Những tín hiệu tốt của thị trường bất động sản

Lãi suất ngân hàng giảm, nhiều dự án đã hoàn thiện được thủ tục pháp lý, hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh đầu tư… là những bệ đỡ tích cực cho thị trường bất động sản. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, năm 2024, thị trường bất động sản sẽ hồi phục.
0:00 / 0:00
0:00
Các dự án nhà ở tại đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7.
Các dự án nhà ở tại đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7.

Tại hội thảo "Bất động sản phía nam đón đầu cơ hội phát triển hạ tầng" do Tạp chí Cafeland.vn tổ chức mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho biết, trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, kéo lãi suất huy động giảm xuống 3-4%, lãi suất cho vay cũng giảm ít nhất 2%. Tuy nhiên, con số này chưa đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Vẫn còn tình trạng ngân hàng ế vốn nhưng doanh nghiệp thiếu vốn. Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được bảo đảm bằng bất động sản, trong khi doanh nghiệp bất động sản lại đang là khách hàng của ngân hàng. Nhưng doanh nghiệp và khách hàng đều ngỡ ngàng vì tài sản bất động sản ảm đạm, tài sản mất giá.

Ngân hàng cho vay 70% trên giá trị tài sản nhưng khi giá trị tài sản giảm đến 50% thì giá trị thực của thế chấp còn thấp hơn dư nợ bên ngân hàng sợ cho vay. Đây là những điều nghịch lý lý giải vì sao dù Ngân hàng Nhà nước dù đã nhiều lần giảm lãi suất nhưng chưa tác động sâu, chưa gỡ khó được cho các doanh nghiệp bất động sản.

Đánh giá về thị trường, ông Hiếu cho rằng, qua năm 2024 khi nguồn vốn đã thực sự được khơi thông thì thị trường bất động sản mới có thể phục hồi. Thị trường bất động sản phía nam sẽ có cơ hội nhiều hơn từ các dự án hạ tầng lớn như sân bay Long Thành, đường vành đai 3…

Đồng quan điểm, Chuyên gia nghiên cứu thị trường, ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, hạ tầng là yếu tố tác động rất nhiều đến thị trường bất động sản. Kế hoạch đầu tư công của Chính phủ vào khu vực phía nam rất lớn, từ sân bay, các tuyến đường vành đai, các đường cao tốc đang gấp rút đầu tư xây dựng… sẽ thúc đẩy các đô thị ly tâm phát triển.

Bởi hiện nay chi phí cao, quỹ đất khu vực trung tâm không còn nhiều. Đây là cơ hội của Bình Dương, Long An, hay các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi của Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cả khu vực Đông Nam Bộ. Khi hệ thống metro được xây dựng và dù chưa hoàn thành cũng đã tạo nên diện mạo chung của cả khu Đông Thành phố Hồ Chí Minh. Các dự án mọc theo metro đã có mức tăng giá rất là cao.

Cá biệt có dự án tăng gần 150%. Ngoài ra các dự án tăng từ 50-70% là rất nhiều. Điều này cho thấy hệ thống metro sắp đưa vào vận hành có thể thay đổi định hướng về đầu tư theo hạ tầng. Trong tương lai Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển các dự án đô thị gắn liền với hệ thống giao thông, trong đó có các tuyến metro. Với những tín hiệu tốt này, trong thời gian tới, thị trường sẽ phát triển theo hướng bền vững hơn.

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thị trường bất động sản phía nam với trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh và bán kính chung quanh 100 km sẽ là vùng đất đầy tiềm năng cho thị trường bất động sản thời gian tới. Những người đầu cơ bất động sản hãy quên đi những nơi "đất lành chim đậu, mà phải tìm tới những nơi đất có thóc để chim ăn". Vùng đất "có thóc" phụ thuộc vào yếu tố thương mại dịch vụ. Các khu công nghiệp mọc ra ở những nơi có hạ tầng tốt, đường sá giao thông thông thoáng và có cảng biển sẽ là những nơi thu hút "chim tới ăn".

Theo ông Hiển, sắp tới, các khu vực hạ tầng phía nam sau nhiều năm trì trệ sẽ có những bước tiến mới. Tới năm 2025, khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường vành đai 3… hoàn thành sẽ tạo bước đột phá cho nền kinh tế trọng điểm khu vực phía nam. Bên cạnh đó, cảng Cái Mép-Thị Vải được kết nối hạ tầng đồng bộ cũng sẽ là tiền đề cho những vùng đất “nóng” trong thời gian tới. Những điều này hứa hẹn sẽ giúp những bất động sản khu vực này tăng trưởng một cách bền vững.

Còn dưới góc nhìn của Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, chuyên gia bất động sản, nút thắt lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay nằm ở vấn đề pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Điều này làm cho các nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại khi đầu tư nên mất đi một nguồn vốn tốt.

Tuy nhiên nhìn ở góc độ tích cực, thị trường đang được điều tiết tốt hơn về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Thời gian tới, với sự phục hồi của nền kinh tế, sự phát triển của cơ sở hạ tầng thì các nền kinh tế địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như các khu vực tiếp nối với phía đông Thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần cải thiện thu nhập của người dân, từ đó tác động tích cực lên thị trường bất động sản.