Một bộ phim tài liệu cảm động về “con nuôi biên phòng”

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã cho ra mắt bộ phim tài liệu “Bên cạnh bố” với nội dung về hình tượng các chiến sĩ biên phòng không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc mà còn làm bố của các em nhỏ người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những thước phim khiến người xem ấm lòng và thắp lên hy vọng sẻ chia.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh phim tài liệu “Bên cạnh bố”. (Ảnh ĐOÀN PHIM CUNG CẤP)
Cảnh phim tài liệu “Bên cạnh bố”. (Ảnh ĐOÀN PHIM CUNG CẤP)

“Bên cạnh bố” do đạo diễn-Trung tá Vũ Minh Phương thực hiện, lấy bối cảnh ở Đồn Biên phòng Bạch Đích (Yên Minh, Hà Giang). Đã 5 năm nay, đây là ngôi nhà thứ hai mà hai em Mua Văn Minh và Chảo Thanh Thiên gắn bó. Mua Văn Minh mất bố từ nhỏ, mẹ ốm yếu, cho nên cuộc sống rất bấp bênh. Em Chảo Thanh Thiên cũng mất bố, mẹ đi bước nữa, Thiên và em ở cùng với bác gái, gia cảnh khó khăn. Được đồn biên phòng nhận làm con nuôi, các em có môi trường tốt, được học hành, dạy dỗ với nền nếp quân đội, dần trưởng thành.

Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh chân thực, bám sát theo hành trình của hai em: từ ở đồn, đến trường, về thăm nhà hay chuyến đi chơi là phần thưởng sau khi có thành tích tốt trong học tập... Dù chỉ có dung lượng gần 30 phút, song bộ phim đã vẽ nên bức tranh về tuổi thơ vất vả của hai cháu bé vùng cao, về cuộc sống đầy tình thương yêu bên những người cha mặc áo lính và tâm tư, khát vọng của các em. Bên cạnh đó, phim cũng hé mở về góc riêng tư trong đời sống của bộ đội biên phòng. Người đã có gia đình thì biến nỗi nhớ vợ con thành tình cảm với các em bé nghèo vùng cao; người chưa lập gia đình thì học cách làm bố của những đứa trẻ xa lạ. Làm bố, nhưng họ đóng cả vai trò của những người mẹ, vừa chăm sóc, che chở, vừa lo lắng cho tâm sinh lý những trẻ đang tuổi mới lớn. Chưa ở nơi đâu, tình người lại được hiện lên rõ như thế.

Phim có sự kết hợp chặt chẽ giữa lời bình, lời kể của nhân vật và các đoạn phỏng vấn làm nổi bật góc nhìn khách quan. Trung tá Vũ Minh Phương đã có các bộ phim tài liệu về người lính thời bình như “Những chiến sĩ hải đồ”, “Vẫn có Bác soi đường”. Lần này với đề tài gần gũi, anh và đồng nghiệp đã mang đến góc nhìn mới mẻ về người chiến sĩ trong thời bình. Hình ảnh họ đầy ấm áp, vị tha và bản lĩnh, xứng đáng là những người cha che chở cho các em bé vùng cao côi cút. Âm thanh cũng là một phần bổ trợ đắc lực trong bộ phim tài liệu này. Những âm thanh cuộc sống chân thực hòa quyện với âm thanh của tiếng sáo, tiếng khèn đặc trưng của vùng núi địa đầu Tổ quốc.

Đạo diễn Vũ Minh Phương chia sẻ: “Bạch Đích là một xã thuộc huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang còn nghèo khó, nằm sát biên giới. Trong quá trình thực hiện bộ phim, các bối cảnh xa nhau, chúng tôi đã phải tính toán làm sao để tinh gọn cả nhân lực lẫn vật chất để di chuyển và tác nghiệp thuận tiện. Tính từ lúc khởi quay tới ngày đóng máy là ba năm. Có đợt, đoàn phim bám trụ hơn nửa tháng. Năm 2023, chúng tôi quay vào 29 Tết Nguyên đán, cả đoàn đã xác định ăn Tết trên đồn biên phòng, lên đến nơi cũng đã thấy bộ đội gói bánh chưng, làm thịt lợn xong xuôi. Các đồng chí bộ đội kể, cháu Thiên về nhà bác ăn Tết nhưng cứ đòi về đồn, và cháu trở về với bộ đội ngay dịp Tết”.

Các thành viên ê-kíp phim cho biết, ban đầu mới tiếp xúc hai cháu khá e dè, ít nói. 9 tháng sau gặp lại cả đoàn bất ngờ bởi các cháu đã vụt cao lớn, thay đổi về ngoại hình khiến ý tưởng buộc phải thay đổi theo, cần sự sát sao về bối cảnh. Ở những phim tài liệu nổi tiếng của Vũ Minh Phương như “Chư Tan Kra” (giải Cánh diều vàng năm 2019), ngoài các máy chính, đạo diễn lúc nào cũng đeo máy ảnh để kịp thời ghi lại cảm xúc nóng hổi của nhân vật. Còn bộ phim này đòi hỏi hoàn toàn thiết bị chuyên dụng nhằm bảo đảm chất lượng cho nên việc chuyển tải cảm xúc là “bài toán” khó với đạo diễn, quay phim.

“Bên cạnh bố” là hướng làm phim tài liệu mà Điện ảnh Quân đội nhân dân chú trọng thời gian tới: Khai thác hình ảnh người lính trong thời bình, trong mối quan hệ với nhân dân, trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như khai thác hình ảnh người lính trong quá trình vươn lên làm chủ khoa học công nghệ. Trước đó, với phim tài liệu “Chư Tan Kra”, để cô đọng được khoảng 30 phút lên màn ảnh, đạo diễn Vũ Minh Phương có hàng chục chuyến đi, mỗi chuyến dài cả tháng, theo chân các cựu chiến binh Trung đoàn 209 vào dãy núi Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) tìm hài cốt liệt sĩ. Để không bỏ lỡ những khoảnh khắc quý, đoàn liên tục phải làm việc theo nhóm.

Vừa qua, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, đơn vị vinh dự giành một giải Bông sen vàng, một giải Bông sen bạc và hai giải thưởng cá nhân, tiếp tục khẳng định vai trò là một đơn vị làm phim uy tín về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng.