Những người trẻ giàu tình thương

Chăm sóc người già neo đơn, trẻ mồ côi, khuyết tật, đặc biệt là bệnh tâm thần, là công việc không hề đơn giản. Với tình yêu thương con người, nhiều bạn trẻ đã vượt qua khó khăn, trở ngại đó, ngày ngày chăm lo cho những người không may mắn.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Danh Thanh Ngà (thứ 2, từ phải qua) trò chuyện với bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang.
Anh Danh Thanh Ngà (thứ 2, từ phải qua) trò chuyện với bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang nằm trên tuyến Quốc lộ 80 thuộc huyện Châu Thành. Nơi đây, hằng ngày, nhiều bạn trẻ đang tận tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh…

Xuất phát từ tâm

Đang trông giữ năm bệnh nhân tâm thần dưới một gốc cây, anh Danh Thanh Ngà (34 tuổi), nhân viên Khoa Tâm thần, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang, phát hiện bệnh nhân Nguyễn Vũ Hảo nói nhảm, mắt lờ đờ. Anh Ngà liền đưa bệnh nhân Hảo vào khu phòng riêng biệt. Tại đây, Hảo được anh Ngà và nhân viên y tế cho uống thuốc để cắt cơn. "Phải nhanh chóng xử lý, nếu không Hảo sẽ lên cơn gây sự, đánh người khác", anh Ngà nói.

Anh Ngà cho biết thêm, việc như vậy thường xuyên xảy ra ở đây, anh đã nhiều lần can ngăn bệnh nhân tâm thần đánh nhau. Khi lên cơn, bệnh nhân thường tự cào cấu cơ thể mình, khóc la, trợn mắt hay đuổi đánh người khác. Trong ca trực, nhân viên phải luôn canh chừng, nếu đối tượng lên cơn phải nhanh chóng xử lý, đưa vào phòng cách ly.

"Có khi, hai bệnh nhân đánh nhau rồi lấy chất bẩn ném khắp nơi, trúng cả nhân viên. Nói ra có khi không ai tin, nhưng đó là sự thật", anh Ngà tâm sự. Cũng theo anh Ngà, mỗi lần bệnh nhân lên cơn thì nhân viên phải có lòng bao dung, thương họ nhiều hơn, đặc biệt tâm lý phải hết sức vững vàng…

Tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh Danh Thanh Ngà tham gia quân đội, sau đó học ngành y ở Trường cao đẳng Dược Sài Gòn rồi xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang và gắn bó công việc này hơn ba năm nay. Thời gian đầu chăm sóc bệnh nhân tâm thần, anh Ngà gặp nhiều khó khăn. Anh không thể giao tiếp được với bệnh nhân, không biết họ cần gì, không biết cách khống chế khi bệnh nhân lên cơn… Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, giờ anh Ngà thành thạo với công việc của mình.

"Từng cái bắt tay, có khi ca nước họ tạt vào mình lúc đùa giỡn là liều thuốc quý cho bệnh nhân đang chữa trị. Mình có thương cho số phận của họ thì mới làm việc được", anh Danh Thanh Ngà trải lòng.

Khác công việc với anh Ngà nhưng chị Đặng Thị Mỹ Linh (33 tuổi), nhân viên tại Khoa Chăm sóc trẻ em cũng phải vượt qua nhiều thử thách để gắn bó với công việc của mình. Yêu trẻ con, tốt nghiệp y sĩ Trường trung cấp Y dược Mekong Cần Thơ, chị Linh có nguyện vọng chăm sóc, nuôi dưỡng người yếu thế, làm "bảo mẫu" cho trẻ mồ côi nên xin vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang.

"Tôi nghĩ ngoài xã hội có nhiều người kém may mắn cần được giúp đỡ. Ra trường một thời gian, tôi đăng ký ứng tuyển vào trung tâm. Ban đầu gia đình kịch liệt phản đối bởi ở đây rất vất vả, nhưng tôi cố gắng thuyết phục, giải thích và được gia đình chấp nhận", chị Linh chia sẻ.

Hôm chúng tôi đến Khoa Chăm sóc trẻ em cũng là lúc chị Linh bước vào ca trực. Toàn khoa có 31 trẻ, chị và một đồng nghiệp khác chịu trách nhiệm quản lý 15 trẻ, trong đó có hai trẻ bị bệnh thiểu não, bốn trẻ sơ sinh và một trẻ đang tuổi đi học. Với hai trẻ bị thiểu não không tự ăn uống được, chị Linh phải bơm từng ít nước cháo loãng vào miệng các bé và chăm các bé khác, tất cả đều rất sạch sẽ, nhẹ nhàng, chu đáo.

Theo chị Linh, các bé mồ côi lại khuyết tật rất đáng thương. Chị Linh luôn xem các bé như người ruột thịt của mình. Đáp lại tình yêu đó là những ánh mắt trìu mến và tiếng gọi chị Linh bằng "mẹ" thân thương của các em biết nói dành cho chị.

"Tôi nghĩ, để làm tốt công việc này cần hơn cả là tình yêu thương và trách nhiệm với các con. Tôi chăm sóc các con như người thân trong gia đình và luôn cố gắng để các bé cảm nhận được tình cảm của người mẹ. Bởi các em có số phận không may, có em bệnh nặng có lẽ chỉ ở lại đây một thời gian ngắn…", chị Linh buồn bã chia sẻ.

Nghề "kén" người

Ngay từ đầu, nhiều nhân viên trẻ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang như anh Ngà, chị Linh xác định công việc chăm sóc người bệnh tâm thần, trẻ khuyết tật là không hề đơn giản. Chỉ riêng tại Khoa Chăm sóc bệnh nhân tâm thần, mỗi ca trực có bốn nhân viên nhưng phải quản lý hơn 106 bệnh nhân.

Mỗi ngày, nhân viên làm việc từ lúc 4 giờ 30 phút sáng để vệ sinh cá nhân cho các đối tượng, sau đó hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục, ăn uống, chăm sóc sức khỏe... Nếu có bệnh nhân bị bệnh nhập viện thì bốn nhân viên phải luân phiên đi nuôi bệnh. Đó là chưa kể một vài bệnh nhân cùng lên cơn một lúc, việc xử lý tình huống vô cùng khó khăn, gian khổ.

Theo anh Danh Tân (30 tuổi), Khoa Chăm sóc người già, ai muốn trụ lại làm việc ở đây thì mỗi người đều phải xác định động cơ rõ ràng, bởi 100% cụ đều không có người thân. "Chỉ khi nào chúng ta xem các cụ như cha mẹ, ông bà của mình thì mới trụ lại được. Học có bằng cấp là cần thiết, nhưng vào đây thì bằng cấp chỉ bổ trợ, yếu tố chính là tình thương giữa người với người", anh Danh Tân bộc bạch.

Hằng ngày, anh Danh Tân cùng tám đồng nghiệp khác chia ra làm hai ca trực, chăm sóc 39 cụ già neo đơn, nhiều cụ không tự chăm sóc được phải nhờ sự hỗ trợ của nhân viên.

Trưởng Khoa Chăm sóc trẻ em Nguyễn Thị Thơ cho biết, mỗi trẻ vào trung tâm có hoàn cảnh rất đặc biệt. Có bé vừa sinh ra bị bỏ lại trong bệnh viện, có em bị đặt bên lề đường hay một nơi nào đó ngoài phố... Nhiều em khuyết tật, nhẹ cân, chân tay dúm dó không thể tự di chuyển hay nói năng gì được. Vì thế các cô ở đây rất vất vả, không chỉ cho các con ăn, chăm ngủ mà còn vệ sinh mọi thứ.

Theo chị Thơ, công việc vất vả là vậy nhưng đồng lương nhân viên rất thấp, nhiều người vượt qua chủ yếu bằng… nghị lực. Được biết, lương của anh Danh Tân hiện là 5,4 triệu đồng/tháng; anh Danh Thanh Ngà hơn 5,6 triệu đồng/tháng; chị Đặng Thị Mỹ Linh khoảng 6 triệu đồng/tháng, kể cả phụ cấp.

Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang Phan Đình Sáu chia sẻ, các bạn làm việc lâu dài tại đây thật sự là một sự cống hiến, hy sinh lớn. Một số bạn mới 22 đến 33 tuổi nhưng được đánh giá cao về chuyên môn và đạo đức. Thực tế có nhiều công việc khác thu nhập cao, nhàn hạ, có cơ hội thăng tiến hơn ở bên ngoài nhưng với tấm lòng thương người, tinh thần sẻ chia, các bạn đã chấp nhận gắn bó với công việc vất vả này.

Cũng theo ông Phan Đình Sáu, môi trường làm việc ở trung tâm mang tính đặc thù nên gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Tiêu chuẩn chăm sóc các đối tượng bảo trợ yêu cầu nhất định về chuyên môn và đạo đức. Nhiều đối tượng khiếm khuyết về mặt cơ thể, trí tuệ hay mắc bệnh lý mãn tính nằm tại chỗ đòi hỏi nhân viên phải chăm sóc. Đặc biệt, công việc này có nhiều yếu tố tác động đến tâm lý nên nhân viên cần có tình thương, tinh thần sẻ chia và tâm lý vững vàng mới có thể làm việc được lâu dài.

"Nhiều bạn tốt nghiệp đại học, cao đẳng đúng chuyên ngành công tác xã hội nhưng không thể làm việc được ở đây. Cũng có trường hợp làm được vài tuần thì nghỉ, thậm chí có bạn chỉ làm việc được một ngày. Từ năm 2019 đến năm 2022, trung tâm tuyển gần 30 vị trí nhưng chỉ có 20 hồ sơ ứng tuyển, trong đó một bạn bỏ hồ sơ từ đầu và bốn bạn trúng tuyển nhưng không nhận việc. Năm 2023, trung tâm tuyển tiếp nhưng chỉ có bảy người nộp hồ sơ. Hiện, có một số bạn muốn xin chuyển công tác, trung tâm có động viên nhưng cơ bản sẽ không làm việc được lâu dài", ông Phan Đình Sáu cho biết thêm...

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang hiện có 235 đối tượng (31 trẻ mồ côi, 59 người khuyết tật, 39 người già neo đơn và 106 bệnh nhân tâm thần). Theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, trung tâm được giao 105 biên chế, nhưng hiện chỉ có 74 biên chế; còn nếu tính chỉ tiêu theo đối tượng thì trung tâm cần tới 150 biên chế.