Lăn kim hay còn gọi phi kim vi điểm, là biện pháp trị liệu tạo nên những tổn thương siêu nhỏ trên da, để loại bỏ các tế bào cũ và sản sinh tế bào mới trên những cây lăn với đầu kim có đường kính rất nhỏ, chỉ từ 0,5 - 2,5 mm để tạo các vi vết thương. Những vết thương siêu nhỏ này có tác dụng “đánh lừa” các tế bào da bằng cách phát ra tín hiệu để hệ thần kinh khởi động quá trình làm lành vết thương ở các vùng được lăn kim.
Công nghệ lăn kim da mặt giúp dưỡng chất đi sâu vào trung bào và nuôi dưỡng tế bào gốc. Phần biểu bì được tái tạo mạnh, tăng sinh collagen nhằm điều trị các vấn đề mụn, sẹo, thâm, tàn nhang. Ngoài ra, tế bào da được tái tạo trở nên căng khỏe, xóa mờ những nếp nhăn và thu nhỏ lỗ chân lông.
Vì là liệu pháp gây tổn thương da mặt tạm thời nên bạn cần tham khảo thật kỹ để lựa chọn cho mình địa điểm làm phù hợp. Nên đến những nơi có bác sĩ khám, soi da và tư vấn trực tiếp để bảo đảm an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, lăn kim là liệu pháp gây tổn thương và chảy máu nên các dụng cụ thực hiện phải được vô trùng theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Chế độ chăm sóc da mặt sau khi lăn kim cũng cần chú trọng. Theo đó, trong vòng ba ngày đầu, bạn nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt vào ban ngày. Hạn chế tiếp xúc các vật dụng tỏa nhiệt và hơi nóng như bếp lửa, đèn cao áp, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào vùng da lăn kim. Lưu ý không được sử dụng bất kỳ sản phẩm dưỡng da hay mỹ phẩm trang điểm trong thời gian này. Sau một tuần, khi ra ngoài cần che kỹ mặt, thoa kem chống nắng để bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời, giữ ẩm cho da và chống lão hóa. Không được thức khuya, ngủ đủ giấc, để giúp làn da được nghỉ ngơi. Nên kết hợp tập luyện thể thao để tăng cường lưu thông máu, cung cấp oxy cho tế bào da. Uống ít nhất hai, ba lít nước/ngày. Bổ sung collagen, vitamin C, E cho cơ thể, giúp vết thương mau lành và tăng cường tái tạo da. Ăn nhiều rau, củ, quả nhưng nên hạn chế các loại trái cây ngọt, nóng.