chỉ sau vài giờ, cả hai bao tải này đã chật cứng.

Đến phóng sinh như mọi năm, chị Hoàng Huyền (Phú Thượng, Tây Hồ) đã rất bất ngờ khi biết không thể thả cá xuống hồ Tây nữa. Sau khi nghe nhóm tình nguyện viên giải thích, chị đã rất vui vẻ… gửi 3 chú cá chép vàng lại cho lực lượng chức năng,

“Theo tôi, đây là một mô hình rất hay. Các khu vực khác của Hà Nội cũng nên nghiên cứu, áp dụng để giữ cho các hồ luôn được sạch”, chị Huyền nói.

Những tổ tình nguyện đặc biệt ngày thả cá tiễn ông Công, ông Táo ảnh 2

Mục đích của hoạt động này là nhằm giữ cho cá phóng sinh có cơ hội sống sót; đồng thời bảo đảm hồ Tây được sạch đẹp.

Tại đường Thanh Niên giáp hồ Tây, từ sáng sớm, thầy Tịnh Giác, trụ trì chùa làng Kim Sơn (Gia Lâm) đã có mặt. Thầy cho hay, năm nào cũng tới đây để thu dọn rác sau mỗi ngày cúng ông Công, ông Táo. Kiên nhẫn đợi từng người phóng sinh, sư thầy đến từ chùa làng Kim Sơn cặm cụi… xin lại từng túi ni-lông rồi cất gọn gàng lại. Thấy ai có ý định rải tro vàng mã xuống hồ, sư thầy lại ra nhắc nhở và tình nguyện gom lại để đưa đi giúp gia chủ.

“Năm nay, mọi người đã có ý thức hơn rất nhiều nên tôi rất vui. Tôi sẽ lượm lại túi nilon tại đây rồi mang về tái sử dụng”, sư thầy Tịnh Giác vừa làm, vừa chia sẻ.

Những tổ tình nguyện đặc biệt ngày thả cá tiễn ông Công, ông Táo ảnh 3

Sư thầy Tịnh Giác thu gom bát hương, túi nilon tại khu vực đường Thanh Niên.

Trong khi đó, tại cầu Long Biên, rất nhiều tình nguyện viên cũng đứng với khẩu hiệu “Thả cá đừng thả túi ni-lông”. Các bạn đa phần là sinh viên đã đến đây để thu nhặt túi nilon, hướng dẫn người dân thả cá đúng cách, truyền tải thông điệp không xả rác ra môi trường vì một Hà Nội sạch đẹp. Cũng nhờ vậy mà khuyến cáo thả cá, không thả túi nilon lan tỏa mạnh mẽ trong ngày ông Công ông Táo.

Vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp

Bên cạnh những nỗ lực của các hội, nhóm để bảo vệ môi trường, theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, vẫn còn rất nhiều hình ảnh chưa đẹp trong ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Ngay tại cầu Long Biên, mặc dù có đội tình nguyện viên hướng dẫn, nhưng cảnh người từ trên cao… ném cá xuống mặt nước vẫn tiếp tục xuất hiện. Thậm chí, có người còn đem cả túi tro hóa vàng, bát hương, chân nhang ném thẳng xuống phía dưới. Khu vực ven bờ sông Hồng gần đó, mặt nước nổi váng, đen đặc vì tàn hương.

Những tổ tình nguyện đặc biệt ngày thả cá tiễn ông Công, ông Táo ảnh 4

Khu vực ven bờ sông Hồng cầu Long Biên, mặt nước nổi váng, đen đặc vì tàn hương. (Ảnh: Nhật Quang)

Tại các khu vực khác như hồ Linh Đàm, Hoàng Cầu, tình trạng tương tự cũng đã diễn ra. Có những chú cá, ngay khi vừa được phóng sinh đã chết ngạt vì chung quanh quá nhiều tàn hương.

Tại khu đô thị Linh Đàm, mặc dù đã bố trí sẵn lư hóa vàng, nhưng do số lượng người có nhu cầu quá đông, nhiều người đã mang vàng mã ra đốt ngay trên vỉa hè khiến bụi bay mù mịt.

Anh Đăng Giang, một người dân sống tại chung cư đông nhất Hà Nội ngao ngán: “Nhìn lửa cháy rừng rực trên vỉa hè, tôi rất sợ nguy cơ hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Một số hình ảnh chưa đẹp trong ngày ông Công, ông Táo về trời do phóng viên ghi lại

Những tổ tình nguyện đặc biệt ngày thả cá tiễn ông Công, ông Táo ảnh 5

Phóng sinh cá từ độ cao hàng chục mét. (Ảnh: Nhật Quang)

Những tổ tình nguyện đặc biệt ngày thả cá tiễn ông Công, ông Táo ảnh 6

Mặt nước hồ Linh Đàm đen đặc bởi tro tiền vàng.

Những tổ tình nguyện đặc biệt ngày thả cá tiễn ông Công, ông Táo ảnh 7

Những chú cá được phóng sinh cũng rất khó sống sót với chất lượng nước như thế này.

Những tổ tình nguyện đặc biệt ngày thả cá tiễn ông Công, ông Táo ảnh 8

Một chú cá đã rất yếu ngay sau khi được phóng sinh.

Những tổ tình nguyện đặc biệt ngày thả cá tiễn ông Công, ông Táo ảnh 9

Đốt vàng mã tràn ra cả vỉa hè, khói lửa nghi ngút.

Những tổ tình nguyện đặc biệt ngày thả cá tiễn ông Công, ông Táo ảnh 10

Nguy cơ cháy nổ ngày cận Tết rất cao.

Những tổ tình nguyện đặc biệt ngày thả cá tiễn ông Công, ông Táo ảnh 11

Lửa trên vỉa hè, tro bụi đã tràn xuống lòng đường.