Tại vùng rừng ngập mặn Cà Mau, có một mô hình canh tác thuận theo tự nhiên được duy trì và phát triển hơn chục năm qua. Ðó là người dân chung tay giữ rừng để bảo vệ môi trường sinh thái và bù lại, cây rừng che chở cho vật nuôi, giúp nông dân thu được nông sản sạch. Cách thức canh tác trồng rừng kết hợp nuôi tôm này còn gọi là mô hình tôm-rừng.
Hiệu quả từ nuôi tôm thuận thiên
Nhờ sản xuất tương hỗ và thuận tự nhiên mà hơn 30 năm qua, gia đình ông Trần Minh Trí (ngụ ấp Tắc Biển, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển) duy trì nguồn thu hơn 500 triệu đồng mỗi năm đối với 15 ha đất nuôi tôm dưới tán rừng. Ðó là chưa tính hoa lợi từ việc bán gỗ khi cây rừng đến chu kỳ thu hoạch sau thời gian dài chăm sóc, bảo vệ. Ông Trí cho biết, dưới tán rừng là không gian nước mặn để nuôi tôm sú, cua và nhiều loài thủy sản. “Nhà nông như chúng tôi chọn tôm giống tốt nhất thả xuống vuông tôm, để tôm tự kiếm ăn và lớn lên theo cách tự nhiên. Con tôm khi thu hoạch là tôm sạch, được bao tiêu toàn bộ đầu ra để phục vụ chế biến, xuất khẩu” - ông Trí tiết lộ.
Mô hình nuôi tôm theo cách tự nhiên như gia đình ông Trí đang được áp dụng rộng khắp tại các huyện có nhiều diện tích rừng ngập mặn của tỉnh Cà Mau như Ngọc Hiển, Năm Căn, Ðầm Dơi, Phú Tân… Tại huyện Ngọc Hiển, nơi có đến hơn 53.000 ha tôm-rừng và đến nay, đã có 15.000 ha trong số đó được nhiều tổ chức quốc tế công nhận là tôm sinh thái, nâng tổng diện tích tôm sinh thái toàn tỉnh Cà Mau lên khoảng 25.000 ha, với tổng sản lượng khoảng hơn 10.000 tấn/năm.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc, mô hình tôm-rừng bảo đảm hài hòa lợi ích giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Cây rừng giúp khôi phục và cân bằng hệ sinh vật trong nguồn nước dưới tán rừng, cung cấp thức ăn tự nhiên và tạo bóng râm để tôm trú ngụ. Ngược lại, người nuôi tôm ra sức trồng rừng, chăm sóc, bảo đảm tỷ lệ che phủ của rừng trên diện tích nuôi theo quy định. Sự kết hợp hài hòa giữa tôm và rừng không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người dân, mà còn giữ được trạng thái cân bằng của môi trường tự nhiên, góp phần phát triển rừng tại các khu vực ven biển.
Nuôi tôm theo cách tự nhiên ở Cà Mau còn nổi bật với mô hình tôm-lúa (nuôi tôm kết hợp trồng lúa). Tại đồng tôm-lúa hơn 2 ha của gia đình mình, ông Trần Văn Quyết, thành viên Hợp tác xã lúa-tôm Trí Lực (Ấp 5, xã Trí Lực) cho biết, trong sáu tháng mùa hạn nước nhiễm mặn, ông và những thành viên trong hợp tác xã nuôi tôm sú kết hợp với cua, cá. Khi mưa đến, ông bơm nước mặn ra ngoài kênh, tận dụng nước mưa để rửa mặn đồng ruộng, phục vụ gieo trồng vụ lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh. “Quá trình canh tác trong năm, chúng tôi không sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… Nhờ đó đã giảm đáng kể chi phí sản xuất, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha/năm, nông sản thân thiện với môi trường, bán được giá cao” - ông Quyết đúc kết.
Từ vài nghìn héc-ta ban đầu, đến nay, diện tích sản xuất tôm-lúa tại Cà Mau đã phát triển lên khoảng 40.000 ha, tập trung nhiều ở huyện Thới Bình với khoảng 20.000 ha. Chỉ riêng tại vùng chuyên canh tôm-lúa gần 3.000 ha của xã Trí Lực, nhờ tuân thủ các quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế mà đến nay, diện tích nuôi tôm sú của xã này đã được chứng nhận theo chuẩn quốc tế ASC Group hơn 1.000 ha, và 119 ha lúa được chứng nhận lúa hữu cơ Organic.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Cà Mau, tôm-lúa là mô hình canh tác thuận thiên độc đáo, hiệu quả. Bởi quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa, nhiều mầm bệnh gây hại cho tôm sẽ không sống được ở môi trường nước ngọt và ngược lại. Sau vụ nuôi tôm, các chất thải của tôm sẽ được bộ rễ cây lúa hấp thụ. Và sau khi thu hoạch lúa, một lượng sinh khối lớn thân và rễ lúa phân hủy, kích thích sự phát triển của phiêu sinh vật (sinh vật phù du) làm thức ăn cho tôm. Chính nhờ lợi ích kép nêu trên mà sản phẩm tạo ra đáp ứng được xu hướng tiêu dùng nông sản sạch.
Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững
Trước những tác động bất lợi từ thiên nhiên, để ổn định và phát triển bền vững về lâu dài, không còn cách nào khác, nông dân Cà Mau phải chủ động thích ứng, chuyển đổi sản xuất theo hướng thuận tự nhiên với những mô hình canh tác phù hợp.
Như mô hình tôm-rừng, khi giữ được rừng không chỉ giúp chúng ta có môi trường trong lành, ứng phó thiên tai mà ở đó có sự phát triển kinh tế ổn định nhờ thu nhập từ con tôm và nhiều loài thủy sản dưới tán rừng. Còn với tôm-lúa, đặc trưng của mô hình này là sự luân phiên sản xuất giữa hai mùa mưa và mùa nắng. Chính chu trình luân chuyển qua hai mùa nước đã tạo nên hai môi trường sống đối lập nhưng có sự hỗ trợ bền vững lẫn nhau. Mỗi thành phần vừa là đầu ra, lại vừa trở thành đầu vào cho nhau trong một hệ thống sản xuất khép kín, tuần hoàn tối ưu các nguồn lực và dòng vật chất. Nhờ những đặc điểm độc đáo mang tính thích ứng cao với điều kiện tự nhiên như thế đã giúp mô hình tôm-lúa trở nên bền vững, gần gũi với môi trường.
Cái hay của mô hình tôm-lúa là phù hợp với đặc trưng hai mùa mưa-nắng của miền nam, nhất là khi Cà Mau hoàn toàn dựa vào nguồn nước ngọt ở mùa mưa để sản xuất lúa, còn mùa hạn có nước mặn thì nuôi tôm. Và thật bất ngờ, sự cộng sinh của hai hệ sinh thái này đã phát triển tốt mô hình tôm-lúa. Ðây quả thật là mô hình điển hình theo hướng thuận thiên trước tác động của biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của ông Christopher Howe, Giám đốc Cảnh quan Ðồng bằng sông Cửu Long thuộc Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), mô hình tôm-rừng và tôm-lúa phù hợp với xu hướng thuận thiên, không chỉ tạo sinh kế bền vững và cho kết quả cụ thể về mặt kinh tế, mà còn bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động, các mô hình thuận thiên ra đời là tất yếu. Tuy nhiên, để duy trì và lan tỏa mô hình cần có sự đầu tư hơn nữa về hạ tầng giao thông, thủy lợi nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Ở chiều ngược lại, nhà nông cần chủ động thay đổi tư duy sản xuất, tuân thủ các khuyến cáo hữu ích từ các đơn vị chức năng, nhất là về chuyển đổi giống, tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ.
Tại vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời, trước cảnh báo năm 2024 có hạn-mặn gay gắt, thay vì canh tác ba vụ lúa trong năm thì nay, phần lớn nhà nông huyện này chỉ làm hai vụ, chủ động chuyển đổi sang giống lúa ngắn ngày để thu hoạch sớm trước khi hạn đến. “Theo khuyến cáo từ chính quyền, sau vụ đông xuân, tôi không canh tác lúa vụ ba (vụ hè thu) mà chuyển đổi thành vụ màu, trồng bí rợ, thu hoạch dứt điểm vào khoảng giữa tháng 2/2024, cho nên “né” được hạn. Kiên trì theo cách này mà vụ vừa rồi, gia đình tôi thu được khoảng 60 tấn bí rợ, tổng thu gần 600 triệu đồng, bằng nguồn thu cả hai vụ lúa” - ông Trần Văn Bắc, có 4 ha đất canh tác tại Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ.
Cách làm tương tự cũng được nhà nông vùng tôm-lúa huyện Thới Bình thực hiện trong niên vụ 2023 vừa qua. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) Lý Minh Vững phấn khởi: “Nhờ thực hiện tốt các khuyến cáo về chuyển đổi sang các giống lúa ngắn ngày, chủ động rửa mặn sớm đồng ruộng, cho nên phần lớn vụ lúa trên đất nuôi tôm của nhà nông địa phương thu hoạch trước Tết Nguyên đán không bị ảnh hưởng bởi mặn mà còn bán được giá cao vào thời điểm thị trường đang hút nguồn cung”.
“Thuận thiên” trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay nhằm giúp có nền sản xuất bền vững. Tuy vậy, “thuận thiên” không phải là không làm gì, mà ở đây phải có sự can thiệp một cách có kiểm soát theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.
Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sản xuất nông nghiệp thuận thiên là hướng đi xuyên suốt trong quá trình phát triển để thích ứng và Cà Mau đang rất quyết tâm theo đuổi hướng đi này. Kinh nghiệm đã qua cho thấy, nhà nông rất đồng thuận với định hướng lựa chọn của tỉnh, bởi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, có áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới nhưng không làm tổn hại đến môi trường mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao.
Lê Văn Sử
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau