“Những lá thư thời chiến Việt Nam”: Cuốn nhật ký về một thời lửa đạn

NDO - Giữa những năm tháng kháng chiến khốc liệt, giữa ranh giới của sự sống và cái chết mong manh, vô vàn lá thư của những người lính Cụ Hồ gửi về hậu phương vẫn đầy ắp niềm tin và ý chí mạnh mẽ nơi chiến trường.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”.
Cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”.

Dù chỉ mới ra mắt vào giữa tháng 4, nhưng cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” được phát hành bởi Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả cả nước. Tác phẩm do cựu chiến binh, nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng sưu tầm và biên soạn.

Những cứ liệu lịch sử quý giá

Trong thời chiến, hoạt động viết thư được xem là một phần đời sống sinh hoạt của mỗi người lính. Họ viết thư để trải lòng và đối thoại. Gửi lá thư đi, họ khắc khoải mong chúng đến tay người nhận, rồi lại vui mừng tột độ khi nhận được hồi âm. Cả chu trình ấy, họ được sống trong sự đợi chờ và hy vọng.

Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng, người chấp bút cho cuốn sách, đã thừa nhận rằng: “Thời ấy, viết thư, gửi thư và nhận thư là nguồn sống, cũng cần như…cơm ăn, nước uống. Thậm chí, có thể nói, người ta dựa vào lá thư như điểm tựa tinh thần để sống và vượt qua sự khốc liệt của chiến tranh”.

“Những lá thư thời chiến Việt Nam” tập hợp hàng trăm bức kỷ vật của các chiến sĩ trong hai cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Có khi, đó là những trang viết chan chứa tình thương yêu gửi về cho gia đình, người thân. Có khi, đó là chuyện kể về một trận đối đầu căng thẳng với quân địch. Có khi, đó là tâm sự về những mất mát, đớn đau khi tận mắt chứng kiến đồng đội mình hy sinh. Hay đơn giản chỉ là vài dòng nhật ký thuật lại những ngày “nếm mật nằm gai” trên đường ra trận.

Hơn hai tháng trời hành quân liên miên đuổi giặc, đi cả ngày cả đêm trung bình từ 34-45 cây số (có ngày tới 62 cây số), leo những đèo cao ngút ngàn hàng 20 cây và dưới trời nắng như thiêu người, khát khô cổ không có lấy một giọt nước trong. Có đêm cứ đội mưa mà đi, nước ngấm vào người lạnh thấu xương, vắt bám đầy chân cẳng. Sáng hôm sau trông anh nào cũng như thương binh và con đường đi thấm máu hồng tươi của mọi người…”, trích thư của Thượng tướng Vũ Lăng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) gửi cho vợ trước chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những dòng tâm sự được viết vội trong lúc nghỉ chân giữa những chặng hành quân. Chúng thấm đẫm hiện thực của đời sống chiến đấu. Những hình ảnh, trải nghiệm trong đó được tái hiện chân thật đến nỗi bạn đọc dường như tưởng như mình đang hành quân cùng nhân vật, với lòng quả cảm và quyết tâm cao độ.

Hẳn khi đặt bút viết, ít ai có thể nghĩ, đến một ngày, những lá thư này lại trở thành kỷ vật vô giá. Và hầu hết, chủ nhân của chúng đến nay đã không còn. Thế nhưng, từng dòng nhắn nhủ được viết vội trên trang giấy ố vàng theo tháng năm đã trở thành chứng nhân cho thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

“Chính những trang thư, nhật ký, ghi chép tưởng chừng rất đỗi riêng tư này, lại mang đến những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu. Chúng gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hoá xã hội trong quá khứ, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn”, ông Đặng Vương Hưng chia sẻ.

Lan tỏa lý tưởng sống cao đẹp

Những lá thư từ hai chiều nỗi nhớ đã trở thành lý tưởng sống của cả một thế hệ cầm súng. Họ thuộc nhiều thành phần khác nhau, đến từ mọi vùng, miền của Tổ quốc. Họ có thể là trí thức, là công nhân, nông dân, hay chỉ là những cô, cậu sinh viên vừa rời khỏi ghế nhà trường. Thậm chí, có cả những lá thư được gửi từ những người ở phía bên kia chiến tuyến.

“Những lá thư thời chiến Việt Nam”: Cuốn nhật ký về một thời lửa đạn ảnh 1
Các lá thư được cựu chiến binh, nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng sưu tầm trong nhiều năm.

Xuyên suốt nội dung cuốn sách là những cảm xúc chân thực, mộc mạc nhất trong tâm hồn mỗi người lính. Ở đó, có sự phơi phới của niềm lạc quan chiến thắng, có những nỗi nhớ, niềm yêu, nhưng cũng có cả những phút giây buồn thương, đau đớn.

Độc giả Đặng Văn Thắng, cựu chiến binh thuộc Binh chủng Đặc công, cho biết: “Cuốn sách khiến tôi nhớ lại những ngày tháng tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại mảnh đất này. Thế nhưng, với chúng tôi, việc được cầm súng chiến đấu để bảo vệ tổ quốc mãi mãi là một niềm vinh hạnh lớn lao”.

Lý tưởng của người cầm súng ấy được thể hiện rõ nét trong tác phẩm “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Có lẽ, đó là lý do khiến cuốn sách không chỉ hấp dẫn những cựu chiến binh, người lớn tuổi, mà còn thu hút nhiều bạn trẻ tìm đọc.

Nguyễn Đàm Linh, sinh viên năm nhất, Trường đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ: “Em rất xúc động khi đọc được những lá thư mà các chiến sĩ gửi về cho gia đình trước ngày ra trận. Để có được hòa bình hôm nay, ông cha ta đã đánh đổi cả máu xương của mình. Họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Cùng chung cảm xúc ấy, Lê An Hải, sinh viên năm nhất, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ, nếu không có những lá thư này thì thế hệ sau như chúng em sẽ ít ai biết được các chiến sĩ ngày ấy đã sống và chiến đấu như thế nào giữa mưa bom bão đạn.

“Cuốn sách cho em cảm nhận được tinh thần kiên cường của một thế hệ hào hùng, đã xếp bút nghiên, lên đường nhập ngũ để bảo vệ đất nước. Đọc sách, em như được tiếp thêm động lực để phấn đấu, cố gắng trong học tập, rèn luyện và hoàn thiện bản thân hơn nữa”, An Hải cho biết thêm.

Cho đến tận hôm nay, “Những lá thư thời chiến Việt Nam” vẫn vẹn nguyên giá trị về ý chí, nghị lực phi thường và sáng ngời lý tưởng. Đó là những trang viết rất “đời”, sinh động và cuốn hút đến lạ kỳ. Bởi khi đọc lên, ta có thể hình dung ra số phận của từng con người, từng cảnh ngộ, thậm chí là hơi thở của cả thời đại.

Tháng 12/2004, Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Sống để yêu thương và dâng hiến”, “Tài hoa ra trận”, “Trở về trong giấc mơ”,… và gần đây nhất là “Những lá thư thời chiến Việt Nam” là kết quả của cuộc vận động này. Những cuốn sách trên đã và đang được nhiều bạn đọc trên cả nước hưởng ứng nồng nhiệt.