Những tín hiệu tích cực từ thị trường lao động ngoài nước

Thời gian qua, không tính tới giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, trung bình mỗi năm, số lao động Việt Nam đi nước ngoài chiếm xấp xỉ 10% chỉ tiêu việc làm cần giải quyết. 5 tháng đầu năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã vượt mốc 59 nghìn người, đạt khoảng 54% kế hoạch năm, cho thấy dấu hiệu tích cực từ lĩnh vực việc làm ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra tay nghề lao động Việt Nam trước khi sang Hàn Quốc làm việc. (Ảnh MINH THẮNG)
Kiểm tra tay nghề lao động Việt Nam trước khi sang Hàn Quốc làm việc. (Ảnh MINH THẮNG)

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến hết tháng 5/2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 59.645 lao động (trong đó có 20.585 lao động nữ) đạt 54,2% kế hoạch năm 2023 và gấp hơn 1,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường hàng đầu là Nhật Bản chiếm tới 20.571 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) với 8.196 lao động và Hàn Quốc: 617 lao động…, ngoài ra còn có các thị trường khác như: Trung Quốc, Singapore, Hungary…

Đặc biệt, với hai thị trường lao động lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc đều có những tín hiệu tích cực trong thời gian qua. Theo thông báo, Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các cải tiến chính sách để người lao động nước ngoài có tay nghề cao sẽ có thể lưu trú lâu dài và mở rộng nhóm ngành nghề cho “chương trình kỹ năng đặc định” số 2.

Việc quyết định bổ sung thêm 9 nhóm ngành nghề bao gồm chế biến thực phẩm và nhà hàng vào danh sách các ngành nghề không có thời hạn làm việc đối với tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định” đã nâng những ngành nghề người lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn lên 12 ngành, nghề.

Việc mở thêm 9 nhóm ngành nghề sẽ là cơ hội tăng số lượng lao động kỹ năng tiếp nhận từ Việt Nam, tăng quyền lợi, mở ra cơ hội cư trú lâu dài đối với lao động Việt Nam… Theo dự báo, nếu gộp cả chương trình thực tập sinh kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định, số lao động nước ngoài làm việc ở Nhật Bản có thể lên tới 500.000 người.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về đưa lao động đi Nhật Bản, Tổng Giám đốc Công ty Esuhai Lê Long Sơn cho rằng, việc cải tiến chính sách tiếp nhận lao động người nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản, nhất là cải tiến, nâng cấp chương trình thực tập sinh kỹ năng để liên thông với chương trình lao động kỹ năng đặc định theo cấp độ, đồng thời với kéo dài thời gian cư trú cho người lao động nước ngoài sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho thị trường này trong thời gian tới. Mặt khác, hơn 350.000 thực tập sinh Việt tại Nhật Bản hiện nay chính là những người đầu tiên được hưởng lợi từ các chính sách mới.

Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Phu nhân tới Việt Nam, ngày 23/6, tại Phủ Chủ tịch, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik ký và trao Bản Ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).

Đối với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường có thu nhập cao, gần gũi về văn hóa cho nên thu hút nhiều lao động lựa chọn sang làm việc. Tính đến ngày 1/6/2023, có 48.950 lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này (tăng 9.300 người so với cùng kỳ năm 2022), với mức thu nhập bình quân từ 1.500-2.000 USD/tháng.

Theo thống kê đến ngày 19/6/2023, Việt Nam đã phái cử hơn 5.423 lao động sang Hàn Quốc và dự kiến cả năm 2023 phấn đấu đạt mục tiêu 10.000 lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Hiện đã có hơn 33.500 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Có thể thấy, với sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa hai bộ, Chương trình EPS đã được triển khai thực hiện hiệu quả, công bằng, khách quan, minh bạch, mang lại nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc, cũng như quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV ngày 6/6 vừa qua, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là một giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng cường thu nhập cũng như tạo điều kiện để thanh niên có nhu cầu có thể tiếp cận những công việc, công nghệ, tác phong làm việc mới…

Để đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, ngành lao động-thương binh và xã hội sẽ tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Đồng thời, tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu liên thông để quản lý người lao động đi ra nước ngoài và về nước, phát huy năng lực của họ sau khi hồi hương; xử lý nghiêm tất cả các trường hợp lợi dụng việc này để trục lợi chính sách, lạm dụng cũng như lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài.