Chuyện cảm động phía sau cuốn nhật ký cựu binh Mỹ thu giữ ở Phou Nhoi

Mỗi lần giở chiếc hộp kỷ vật chiến tranh mang về từ Việt Nam, Delfino Candelaria Jr không giấu nổi cảm xúc, bởi trong chiếc hộp thiêng liêng ấy, có một kỷ vật đặc biệt của Bộ đội Bắc Việt, đó là cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Hồng Lâm được Del thu giữ sau trận đánh ở Phou Nhoi ngày 15/6/1968.
0:00 / 0:00
0:00
Bên trong cuốn nhật ký là thông tin của liệt sĩ.
Bên trong cuốn nhật ký là thông tin của liệt sĩ.

Trong thế giới của những người lính già bên kia chiến tuyến, cuộc chiến tranh Việt Nam dù đã kết thúc hơn nửa thế kỷ nhưng quá khứ đầy tội lỗi vẫn luôn ám ảnh họ suốt những năm tháng dài.

Hơn nửa thế kỷ qua, bằng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình, Del không nhớ đã lần giở bao nhiêu lần cuốn nhật ký ấy và trăn trở về việc trả lại cuốn nhật ký cho gia đình ông Lâm.

Phou Nhoi và những ký ức chẳng thể quên

Delfino Candelaria Jr sinh năm 1947 và sang Việt Nam khi vừa tròn 20 tuổi. Lúc bấy giờ, ông được phân về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4, Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến.

Cũng như những lính Mỹ khác tới tham chiến ở Việt Nam, tuổi trẻ của Del là những trận oanh tạc trên bầu trời Quảng Trị, mảnh đất khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Đối với Del, hơn một năm tham chiến ở Quảng Trị là khoảng thời gian kéo dài gần như vô tận. Ông nhiều lần đối mặt với cái chết và chứng kiến hàng trăm đồng đội ngã xuống một cách vô nghĩa.

Bên cạnh sự khốc liệt của chiến tranh, Del và đồng đội còn phải đối phó với những khó khăn của cuộc sống. Quảng Trị những năm tháng ấy chỉ có bom đạn và sự khắc nghiệt của thời tiết. Mùa hè nắng nóng bỏng rát, thiếu nước trầm trọng, nhiều người lính không có nước để đánh răng trong thời gian dài. Mùa mưa khí hậu ẩm ướt, muỗi, vắt rất nhiều, những thứ đó ám ảnh lính trẻ Mỹ hơn cả sự thật khốc liệt của cuộc chiến.

Del cũng như các đồng đội của mình cho rằng, lý tưởng tuổi trẻ phải là những điều đẹp đẽ hơn chứ không phải đi nửa vòng Trái đất để tham chiến ở mảnh đất xa xôi này. Thế nhưng, ai cũng vì phục vụ đất nước mình mà đã có những sai lầm khiến họ sau này phải trả giá.

“Tôi luôn sợ một ngày mình sẽ chết ở mảnh đất này, đặc biệt là sau khi chứng kiến bạn bè, đồng đội chết hoặc bị thương nặng. Nhiều đêm, tôi không thể ngủ vì lo lắng và sợ hãi” - Del chia sẻ.

Sự khốc liệt của chiến tranh, cái chết của đồng đội, bi kịch tuổi trẻ, những nỗi đau… Del chứng kiến hằng ngày và vì thế cứ có chút thời gian rảnh rỗi, ông lại viết nhật ký, kể về cuộc sống khó khăn đang đối diện mỗi ngày.

Và có lẽ, Del chẳng bao giờ quên được khoảnh khắc khi ông nhận nhiệm vụ đến Phou Nhoi và nhìn thấy thi hài của những người lính Bắc Việt. Ông tìm kiếm tài liệu và phát hiện trong túi áo ngực của một chiến sĩ có cuốn nhật ký nhỏ. Theo quy định, những tài liệu thu giữ sau trận chiến sẽ phải nộp về đơn vị nhưng Del đã không làm thế.

Del cho biết, sở dĩ ông giữ lại cuốn nhật ký của người lính Bắc Việt vì sự tò mò. Ông muốn biết những người lính bên kia chiến tuyến có trải qua khó khăn như ông và đồng đội không. Họ có nhớ gia đình không? Họ có sợ không? Và họ có bị đói, khát như những người lính Mỹ không?... Với vốn tiếng Việt ít ỏi được học trước khi đến Việt Nam tham chiến, rất nhiều lần ông giở cuốn nhật ký ra đọc nhưng không hiểu gì.

Hai tuần sau khi làm nhiệm vụ ở Phou Nhoi, Del được trở về Mỹ. Hành trang mang theo từ mảnh đất đầy ám ảnh của Del chính là cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Hồng Lâm.

Nỗ lực tìm gia đình cho người đã ngã xuống

Khi bước chân lên máy bay, Del đã nghĩ rằng ông có thể bỏ lại sau lưng mọi sự khốc liệt của vùng đất Quảng Trị. Và cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Hồng Lâm được ông cất giữ cẩn thận. Thế nhưng, ám ảnh về Việt Nam chưa bao giờ rời bỏ ông.

Đến năm 1992, thông qua một người bạn biết tiếng Việt (dù không giỏi), Del đã hiểu phần nào về cuộc sống của Bộ đội Bắc Việt trong chiến tranh. Đến lúc đó ông cũng hiểu rằng đối với chiến tranh, dù đứng ở bên nào thì sự khốc liệt của nó cũng đều có thể phải trả giá đắt, có khi bằng cả mạng sống. Del may mắn được trở về nhưng ông cũng không thoát khỏi những ký ức tội lỗi của lính Mỹ trong quá khứ.

Để có thể quên đi quá khứ ấy, Del dự định sẽ gửi tặng cuốn nhật ký cho một trường đại học ở Mỹ. Tuy nhiên, trước khi quyết định tặng, ông đã suy nghĩ rất nhiều. “Tôi tự hỏi mình, nếu tôi đã chết, tôi sẽ muốn nhật ký của mình được xử lý như thế nào? Tất nhiên, tôi muốn gia đình mình biết những gì tôi đã phải chịu đựng ở Việt Nam. Với suy nghĩ ấy, tôi đã quyết định giữ lại cuốn nhật ký và đích thân tìm gia đình của ông Lưu Hồng Lâm để trao lại cho họ”, Del chia sẻ.

Với quyết tâm trả lại kỷ vật cho gia đình liệt sĩ Lưu Hồng Lâm, Del đã liên hệ một số hội cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam nhờ giúp đỡ nhưng không có kết quả. Cho đến khi Del gặp Bill Stilwagen. Bill, với đặc thù công việc tại Vietnam Battlefield Tours (VBT) nên có mối quan hệ thân thiết với nhiều người bạn Việt Nam. Bill hứa sẽ giúp Del thực hiện nguyện vọng của mình.

Bill đã liên hệ với chị Vũ Phương (The New Experience Tours-VLC Tours) ở Hà Nội nhờ giúp đỡ. “Khoảng đầu năm 2020, Bill gửi cho tôi bức ảnh chụp bìa cuốn nhật ký với các dữ liệu vô cùng ít ỏi: “Lưu Hồng Lâm, sinh năm 1950, Liên hiệp Thanh Lãng, đơn vị 6214HP”. Ngoài ra còn có mấy dòng chữ được ghi vào sau là “Died 06/15/68”. Quả thực khi nhìn bìa cuốn nhật ký, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Trong khi đó, Del lại không đồng ý chia sẻ các trang bên trong nhật ký của liệt sĩ Lưu Hồng Lâm cho bất kỳ ai khác ngoài gia đình, vì vậy việc tìm kiếm càng khó khăn”, chị Vũ Phương cho biết.

Chị Phương sau đó đã tìm gặp rất nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu ở Quảng Trị nhưng không ai có thông tin về liệt sĩ Lưu Hồng Lâm, chẳng ai biết Thanh Lãng ở đâu và cũng không ai có thông tin về địa danh mang tên Phou Nhoi được đề cập trên trang bìa cuốn nhật ký. Khi ngỡ như phải bỏ cuộc, chị gặp một nhóm bạn trẻ chuyên hỗ trợ tìm kiếm thông tin liệt sĩ.

Căn cứ vào đơn vị ghi trên bìa nhật ký cùng dòng chữ “Liên hiệp Thanh Lãng”, các bạn trẻ suy đoán rất có thể liệt sĩ Lâm quê ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Vì đơn vị 6214HP từng là phiên hiệu của Tỉnh đội Thanh Hóa. Ngoài ra, ở xã Nga Thạch có một địa phương mang tên Thanh Lãng. Từ hai dữ liệu đó, mọi người rất tin tưởng vào suy đoán của mình.

Để có căn cứ xác thực, đại diện nhóm tìm kiếm đã liên hệ với đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đề nghị hỗ trợ tìm thông tin của liệt sĩ Lưu Hồng Lâm ở Thanh Hóa. Sau khi rà soát danh sách liệt sĩ, đồng chí Tuấn cho biết, tỉnh Thanh Hóa không có liệt sĩ nào có các dữ liệu khớp với liệt sĩ Lưu Hồng Lâm. Chính vì vậy, nhóm phải tìm kiếm lại từ đầu và chìa khóa chính là “Thanh Lãng” hoặc “Thanh Lang”.

Hơn hai ngày phân chia nhau tìm kiếm, những địa phương có tên Thanh Lãng và Thanh Lang đã được các bạn trẻ tập hợp vào danh sách. Đó là Thanh Lãng ở huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, là thị trấn Thanh Lãng thuộc huyện Bình Xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc. Còn Thanh Lang chỉ có ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Từ những thông tin này, nhóm đã cử người liên hệ đồng chí Đỗ Thị Thanh (Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị) đề nghị hỗ trợ tìm kiếm dữ liệu của liệt sĩ Lưu Hồng Lâm với quê quán thuộc các vùng trên.

Chuyện cảm động phía sau cuốn nhật ký cựu binh Mỹ thu giữ ở Phou Nhoi ảnh 1

Chị Vũ Phương tới thăm phần mộ của liệt sĩ Lưu Hồng Lâm.

Là một thân nhân liệt sĩ, hơn ai hết, đồng chí Đỗ Thị Thanh hiểu sự khát khao tìm kiếm người thân hy sinh trong chiến tranh như thế nào. Chính vì vậy, chị đã ngay lập tức tra cứu hồ sơ của những liệt sĩ có tên Lâm. Sau đó, bằng phương pháp loại trừ, thông tin về chủ nhân cuốn nhật ký mà Del muốn tìm kiếm cũng đã hiện ra. Đó là liệt sĩ Lưu Hồng Lâm, sinh năm 1950, quê ở Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ông Lâm là quân số của Sư đoàn Bộ binh 308 (F308), hy sinh ngày 15/6/1968 tại điểm cao 734. Theo bản đồ quân sự Mỹ, điểm cao 734 thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Khu vực này cách điểm cao Phou Nhoi không xa.

Theo sử liệu, tháng 6/1968, có hai tiểu đoàn của Việt Nam bàn giao quân ở Phou Nhoi, Khe Sanh, đó là Tiểu đoàn 304 và Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 (d4e88f308). Ngay sau đó, d4e88f308 đã có cuộc giao tranh với Tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại điểm cao 734 (ngay sát Phou Nhoi) và cả hai phía đều tổn thất nặng nề.

“Từ dữ liệu liệt sĩ lưu trong hồ sơ, đối chiếu với thông tin trên bìa cuốn nhật ký, có thể khẳng định ông Lưu Hồng Lâm ở Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc chính là chủ nhân cuốn nhật ký mà cựu binh Del đang giữ. Tôi mong kỷ vật này sớm được về với gia đình liệt sĩ, giúp họ vơi bớt nỗi đau chiến tranh”, bà Đỗ Thị Thanh chia sẻ.

Covid-19 và sự trăn trở của Del

“Khi thông tin hoàn toàn khớp, tôi liên hệ với Del thông báo tình hình và Del đã lên kế hoạch cho cuộc gặp thân nhân liệt sĩ Lưu Hồng Lâm ở Phou Nhoi vào tháng 3/2020 để trao lại cuốn nhật ký. Người tiếp nhận là ông Lưu Văn Hy (em trai liệt sĩ Lâm). Khi nhận thông tin, cả Del và bác Hy đều rất vui và chờ đợi từng ngày để vào Phou Nhoi”, chị Vũ Phương cho biết.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyến đi năm 2020 đã bị hoãn. Cho đến tháng 3/2022, chị Phương nhận được tin, Del sẽ sang Việt Nam vào khoảng giữa tháng 3 này và trước khi sang Việt Nam, ông muốn nhờ chị liên hệ với gia đình ông Lưu Văn Hy để tổ chức một cuộc gặp gỡ tại Phou Nhoi sắp tới. Và chị Vũ Phương đã tới thăm gia đình liệt sĩ ở Tổ dân phố Hồng Hồ, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ở tuổi ngoài 80, bà Lưu Thị Nho (chị gái liệt sĩ) vô cùng xúc động. Bà tâm sự: “Nhà đông anh chị em nhưng chỉ có hai cậu em trai. Cậu Lâm hy sinh khi mới 18 tuổi. Ngày nghe tin em hy sinh, bố mẹ rất buồn vì em chưa kịp có người thương, ra đi không để lại cho kỷ vật gì. Hai năm trước, nghe nói có cựu binh Mỹ đang giữ nhật ký của em, gia đình vui lắm, cậu Hy nhắc hằng ngày và chuẩn bị tinh thần cho cuộc gặp gỡ đặc biệt ấy, tiếc là cậu đã không chờ được ngày ấy. Hôm nay nghe tin các bác cựu chiến binh Mỹ sẽ tới Việt Nam, cháu Tuyên con trai cậu Hy sẽ thay bố vào Quảng Trị tiếp nhận kỷ vật của cậu Lâm”. Bà Nho gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Del vì đã thay gia đình giữ món quà vô giá ấy. Bà cũng không quên gửi lời cảm ơn tới những bạn trẻ đã dành nhiều công sức để tìm kiếm, kết nối thông tin, giúp gia đình bà tiếp nhận được kỷ vật thiêng liêng của người đã khuất.

Đối với anh Lưu Văn Tuyên, có một chút tiếc nuối vì bố không còn cơ hội để được nhìn kỷ vật của bác, nhưng anh tin rằng, sự linh thiêng của người bác đã hy sinh hơn nửa thế kỷ chính là sợi dây vô hình kết nối mọi nhân duyên, để tất cả gặp nhau, mang đến cho gia đình niềm vui này.

Hai năm với một đại dịch lớn trên toàn cầu, mọi thứ thay đổi quá nhiều, ông Lưu Văn Hy không còn hiện hữu để vào Phou Nhoi tiếp nhận di vật của anh trai nhưng con trai ông - anh Lưu Văn Tuyên sẽ là người thay bố làm tiếp công việc còn dang dở.