Những ngôi nhà mang dấu ấn Chữ thập đỏ

NDO - Thực hiện chủ trương hỗ trợ bền vững cho các hộ gia đình vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, từ năm 2009 đến nay, được sự hỗ trợ của T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cùng các ban, ngành, đoàn thể, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng 240 ngôi nhà tránh lũ tặng đồng bào nghèo trong tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Sen xúc động trước ngôi nhà mới.
Bà Nguyễn Thị Sen xúc động trước ngôi nhà mới.

Niềm vui trong ngôi nhà mới

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) Lương Hữu Lần, đưa chúng tôi đến thăm gia đình bà Phạm Thị Sung, 60 tuổi, ở xã Song Lộc. Tiếc là khi chúng tôi đến, mẹ con bà Sung đi làm vắng. Theo anh Lần, đây là một trong những gia đình thuộc loại nghèo nhất trong xóm, bởi nhà chỉ có hai mẹ con, đều là phụ nữ. Chồng bà Sung mất sớm, để lại cho hai mẹ con căn nhà cấp bốn tuềnh toàng bên dưới chân quả đồi, với gia tài chẳng có gì đáng giá. Trận lũ lụt năm 2010 đã kéo đổ ngôi nhà, cùng những vật dụng trong gia đình bà Sung. Ðể giúp đỡ hai mẹ con bà Sung ổn định cuộc sống, Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trong xã, xóm nhanh chóng triển khai phương án cứu trợ. Ngoài lương thực, đồ dùng sinh hoạt, những vật dụng cần thiết, Hội đã trích 25 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà kiên cố tặng gia đình bà Sung. Hôm làm nhà tặng mẹ con bà Sung vui như ngày hội. Với ngôi nhà kiên cố nằm trên vị trí cao hơn, hy vọng mùa mưa bão năm nay, hai mẹ con bà Sung không còn vất vả chạy lũ.

Cũng là hộ nghèo, được bà con bình chọn để xây nhà tránh lũ, nhưng năm nay gia đình anh Phạm Ðức Oanh, 45 tuổi, ở thôn Thượng Tiều, xã Vĩnh Lộc không chỉ vui vì có nhà mới kiên cố, mà còn được mùa vụ lúa. Anh Oanh bộc bạch: Mấy năm trước, làm chẳng đủ ăn. Trận lũ năm 2010 tàn phá làm cho nhà cửa hỏng hết, vợ chồng con cái phải đi ở nhờ. Trong cuộc họp bình xét gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình em được bà con bầu chọn cho nên năm nay gia đình em đã có ngôi nhà mới rộng rãi, thêm cái gác xép tránh bão. Chúng tôi thấy mừng cho vợ chồng anh Oanh khi thấy trong góc nhà, hàng chục bao tải thóc được quây làm chỗ đổ những thúng thóc mới vừa thu hoạch. Ấy là chưa kể những bao thóc đã được phơi khô cất trên gác xép.

Chúng tôi không khỏi vui mừng khi thấy đời sống của bà con trong xóm đang dần đổi thay, những ngôi nhà kiên cố đang thay thế dần những căn nhà cấp bốn lụp xụp. Hai bên đường vào xóm là những thảm lúa chín vàng, nhà nhà, người người đang tấp nập thu hoạch. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Can Lộc cho biết, sau trận lũ năm 2010, số hộ nghèo toàn huyện có tăng lên, nhưng với đà này chắc chắn chúng tôi sẽ vượt qua đói, nghèo.

Nằm sâu trong xóm 9, xã Hà Linh, huyện Hương Khê là ngôi nhà hai gian có gác xép kiên cố, trị giá hơn 80 triệu đồng, trong đó Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ 30 triệu đồng. Số tiền còn lại là sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể và công sức của bà con trong xóm giúp đỡ xây tặng mẹ con bà Nguyễn Thị Sen, 72 tuổi. Nhớ lại cảnh tượng trận lũ hồi tháng 9, tháng 10-2010 tràn qua tàn phá nặng nề xóm của mình, bà Sen bộc bạch: Xã tôi là một trong những xã nghèo của huyện, trận lũ năm 2010 tàn phá toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu xã có 80 hộ, thì hơn 70 hộ ngập chìm trong nước.

Nhai miếng trầu bỏm bẻm, bà Sen tự hào, giờ đây tôi đã có ngôi nhà kiên cố, có vô tuyến xem, các con về quây quần làm ăn, lo cho mẹ tuổi già, các cháu đều được đến trường. Nếu có bão lụt xảy ra, mẹ con, bà cháu tôi không còn phải lo chạy nước như trước nữa.

Vai trò xung kích của Hội Chữ thập đỏ

Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong vùng trọng điểm thiên tai thuộc khu vực Ðông - Nam Á và là một trong mười quốc gia bị ảnh hưởng thiên tai nhiều nhất trên thế giới. Thiên tai bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán... diễn ra hằng năm, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản với mức thiệt hại về kinh tế từ một đến 1,5% tổng GDP quốc gia mỗi năm. Trước tình hình đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định tham gia phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa là một trong những ưu tiên hoạt động của Hội. Hội luôn tích cực tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thảm họa và cách phòng tránh, ứng phó. Tổ chức lực lượng tham gia cứu trợ, bao gồm cứu trợ khẩn cấp và cứu trợ tái thiết phục hồi.

Theo Trưởng ban quản lý thảm họa T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Lê Thế Thìn, thiên tai xảy ra ngày càng đa dạng, phức tạp, mức độ và phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn, gây thiệt hại ngày càng nặng nề về người và tài sản của nhân dân. Mỗi khi thiên tai, thảm họa xảy ra, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn là một trong những lực lượng có mặt đầu tiên trợ giúp người dân khắc phục hậu quả, đồng thời cũng là một trong các tổ chức gắn bó bền bỉ với người dân vùng thiên tai trong giai đoạn tái thiết, phục hồi. Các hoạt động cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai được tiến hành với nhiều cách làm khác nhau, hình thức khác nhau. Tuy nhiên, không ít hoạt động cứu trợ không thu được kết quả như mong muốn.

Ðể hoạt động ứng phó thảm họa ngày một chuyên nghiệp, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả cao, ngoài việc cứu trợ khẩn cấp như chăn, màn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, thì xây nhà tránh lũ là một trong những cách trợ giúp đồng bào hiệu quả nhất, bền vững nhất. Năm năm qua, được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp các đoàn thể, nhân dân vùng bị ảnh hưởng bão, lũ lụt đã xây mới và sửa chữa hơn 27 nghìn ngôi nhà tránh lũ với nhiều mẫu mã khác nhau, phù hợp điều kiện từng vùng. Ngoài ra, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đang tiến hành xây dựng 189 căn nhà tránh lũ tặng đồng bào ba tỉnh An Giang, Ðồng Tháp và Long An. Ủy ban châu Âu, Hội Chữ thập đỏ Pháp và Tây Ban Nha tiếp tục khảo sát lên kế hoạch xây dựng khoảng 200 căn nhà khang trang, bảo đảm an toàn, tặng người dân ở ba tỉnh nêu trên.