Những tấm lòng cao cả

NDO - Ông ơi, vào đây làm chén nước với con! Trời nắng thế này sao không nghỉ một hôm?

Cô hàng nước đon đả mời chào ông lão mồ hôi nhễ nhại đang chậm chạp bước đi dưới cái nắng hè gay gắt. Ban đầu tôi cũng không để ý, cứ ngỡ ông bị khiếm thị vì thấy ông cầm một cái gậy quờ quạng bên lề đường. Ðến khi ông lại gần mới biết không phải. Cái gậy trong tay ông giống như một chiếc cần câu mà ở đầu dây là một thỏi nam châm trên đó dính chi chít đinh ba cạnh và các mẩu sắt vụn. Ngồi xuống chiếc ghế đẩu, đón cốc trà đá mát lạnh từ tay cô hàng nước, ông lão lại thong thả đặt xuống bàn và quay sang bóc đinh và những mẩu sắt bám ở đầu dây "cần câu" cho vào cái túi nâu bạc phếch đeo trên vai.

 - Ði từ sáng đến giờ có được nhiều không ông? - Cô hàng nước hỏi.

- Ờ! cũng tàm tạm, nhưng hôm nay lại có nhiều đinh lắm cháu ạ!- Ông lão nói- Có vẻ như chúng nó lại rải hay sao ấy. Quá đáng thật, công an đã bắt mấy lần rồi mà vẫn không chịu chừa.

Không để ý đến lời ông lão, cô hàng nước tò mò nhòm vào cái túi nâu của ông:

- Cũng hòm hòm đến vài cân sắt vụn chứ chẳng chơi, thế là được ít tiền rồi đấy ông ạ!- Cô gái vui vẻ reo lên.

Uống nước xong, chẳng kịp ngồi nghỉ, ông lão lại vội vã xách túi và "cần câu" lên đường. Ái ngại nhìn theo tấm lưng còng còng của ông, tôi hỏi cô hàng nước:

- Ông lão có con cái gì không mà sao lại để đi như thế? Khổ thân, câu sắt kiểu ấy cả ngày chắc cũng chỉ được hai, ba chục nghìn chứ mấy.

- Gộp lại cả tuần cũng được một món ra tấm, ra miếng đấy ạ!- Cô gái trả lời, rồi như chợt nhớ ra khi thấy tôi hỏi vậy, cô giải thích:- Không phải ông đi nhặt sắt vụn lấy tiền cho mình đâu mà để làm từ thiện đấy anh ạ!

Theo lời cô hàng nước kể, tôi được biết ông lão là một cựu chiến binh về hưu, có nhà cửa đàng hoàng ở thị trấn này và con cái thành đạt cả. Ban đầu thấy nạn rải đinh sắt bẫy xe vá lốp ở trên quốc lộ lộng hành quá, ông bàn với mấy cụ bạn hưu trí lập tổ đi nhặt đinh dọc đường, vận động mọi người phát hiện, tố giác bọn "đinh tặc". Thậm chí đã có lúc ông và bạn bè bị chúng nó đe dọa, nhưng ông vẫn cười: "Hồi xưa, bom rơi, đạn nổ ở chiến trường còn chẳng sợ huống hồ là mấy thằng đinh tặc này". Quá trình đi nhặt đinh, ông và các bạn cũng thu được khá nhiều sắt vụn. Số tiền bán sắt thu được kha khá, các ông bàn với nhau lập một quỹ nhỏ làm từ thiện, giúp đỡ các cụ già neo đơn và các em nhỏ mồ côi nhà nghèo trong thị trấn.

- Lúc đầu, em và nhiều người dân ở đây không hiểu đâu anh ạ! Thậm chí gia đình các cụ cũng ngăn cản dữ lắm. Mọi người cứ nghĩ là mấy ông già lẩn thẩn, "ôm rơm dặm bụng". Sau này, thấy bên đài truyền hình phỏng vấn, rồi chính quyền tuyên dương thì chúng em mới hiểu được việc làm nhiều ý nghĩa của các cụ. 

Nghe cô hàng nước, tôi chợt nhớ đến câu chuyện về một bà bán rau ở phố tôi ngày nào cũng đi thu lượm và nhặt vỏ chai nước, lon bia ở các hàng quán mang bán lấy tiền thăm nom bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện. Ban đầu, dân hàng phố cũng dè bỉu, nghi ngờ, nhưng dần dần, công việc từ thiện kiên trì của bà đã lay động mọi người và nhận được sự ủng hộ của họ. Mà cũng chẳng đâu xa, gần đây, một chị bạn của tôi cùng bạn bè không chỉ quyên góp tiền bạc, vật chất mà còn xuống tận các xóm chạy thận nhân tạo hướng dẫn, giúp họ trồng cải mầm, làm giá đỗ trong tình hình dân thành thị đang "thèm rau sạch", rồi lại tìm cả "đầu ra" để giúp các bệnh nhân và người nhà của họ có thêm đồng ra, đồng vào...

Biết tôi đang có ý tưởng tìm hiểu, viết về những con người bình dị mà có tấm lòng nhân hậu ấy, một đồng nghiệp đã thốt lên: "Ðề tài cũ rích, viết suốt rồi, còn nhiều cái hay và giật gân ngoài xã hội lắm, viết thế mới thích, chuyển hướng đi". Có thể, ở một khía cạnh nào đó, bạn tôi nói đúng, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn muốn mãi mãi được viết, được giới thiệu và tôn vinh những người như ông lão cựu chiến binh, bà bán rau và chị bạn của tôi, bởi với tôi và nhiều người, họ là những tấm gương thật sự đáng ngưỡng mộ trong xã hội hôm nay.