Những ký ức không thể phai mờ đối với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô

13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, một trái tim suốt đời vì nước, vì dân đã ngừng đập. Dẫu biết rằng, không ai cưỡng được quy luật sinh, lão, bệnh, tử; dẫu đã được dự báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng , song, khi điều không mong muốn nhất thật sự xảy ra, mỗi chúng ta đều cảm thấy hụt hẫng quá lớn, nỗi mất mát không gì bù đắp với niềm thương tiếc khôn nguôi.
0:00 / 0:00
0:00
Những ký ức không thể phai mờ đối với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô ảnh 1

Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2017), sáng 28/1 (tức mùng Một Tết), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội. (Ảnh: DUY LINH)

Tổng Bí thư ra đi trong sự kính phục, nể trọng, tiếc thương một nhà lãnh đạo kiên trung, uyên bác, mẫu mực, người đã dành trọn đời nguyện học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là Đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Nội. Bởi trước khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đồng chí đã có thời gian gắn bó với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, từ tháng 8/1996 đến tháng 2/1998 trong vai trò Phó Bí thư Thành ủy, kiêm Trưởng ban cán sự Đại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy; từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2006 làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí đã để lại dấu ấn không thể phai mờ đối với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô.

Được làm việc bên cạnh đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi cảm nhận phong cách gần gũi, chân tình, mẫu mực, luôn nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của đồng chí.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ còn nhớ mãi hình ảnh đồng chí Bí thư Thành ủy luôn điềm tĩnh, nghiêm nghị, sắc sảo nhưng vẫn dáng vẻ khoan thai, gần gũi. Dù trong khi làm việc hay được tiếp xúc trực tiếp với Bí thư, cán bộ Thành ủy cũng như đảng viên hay người dân đều không cảm thấy có khoảng cách. Bí thư cởi mở, chân tình như người thân thiết trong gia đình.

Được làm việc bên cạnh đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi cảm nhận phong cách gần gũi, chân tình, mẫu mực, luôn nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của đồng chí.

Hằng ngày, đồng chí Bí thư thường xuyên ăn cơm cùng anh em tại nhà ăn cơ quan Thành ủy, trao đổi công việc hay hỏi han gia đình, tình hình sức khỏe rất thân tình. Bởi vậy, chúng tôi, những người đã từng được tham mưu, giúp việc Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng khó mà quên được.

Những chuyến đi công tác tới các tỉnh, thành phố chung quanh Hà Nội, Bí thư thường ngồi cùng xe với cán bộ các ban, sở, ngành của thành phố. Điều ấy thật sự ấn tượng không chỉ với cán bộ Hà Nội mà đối với cán bộ các tỉnh, thành phố nơi chúng tôi đến họp bàn liên kết, hợp tác.

Bí thư bận nhiều công việc, có khi cấp dưới tham mưu, chuẩn bị văn bản, tài liệu chưa đạt yêu cầu, nhưng tuyệt nhiên không thấy ông nóng giận, quát nạt với ai. Lúc nào ông cũng nhẹ nhàng trao đổi, phân tích, chân tình góp ý, khiến người bị phê bình, góp ý hết sức nể phục.

Trong tâm trí chúng tôi, ông luôn là nhà lãnh đạo mẫu mực, một tấm gương sáng ngời từ nơi làm việc đến cuộc sống sinh hoạt đời thường, người hội đủ phẩm chất giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời nêu gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đối với mọi công việc, đồng chí Bí thư rất coi trọng tính sáng tạo, tư duy đổi mới và đặt lên hàng đầu yếu tố thực chất, thiết thực, hiệu quả; hết lòng, hết sức phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, không chấp nhận những biểu hiện mang tính hình thức, phô trương, lãng phí tài sản Nhà nước, công sức nhân dân.

Mỗi khi đồng chí đi làm việc ở các địa phương, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp... Bí thư đều yêu cầu gỡ bỏ những băng-rôn, khẩu hiệu chào mừng Bí thư Thành ủy đến làm việc. Đồng chí nói với mọi người, đến với cơ sở là việc của cán bộ, dù ở vị trí nào thì đi làm việc là tất yếu, bình thường, vì sao phải chăng khẩu hiệu. Đi cơ sở và mọi công việc, bàn bạc, trao đổi là phải thực chất, nội dung thiết thực, khi triển khai là phải khả thi, hiệu quả.

Thời gian Tổng Bí thư làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng thời còn đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí rất quan tâm đến tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, trong đó Thủ đô là một trong những địa bàn hết sức quan trọng. Khi xây dựng Văn kiện Đại hội XIII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2001-2005, Bí thư đã chỉ đạo rất cụ thể, bài bản, tổ chức các đoàn khảo sát, tổng kết thực tiễn, làm căn cứ thuyết phục để xây dựng văn kiện.

Đến với cơ sở, Bí thư lựa chọn nhân sự trong đoàn rất kỹ càng, yêu cầu những người tham gia ngoài bản lĩnh, phẩm chất chính trị, phải có kỹ năng tổng kết thực tiễn, tư duy độc lập, sáng tạo, đột phá, năng lực nhạy cảm với cái mới.

Theo đồng chí Bí thư, việc tổ chức nghiên cứu và tổng kết thực tiễn xây dựng Nghị quyết, không thể đi theo lối mòn, chỉ dựa vào những kết luận đã có sẵn sẽ không đưa ra được những cái mới, đáp ứng các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Chính thực tiễn phong phú, sinh động của quá trình đổi mới đang “mách bảo” cho tư duy đổi mới và sự hoàn thiện lý luận đổi mới.

Bí thư trao đổi và lưu ý các đồng chí trong đoàn, tổng kết thực tiễn không phải là mô tả tình hình, kiểm điểm liệt kê những ưu điểm, khuyết điểm; cũng không phải đưa ra những đánh giá chung chung, mà phải nắm vững thực tiễn, đúc rút được những vấn đề bản chất, cốt lõi, phát hiện những vấn đề có tính quy luật trong sự vận động của thực tiễn, từ đó đề xuất những định hướng tháo gỡ, thúc đẩy thực tiễn theo hướng tạo động lực phát triển đất nước, phục vụ cuộc sống của nhân dân. Nếu chỉ đi theo đường mòn, dừng lại ở những kết luận có sẵn trong sách vở, thì làm sao có được những nhận định mang tính đột phá.

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được Tổng Bí thư nghiên cứu trong cả quá trình dài. Từ thực tiễn cả nước và thành phố Hà Nội năm 2001, khi đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chủ biên cuốn sách: Về định hướng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành.

Đó là những dấu ấn khó quên của các cán bộ được tham gia tổng kết thực tiễn với đồng chí Bí thư Thành ủy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thời gian khoảng 8 năm công tác tại Đảng bộ thành phố Hà Nội với cương vị là Phó Bí thư và Bí thư Thành ủy Hà Nội. Và hơn hết, Hà Nội còn là quê hương của ông. Cho dù ở cương vị nào, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, đồng chí vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tình cảm chân thành, nồng hậu, sâu sắc với Thủ đô.