Những người “chọn” đón Tết xa quê

NDO -

Trên khắp nẻo đường dẫn bước những người con về nhà sum họp, vẫn có những người lựa chọn đón Tết xa quê vì dịch bệnh và nhiều lo toan nặng gánh.

Tết là để đoàn viên nhưng vẫn có những người phải "chọn" đón Tết xa quê.
Tết là để đoàn viên nhưng vẫn có những người phải "chọn" đón Tết xa quê.

Đón Tết tại thành phố

10 năm làm việc xa nhà thì 5 cái Tết đón tại thành phố, dù đã quen với những ngày Tết không được quây quần đông đủ gia đình, chị Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, sinh sống tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vẫn không khỏi chạnh lòng khi thêm một mùa đoàn viên nữa không được về nhà.

“Nói chung thì Tết ai cũng muốn được sum họp. Nhưng mà năm nay dịch quá nên kinh tế khó khăn mà về quê thì tốn nhiều tiền. Tiền xe cộ, máy bay rồi quà cáp cho họ hàng. Nhà mình mới bị F0 nữa nên cũng nhiều nỗi lo”, chị Thu chia sẻ.

Trước thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Thu làm công nhân ở khu công nghiệp. Giờ dịch bệnh, chị nghỉ việc, ở nhà trông con nhỏ 2 tuổi. Nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai người chồng mới chữa khỏi Covid-19, đi làm trở lại được một tháng.

“Chồng mình làm trong công ty thì đăng ký làm Tết luôn, cho nên là cũng coi như không có Tết. Mình ở nhà trông bé. Giao thừa, mùng 1 cũng chỉ mua đồ về cúng chứ cũng không có gì nhiều, không đi chơi đâu. Năm nay, dịch bệnh khó khăn, khu mình ở cũng có nhiều anh em cô bác ở lại làm xuyên Tết thay vì về quê hay đi du lịch đâu đó”, chị Thu chia sẻ.

Những người “chọn” đón Tết xa quê -0
 Chị Nguyễn Thị Thu và con gái. (Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP)

Nhớ lại những dịp Tết được trở về nhà, chị Thu ngậm ngùi: “Tết này chỉ thương nhất là mẹ mình ở Hà Tĩnh, với con gái lớn đang ở với bà ngoại ngoài đó khi cả nhà không thể đoàn tụ. Mẹ mình lớn tuổi rồi, không biết gặp được nhau bao lâu nữa. Còn con gái thì cũng hứa với bé năm nay ba mẹ và em sẽ về đón Tết mà không được. Bé nó cũng buồn lắm nhưng đành nhắn con thông cảm cho ba mẹ thôi chứ biết sao giờ ”.

Cũng chọn ở lại thành phố đón Tết, Nguyễn Đức Ngọc (20 tuổi, quê ở Lai Châu, hiện đang làm việc ở một salon tóc tại Hà Nội) cho biết muốn tranh thủ làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, bù vào những tháng mất thu nhập trong năm qua.

“Công việc của mình năm vừa rồi nhiều lúc khó khăn vì chỗ làm phải đóng cửa do dịch Covid-19. Nên Tết này ngoài công việc chính, mình còn tìm việc làm thêm thời vụ trên các hội nhóm, kiếm chút tiền giúp bố mẹ ở nhà sắm sửa phần nào. Làm việc vào dịp Tết lương có thể cao gấp 4-5 lần mà cũng không quá vất vả, chủ yếu là bưng bê, phục vụ bàn hay làm bảo vệ”.

Khi được hỏi về cảm xúc của gia đình về việc con trai chọn xa nhà dịp Tết, Ngọc chia sẻ: “Cả nhà buồn lắm nhưng vẫn tôn trọng quyết định của mình. Mình cũng nghĩ là làm việc cả ngày thì không có mấy thời gian rảnh để suy nghĩ. Cho nên là cứ tự động viên bản thân và bố mẹ yên tâm, sau Tết con sẽ sắp xếp về. Lúc đó người về quê hầu như không còn nên cũng giảm nguy cơ dịch bệnh và bớt đông đúc hơn”.

Đón năm mới ở xa vì sợ người nhà… mất Tết

Còn 2 ngày nữa là chuyến bay từ Sài Gòn về Hà Nội cất cánh. Chị Nguyễn Thị Hiên (42 tuổi, quê Thái Nguyên, hiện đang kinh doanh tiệm tạp hóa tại Bến Tre) ngậm ngùi đăng thông tin lên trang cá nhân, mong muốn tặng lại 4 vé máy bay dịp Tết của gia đình cho người nào cần.

Chị Hiên chia sẻ: “Cả gia đình tôi đều là F0 mới chữa khỏi. Trước ngày chuẩn bị về, chúng tôi có gọi điện cho anh em ở Thái Nguyên hỏi thăm tình hình. Nhưng nghe tin thì nhiều hàng xóm, rồi người thân họ hàng đều e ngại. Gia đình tôi buôn bán nên không thể về sớm. Về đến nơi, ở nhà bố mẹ chồng thì ông bà cũng sẽ phải đóng cửa cách ly cùng gia đình hơn một tuần vào đúng những ngày Tết. Lo ông bà năm nay “mất Tết” nên dù buồn, nhà tôi quyết định tặng lại vé máy bay vì vé cũng không thể hủy được nữa ”.

Kế hoạch về nhà đón Tết bị hủy vào phút chót, chị Hiên và gia đình không khỏi buồn lòng, hụt hẫng. Cả năm làm việc vất vả, chị dồn cả tiền bạc, hy vọng vào một năm mới sum vầy. Giờ không về được, Tết năm nay của gia đình càng thêm ảm đạm. Nhất là sau một năm làm ăn khó khăn, “kinh tế chỉ bằng một phần mười của năm ngoái”, chị Hiên chia sẻ.

Đường về nhà thêm xa do dịch bệnh

Quê nhà tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Những ngày này, anh Huỳnh Quốc Ân (công nhân công ty thực phẩm tại Shizuoka, Nhật Bản) chỉ có thể tận hưởng không khí Tết qua màn hình điện thoại. Anh cố gắng tranh thủ giờ nghỉ trưa ít ỏi và thời gian trước khi đi ngủ để gọi về nhà, “chỉ đạo” mọi người chưng bông Tết, treo câu đối, dọn dẹp nhà cửa,...

Anh_3-1643600708322.jpeg
 Anh Huỳnh Quốc Ân tại Nhật Bản. (Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP)

Anh Ân chia sẻ: “Đã xác định sang đây thì chỉ có tập trung cho công việc nên mình khó xin nghỉ được. Dịch bệnh như thế này thì phải cách ly ở cả Việt Nam lẫn Nhật khi về lại, thêm thời gian di chuyển giữa nơi mình ở với chỗ làm các thủ tục, chỗ xét nghiệm. Tiền vé đắt mình cũng ráng mua được nhưng thời gian dài như vậy thì công ty bên này họ không cho phép. Buồn lắm nhưng cũng chỉ biết cầu mong năm sau được về thôi”.

Anh Ân cho biết thêm, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản hầu hết tập trung ở Tokyo. Các tỉnh lân cận và nơi anh làm không có mấy người. Cái Tết xa quê vì thế càng trở nên cô đơn, buồn tủi.

“Giờ gần nhất chỉ mong đêm giao thừa trùng vào ngày không phải đi làm để gọi về nhà hưởng cái không khí Tết, không phải một mình ngồi bật nhạc xuân mà trào nước mắt nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ gia đình nữa”, anh Ân chia sẻ.

Anh_4-1643600708853.jpeg
 Những bức ảnh ngập tràn không khí Tết người thân gửi qua được anh Ân lưu trong điện thoại để nhìn ngắm mỗi lúc nhớ nhà. (Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP)

Cũng đón Tết nơi đất khách, B.T.My (quê Bắc Giang, du học sinh tại Đại học Kwangwoon, Hàn Quốc) cho biết, chuyến bay về nhà dịp năm mới của cô đã 3 năm không thể thực hiện do dịch bệnh.

“Mình du học năm 2019, cũng là thời điểm dịch bệnh bắt đầu. 2 năm trước vì mới sang nên mình phải học tiếng. Cộng với việc nếu về Việt Nam phải cách ly, ảnh hưởng đến lịch học và visa nên không về được. Năm nay, dù rất nhớ nhà nhưng mình cũng chọn không về. Vì về lại phải cách ly, không đi chơi, đi thăm họ hàng được bao nhiêu. Thủ tục cũng nhiều và bố mẹ mình cũng lo việc đi lại không an toàn”, My chia sẻ.

My cho biết, vé máy bay về nước mở bán muộn nên rất khó để cô sắp xếp công việc. Cùng với đó, giá vé cũng tăng gấp đôi, từ khoảng 15 triệu đồng lên 30 triệu đồng cả đi lẫn về. Số tiền đó bằng hai tháng tiền làm thêm của cô tại Hàn Quốc. Con số không nhỏ đối với những du học sinh phải tự chi trả cả việc học lẫn sinh hoạt phí.

“Người đi xa về thì hay có quà. Mà mình thường phải mua quà từ Hàn Quốc nên đắt lắm, có khi tiền quà còn nhiều hơn cả tiền vé máy bay. Một phần nhỏ thôi nhưng cũng là lý do khiến mình ngại về nhà dịp Tết ”, My chia sẻ thêm.

Năm nay, đêm giao thừa thứ 3 xa nhà cũng sẽ là một ngày làm thêm bình thường tới 3 giờ sáng của My tại Hàn Quốc. My bảo, cả gia đình sẽ chỉ nhắn tin chúc mừng nhau. Còn cô sẽ cầu mong năm tới dịch bệnh được kiểm soát, thực hiện được lời hứa với bố “năm sau con nhất định sẽ về”.