Hàng nghìn học sinh sau khi biết bơi giỏi sẽ biết tự cứu mình, cứu người trong các tình huống sông nước nguy hiểm, đó luôn là mong ước lớn nhất của thầy Tước.
Hôm thầy Tước đồng ý hẹn gặp tôi, cũng là lúc thầy đang tất bật chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để giữa tháng 5, khi các em học sinh bắt đầu được nghỉ hè, thầy lên huyện Ða Krông dạy bơi cho học sinh người dân tộc thiểu số.
Xin được dạy bơi miễn phí
Hình ảnh thầy giáo Nguyễn Viết Tước mở lớp dạy bơi miễn phí cứu người đã truyền cảm hứng sống đẹp không chỉ với người dân Quảng Trị, mà dường như với rất nhiều người khi biết được hành động kiên trì, ý nghĩa của thầy.
Hai mươi mốt năm trước, tốt nghiệp Trường đại học Thể dục Thể thao Ðà Nẵng, thầy về công tác tại Trường tiểu học-trung học cơ sở xã Hải Phong, là vùng sâu, trũng của huyện Hải Lăng, mỗi năm mùa mưa đến phải gánh chịu vài trận lũ dữ. Nước lũ rút đi, khi thầy cô đến dọn vệ sinh trường lớp để đón học sinh trở lại thế nào cũng nhận được tin buồn: Thêm một học sinh nữa của trường không may đuối nước thương tâm trong lũ do không biết bơi. Ðau xót trước câu chuyện buồn thương đó, thầy Tước quyết tâm tổ chức ngay lớp dạy bơi miễn phí khi học sinh vừa nghỉ hè.
Học sinh chăm chú từng động tác hướng dẫn của thầy Nguyễn Viết Tước. |
Lớp học bơi ngày đó được thầy tổ chức dạy ở sông Ô Lâu. Chỉ sau 5 buổi học, nhiều học sinh đã biết bơi trong niềm hạnh phúc của thầy trò. Tiếng lành đồn xa trên vùng sông nước, nhiều bậc cha mẹ đưa con đến nhờ thầy dạy bơi. Các em bơi giỏi sau đó được thầy luyện cho đi thi bơi cấp huyện, tỉnh và đều có giải cao. Nhiều người đến gửi tiền công dạy bơi, thầy từ chối, xem việc làm của mình là giúp học sinh có thêm kỹ năng sống.
Công tác tại trường được hai năm, cấp trên phân công thầy đến dạy học ở một trường khác. Các bậc cha mẹ và học sinh bày tỏ nuối tiếc, bịn rịn chia tay. Thầy nhắn nhủ, các em đã được thầy dạy bơi giỏi, cố gắng dạy bơi cho các bạn khác, vì mai sau các em vùng vẫy giữa biển lớn, chứ không phải chỉ vài con sóng nhỏ như dòng sông quê nhà.
Ðến dạy học ở đơn vị mới, Trường tiểu học và trung học cơ sở Hải Vĩnh của xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, nơi địa bàn đồng bằng, sông nước dày đặc, nhưng nhiều học sinh không biết bơi cho nên năm nào cũng có trường hợp đuối nước. Rồi câu chuyện hai ông cháu đi chăn vịt giữa đồng thôn Lam Thủy, xã Hải Hưng bị lật thuyền, chết đuối, trong lúc cháu đang là học sinh tiểu học làm thầy thêm quyết tâm.
Thầy đi khảo sát khắp vùng để tính mật độ sông, ao hồ, những nơi có nguy cơ cao gây đuối nước; thống kê số học sinh của trường biết bơi, chưa biết bơi; các địa điểm dự kiến tổ chức được lớp học. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có một số em biết bơi nhờ năng động và có phần bạo với sông nước.
Nhiều học sinh ngồi trên bờ kênh đợi đến lớp học của mình. |
Mang số liệu này cùng đơn xin dạy bơi miễn phí đến nhà trường và chính quyền địa phương trình bày nguyện vọng, nhà trường đồng ý, nhưng chính quyền chưa cho phép vì nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do chưa tin thầy đủ điều kiện để dạy bơi miễn phí vì hoàn cảnh kinh tế gia đình thầy đang khó khăn.
Không nản chí, thầy quyết tâm dạy cho bằng được vì còn quá nhiều trẻ em chưa biết bơi, nguy cơ đuối nước rất cao. Chia sẻ với đồng nghiệp, nhiều lần thầy thổ lộ, biết bơi mà không dạy được cho các em là mình đang có lỗi. Thầy Tước tiếp tục làm đơn lần thứ hai xin tổ chức dạy bơi, kèm thêm cam đoan dạy miễn phí. Lần này, sau khi nghe thầy trình bày nguyện vọng và cho biết đã từng tổ chức dạy bơi miễn phí ở trường cũ, lãnh đạo chính quyền đồng ý ngay.
Ðịa điểm thầy chọn tổ chức dạy bơi là một đoạn kênh N4 của công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn. Dòng kênh N4 hội đủ yếu tố của dòng sông, lúc thì nước chảy nhẹ nhàng, khi lại mạnh do đơn vị quản lý hệ thống kênh điều chỉnh van cung cấp nước để phù hợp nhu cầu tưới tiêu ruộng. Học sinh được học bơi trong dòng nước như vậy tốt hơn học ở bể bơi, để khi không may gặp sự cố ở các sông, suối thì dễ áp dụng kỹ năng được học vào xử lý tình huống.
Ngày thầy thông báo chính quyền cho phép dạy bơi và đề nghị người dân các làng động viên con em đến học miễn phí, ai nấy đều hớn hở, vui mừng. Thầy ra bờ kênh dùng sơn trắng viết dòng chữ in đậm "Hãy tập bơi để phòng tránh tai nạn đuối nước". Dòng chữ tạo thêm động lực, giúp học sinh thêm ý thức về môn học kỹ năng quan trọng này.
Ngày khai giảng, có 25 học sinh nô nức tham gia. Chỉ qua 4 buổi học, đã có 5 em bơi được 5-7m. Ðến buổi học thứ mười, các em giỏi đã bơi được 15m, em nào chậm nhất cũng bơi được 5-7m. Sau 15 buổi, cả lớp bơi thuần thục cự ly 50m mà không cần thầy kèm cặp. Từ đó mỗi chiều, cùng với các lớp dạy khác của thầy, các em tự luyện tập, bơi lội tung tăng, náo nhiệt cả đoạn kênh. Những mùa hè sau, các em đăng ký học bơi nhiều hơn, có lúc số lượng đăng ký hơn 100 học sinh.
"Thầy ơi em vừa cứu được bạn khỏi đuối nước"
Thầy Tước kể, cách đây 7 năm, có một học sinh nữ đến thưa, em đã áp dụng các kỹ năng ở lớp bơi của thầy để cứu được một bạn nam không may đuối nước. Hôm ấy, trận mưa lớn bất ngờ gây lũ cục bộ trên địa bàn huyện Hải Lăng. Sau buổi học, một học sinh nam trên đường đạp xe từ trường về nhà không may sập vào hố sâu giữa đường rồi ngã xe, trôi theo dòng nước. Ðúng lúc đó, em nữ sinh đi ngang qua thấy bạn đang cố vẫy vùng giữa dòng lũ. Dù biết bơi nhưng em không nhảy ngay xuống dòng lũ mà bình tĩnh, cởi áo mưa cuốn lại làm sợi dây, buộc vào cặp sách, ném mạnh ra dòng nước để bạn bám vào, rồi cố hết sức kéo bạn vào bờ.
Thầy Nguyễn Viết Tước dầm mình giữa nước để dạy bơi cho học sinh. |
Câu chuyện cứu được bạn nhờ có kỹ năng xử lý tình huống khi học bơi đã được thầy Tước kể lại cho học sinh của trường nghe càng khuyến khích các em đăng ký học bơi để tự cứu mình, cứu người.
Tiếng lành đồn xa, mỗi mùa hè đến, nhiều bậc cha mẹ ở các xã của huyện Hải Lăng cũng đến gặp thầy xin cho con học bơi. Họ cùng thầy dọn vệ sinh trên đoạn kênh, dựng lán trại tránh nắng và giăng lưới bảo vệ an toàn bơi. Mùa hè đến, con kênh N4 lúc nào cũng nhộn nhịp, đông đúc học sinh.
Thầy tâm niệm dạy bơi là cứu người cho nên không bao giờ thu tiền học phí. Ðồng lương ít ỏi của thầy không thể nuôi sống gia đình. Ðể trang trải cuộc sống, nuôi các con đi học, thầy vay tiền ngân hàng mua lại những gốc mai già có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng về chăm sóc, bán thêm kiếm tiền lãi. Mọi công việc ở nhà từ phụng dưỡng người mẹ già hơn 90 tuổi, chăm các con, đến chăm sóc vườn cây mai đều được người vợ của thầy là cán bộ y tế xã đảm đang, lo liệu tất cả.
Ðể dạy bơi cho các em, thầy tự bỏ tiền ra mua sắm thêm dụng cụ như áo phao, lưới, dây bơi buộc dọc bờ kênh, nhiều cây tre buộc ngang kênh cho các em cầm tay tập được an toàn. Có lúc số học sinh học bơi hơn 200 em. Em nào muốn học thầy đều tiếp nhận. Buổi sáng thầy dạy 2 lớp từ 6-7 giờ 30 phút, và từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ; buổi chiều cũng hai lớp, từ 15-16 giờ 30 phút, và từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ, mỗi lớp trung bình có 25 em theo học ba buổi mỗi tuần.
Thầy luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết truyền cảm hứng cho học sinh thêm yêu thích môn bơi. Không ít em nhút nhát chưa dám xuống nước, thầy luôn động viên, tập cho từng động tác để các em thêm tự tin; em nào nhút nhát hơn nữa thì thầy hướng dẫn tập riêng. Học được một tuần, khi phần lớn các em biết bơi gần được 10m, thầy lại trang bị kiến thức phòng chống đuối nước, kỹ năng xử lý tình huống cứu hộ đuối nước. Thầy luôn nhắc học sinh dù mình có bơi giỏi thì khi gặp người không may đuối nước cần phải bình tĩnh phán đoán tình huống và xử lý bài bản mới cứu được.
Học sinh chăm chú từng động tác hướng dẫn của thầy Nguyễn Viết Tước. |
Dạy bơi, thầy không thấy mệt vì sự dấn thân của mình đã giúp các em sớm biết bơi hơn. Nhiều người đưa con đến học không ít lần chứng kiến thầy mua sữa, bánh mì, nước uống cho con em mình. Thầy giải thích, các em phần lớn độ tuổi đang nhỏ, có khi đi học chưa kịp ăn, mới tập được mười phút đã đói, không đủ sức học tiếp. Thầy mua sẵn để trên bờ, em nào đói cứ việc ăn tạm để tiếp tục học đủ thời gian quy định.
Câu chuyện thầy Tước dạy bơi lan tỏa ngày thêm nhanh hơn ở tỉnh Quảng Trị. Ở đâu có học sinh nghèo, muốn học bơi, khi biết được thông tin thầy liền chủ động liên hệ. Khắp các làng quê các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, mỗi mùa hè đến nhiều người bắt gặp hình ảnh thầy Tước dầm mình dưới nước giữa trời nắng dạy bơi cho học sinh, không ít sinh viên về nghỉ hè cũng xin theo học thầy. Dạy hết số lượng học sinh xã này đăng ký, thầy liền đến xã khác dạy.
Gia tài để lại sau 21 năm dạy bơi miễn phí của thầy Tước không phải là những tấm giấy khen mà là hơn 2.500 học sinh biết bơi giỏi, được trang bị đầy đủ các kỹ năng phòng chống đuối nước để các em tự bảo vệ mình, cứu người. Thầy chia sẻ, số học sinh được thầy dạy bơi so với nhu cầu học bơi của các em là rất nhỏ, vẫn còn nhiều trẻ em bị đuối nước thương tâm.
Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng từ năm 2015-2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hơn 120 trẻ em không may thiệt mạng do đuối nước, gây tổn thương lớn cho gia đình, xã hội. Ðọc được thông tin này thầy Tước luôn day dứt, mong muốn phát động phong trào dạy bơi miễn phí cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tiếp cận bể bơi dịch vụ để nâng cao kỹ năng bơi cho trẻ em tại cộng đồng.
Nhìn quyển sổ lịch dạy bơi mùa hè này của thầy, tôi vô cùng thán phục trước chi chít những dòng chữ, là những địa chỉ được thầy ghi chú cẩn thận để lần lượt đến tổ chức dạy bơi cho học sinh, nhất là các em ở miền núi, nơi nguy cơ đuối nước rất cao.