Phóng viên (PV): Điều gì khiến anh quyết định sưu tầm, công bố thư từ, nhật ký chiến tranh?
Đại tá - nhà văn Đặng Vương Hưng (ĐVH): Cách đây 16 năm, một ngày bất ngờ tôi nhận được cuộc điện thoại từ một công ty du lịch: Nhà văn Andrew Carroll, tác giả cuốn sách “War Letters, From American Wars” (Những bức thư từ những cuộc chiến tranh của Mỹ), một trong những ấn phẩm bán chạy nhất của The New York Times vừa đến Việt Nam, trong chặng đường “vòng quanh thế giới”. Đó là một người Mỹ còn trẻ, cao gầy, tóc cắt ngắn và đeo kính cận. Anh ta tự giới thiệu: “Trước khi sang Việt Nam, GS Benjamin F. Schemmer (nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nổi tiếng của Mỹ, tác giả cuốn sách “The Raid” viết về vụ tập kích Sơn Tây năm 1970) đã khuyên tôi cần phải tìm gặp bằng được “Mr. Hung”, nhất định sẽ nhận được sự giúp đỡ”. Tôi đã tiếp thân mật Carroll gần hết buổi sáng. Sau đó ít lâu, vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi đã cho công bố Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”. Ý tưởng này đã chạm một nhu cầu sẵn có trong đời sống, nên chỉ sau một tháng, tôi đã nhận được cả vạn bức thư, hàng trăm cuốn sổ tay nhật ký từ khắp mọi miền đất nước gửi về…
PV: Trong số những bản thảo gửi về ấy, có cuốn nhật ký “Chuyện đời” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, mà sau đó, anh đã đặt tên thành “Mãi mãi tuổi hai mươi”?
ĐVH: Đúng vậy. Khoảng đầu năm 2005, người thân của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc gửi tới tôi cuốn nhật ký “Chuyện đời”. Đó là bản photo cuốn sổ dày 240 trang viết tay. Tôi nhận ra đó là những trang tuyệt bút. Tôi đọc bản thảo này và nhận ra một điều: “Chuyện đời” hội tụ quá nhiều thông tin và chi tiết mang tính điển hình mà báo chí và các phương tiện tuyên truyền hồi đó đang cần. Đó là chưa kể đến số phận bi tráng của tác giả, với những trang viết đầy chất nhân văn, lý tưởng cao đẹp, tình đời và tình người...
Tuy nhiên, để biến cuốn sổ tay thành một tác phẩm, cần phải có nhiều thao tác khác nhau, đặc biệt là phải đặt cho nó một cái tên sách khác, cho phù hợp hơn. Một điều quan trọng nữa, tôi nghĩ, là cần phải viết một bài giới thiệu hay và hấp dẫn, để bạn đọc hiểu được Nguyễn Văn Thạc là ai, nội dung và ý nghĩa của tác phẩm này hay như thế nào.
PV: Mới đây, “Mãi mãi tuổi hai mươi” cùng 30 nhật ký khác của các nhà văn, liệt sĩ đã xuất hiện trong bộ “Nhật ký thời chiến Việt Nam”. Anh có thể chia sẻ về bộ sách đồ sộ này?
ĐVH: Bộ sách gồm bốn tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, với 31 tác phẩm - tác giả. Không chỉ có nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”; mà còn có hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác, nhiều bạn chưa được đọc. Theo tôi, nhật ký là những trang viết đáng tin cậy, dù nó có thể thô tháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật!
PV: Anh có khi nào đắn đo giữa việc khi công bố những cuốn nhật ký này sẽ chạm vào nỗi riêng tư của người viết, bởi có khi, họ chỉ viết cho chính mình?
ĐVH: Là một nhà văn, đồng thời cũng là một người lính đã từng trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, như nhiều cựu chiến binh khác, tôi hiểu thế nào là chiến tranh cùng sự hy sinh và mất mát. Nghề làm báo đã giúp tôi đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, để tìm hiểu nhiều sự kiện, nhân chứng và sưu tầm tư liệu... Công việc viết văn đã giúp tôi “ngộ” ra rằng: Đôi khi, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay... tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu. Chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn!
PV: Trân trọng cảm ơn anh!