Những người mẹ Anh hùng ở Hải Thượng

Những người mẹ Anh hùng ở Hải Thượng

NDO -  94 người mẹ ở xã Hải Thượng vinh dự được Ðảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến nay còn sống được 2 người. Câu chuyện về lòng trung hiếu với Tổ quốc và tình mẫu tử của họ như những trang gia phả thắm đỏ.

Những người mẹ ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị Anh hùng đã tham gia hoạt động cách mạng, đào hàng trăm căn hầm bí mật trong lòng địch nuôi giấu, che chở cán bộ cũng như chính những người con của mẹ tham gia bộ đội, du kích.

Xã Hải Thượng có vị trí, địa hình rất quan trọng, là vùng tiếp nối giữa miền núi, đồng bằng và đô thị, án ngữ về phía nam của thị xã Quảng Trị, nơi có Thành cổ Quảng Trị. Những ngày đất nước còn chiến tranh dù nằm trong lòng địch, nhưng người dân Hải Thượng một lòng theo cách mạng rất sớm, từ khi Ðảng mới ra đời, nên chính quyền miền nam cũ xem địa phương này như cái gai trong mắt, muốn "nhổ bỏ, xóa dấu vết" bất cứ lúc nào.

Thế nhưng, người dân vùng quê cách mạng này không biết sợ, chỉ chọn một con đường cầm súng tiến lên phía trước để giành lấy độc lập cho Tổ quốc. Thời đó ở Hải Thượng tồn tại "mô hình" quản lý đan xen làm cho đế quốc Mỹ và chính quyền miền nam cũ hết sức đau đầu, ban ngày là chính quyền của chế độ miền nam cũ; ban đêm là chính quyền của cách mạng do những cán bộ hoạt động bí mật lãnh đạo.

Nhớ lại những ngày chiến tranh, làm cơ sở cách mạng, mẹ Đào Thị Vui, 100 tuổi ở thôn Đại An Khê cho biết chỉ có tình yêu với cách mạng thôi vẫn chưa đủ, mà còn phải sáng suốt, thông minh đấu trí với quân địch mới bảo toàn được lực lượng cách mạng.

Những người mẹ Anh hùng ở Hải Thượng ảnh 1
Mẹ Việt Nam Anh hùng Đào Thị Vui, 100 tuổi, ở thôn Đại An Khê chia sẻ cùng phóng viên Báo Nhân Dân.

Những năm 1966-1972 là giai đoạn chiến trường ở Hải Thượng luôn khốc liệt. Quân đội Mỹ và chính quyền miền nam xác định Hải Thượng là địa bàn cực kỳ quan trọng nên tập trung bom đạn chà đi, xát lại hàng trăm lần nhằm làm lung lay ý chí cách mạng của người dân. Quân địch càng hung hãn, nhân dân Hải Thượng càng kiên cường, biết bao lần làm chúng khốn đốn.

Vì vậy, vào năm 1968, chính quyền miền nam phải nắn đoạn Quốc lộ 1, không cho đi qua xã Hải Thượng nữa để chạy lên phía tây như bây giờ chính là để tránh cộng sản ở khu vực này. Dù ở ngay trong lòng địch, vào tháng 12/1969, Hải Thượng đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, trở thành xã Anh hùng đầu tiên của Quảng Trị.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Thượng, Trần Văn Kính cho biết, xã Hải Thượng có số lượng liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất tỉnh; có nghĩa trang liệt sĩ xã quy mô nhất so với các xã trong nước với gần 2.000 nấm mộ, trong đó có 438 người là con em của xã. Truyền thống cách mạng hào hùng đã trở thành bệ phóng, nâng cánh cho vùng quê này phát triển nhanh và mạnh về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, trở thành một trong tám xã điểm nông thôn mới của tỉnh Quảng Trị.

Những người mẹ Anh hùng ở Hải Thượng ảnh 2
Những nghĩa cử tri ân của thế hệ sau với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống của xã Hải Thượng.

Sau ngày đất nước thống nhất, Hải Thượng có 438 con em được suy tôn liệt sĩ, 341 người được hưởng chế độ thương binh; 1.560 người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến các loại. Hiện xã có 94 mẹ được Ðảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 2 mẹ còn sống là mẹ Ðào Thị Vui ở thôn Ðại An Khê; mẹ Phan Thị Thuộc ở thôn Thượng Xá. Những chàng trai, cô gái con em xã Hải Thượng ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất anh hùng. Biết bao người mẹ Hải Thượng dù đã nhận được tin báo con đã hy sinh nhưng vẫn luôn ngóng đợi con về. Khi còn sống chiều nào các mẹ cũng ra bờ sông Nhùng, nơi bến đò tiễn con đi ngày đó để ngóng đợi con về.

Tri ân người có công và tình mẫu tử

Một việc làm rất nhân văn của Hải Thượng mà có lẽ đây là địa phương cấp xã đầu tiên trên đất nước thực hiện. Nhằm tôn vinh công lao, đức hy sinh cao cả của các mẹ đã hiến dâng chồng, con cho cách mạng, đất nước, cách đây 2 năm, Ðảng ủy xã Hải Thượng thống nhất vận động xây dựng Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng bằng hình thức xã hội hóa. Khu tưởng niệm nằm gắn với Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Thượng.

Những người mẹ Anh hùng ở Hải Thượng ảnh 3
Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nằm gần với Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Thượng.

Bắt đầu từ cuối năm 2018, Ban vận động xã Hải Thượng phát lời kêu gọi con em của xã đang công tác khắp mọi miền đất nước ủng hộ vật chất, tiền bạc, tiếp nhận được số tiền đóng góp gần 2,2 tỷ đồng. Sự đồng lòng đóng góp kinh phí, công sức của nhân dân xã Hải Thượng, các tấm lòng gần xa đối với công trình tri ân đầy ý nghĩa này vượt xa sự mong đợi của địa phương. Có nhiều cá nhân không phải người địa phương nhưng thấy cách vận động tri ân này rất hay và ngưỡng mộ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nên xin phát tâm ủng hộ từ 20 triệu, 50 triệu đến 200 triệu đồng.

Những người mẹ Anh hùng ở Hải Thượng ảnh 4
Ngày 20/12/2019 công trình chính thức khánh thành trở thành niềm tự hào của người dân xã Hải Thượng.

Ông Lê Hữu Thăng, người thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, thay mặt con em của xã chia sẻ cảm thấy rất tự hào và hãnh diện là người dân của xã Hải Thượng Anh hùng; được đóng góp một phần nhỏ công sức vào công trình tri ân, tưởng niệm vô cùng ý nghĩa này làm ông rất hạnh phúc. Ngoài ý nghĩa là nơi thờ tự các Mẹ Việt Nam Anh hùng, tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu, khu tưởng niệm còn là nơi giáo dục lý tưởng cách mạng, vun đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Ông Lê Hữu Thăng, người thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng chia sẻ câu chuyện xây dựng khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Toàn bộ khu tưởng niệm được xây dựng trên diện tích đất rộng hơn 500m², nhìn ra hồ nước rộng gần 5ha được trồng sen hồng, sen xanh, và trồng lúa rất đẹp; có các hạng mục: nhà thờ chính, tháp chuông, vườn hoa, nhà vọng cảnh. Nhà thờ chính được thiết kế theo lối ba gian, gian giữa thờ Bác Hồ, hai gian hai bên thờ các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Những người mẹ Anh hùng ở Hải Thượng ảnh 5
Toàn cảnh Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Thượng.

Với 92 mẹ đã qua đời, ngoài tên tuổi, ngày mất còn có thêm di ảnh và tên chồng, tên con, ngày các con của các mẹ đã hy sinh được khắc ghi tại đền thờ. 2 mẹ còn sống đã được khắc tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, để dành nơi đặt di ảnh, sau khi các mẹ qua đời Ban vận động sẽ khắc ngày mất và đưa di ảnh vào thờ tự trong khu này. Rất nhiều các con của 94 mẹ khi hy sinh chưa có gia đình, nên khu tưởng niệm cũng là nơi tri ân và thờ chính cho các mẹ.

Những người mẹ Anh hùng ở Hải Thượng ảnh 6
Tên tuổi của các Mẹ Việt Nam Anh hùng được khắc ghi đầy đủ tại nơi thờ tự trong khu tưởng niệm.

Phía trước nhà thờ là nhà tháp chuông; trong khuôn viên khu tưởng niệm có vườn hoa, điểm nhấn là nhà vọng cảnh hướng ra hồ nước. Ngay cổng khu tưởng niệm trồng hai cây vú sữa, tượng trưng cho dòng sữa mát lành của mẹ luôn nuôi dưỡng, che chở các con.

Những người mẹ Anh hùng ở Hải Thượng ảnh 7
Khu tưởng niệm các Mẹ Việt Nam Anh hùng xã Hải Thượng.

Hình ảnh Khu tưởng niệm được xây dựng gắn liền với Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Thượng đã tạo ra những ấn tượng sâu đậm, sự xúc động, tự hào của người dân Hải Thượng cũng như người dân Quảng Trị. Hình ảnh ấm áp, ý nghĩa ấy đã chạm sâu tới những tình cảm thiêng liêng về tình mẫu tử và tình yêu Tổ quốc. Ở cái tuổi mười bảy, mười tám, những người lính thế hệ ấy có thể nhiều người còn chưa biết yêu. Nhưng họ có mẹ. Những lời ru của mẹ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những chàng trai, cô gái còn rất trẻ. Họ hy sinh, thân thể họ hóa vào đất đai cho Tổ quốc. Còn linh hồn họ thì trở về với mẹ, với ký ức tuổi thơ đã thấm đẫm những lời ru của mẹ. Tình mẫu tử thiêng liêng, sự hiếu nghĩa và lòng trung hiếu với Tổ quốc đã hòa quyện với nhau. Chính điều đó đã làm nên sự trường tồn của Tổ quốc chúng ta, của tâm hồn Việt.

back to top