Quảng Ngãi tập trung phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi tập trung triển khai các chương trình, đề án tại các huyện miền núi, qua đó, đã đạt được một số kết quả ban đầu, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để chương trình đạt hiệu quả hơn nữa. Để hiểu rõ thêm vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hồ Ngọc Thịnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi.
0:00 / 0:00
0:00

Phóng viên: Thưa đồng chí, sau hơn một năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai các chương trình như thế nào; những kết quả bước đầu hiện nay?

Đồng chí Hồ Ngọc Thịnh: Là cơ quan Thường trực Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch cũng như các cơ chế để tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình. Đến nay, hầu hết các cơ chế để thực hiện chương trình đã được các cấp, ngành của tỉnh ban hành theo thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện, đơn vị cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh các kế hoạch thực hiện; trình Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung các nghị quyết liên quan theo thẩm quyền; báo cáo đề xuất với các bộ, ngành trung ương hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cùng với các Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, cùng nhiều chương trình, chính sách khác, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt 5,37%, vượt so với mục tiêu Trung ương giao là 3%; thực hiện đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 297 công trình hạ tầng các loại; thực hiện bảy dự án quy hoạch, bố trí sắp xếp ổn định dân cư; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế cũng được tích cực triển khai thực hiện theo các dự án của chương trình; qua đó, góp phần tích cực trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.

Phóng viên: Để các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, bám sát điều kiện thực tế tại các huyện miền núi, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ triển khai các giải pháp như thế nào? Công tác phối hợp, giám sát tại các địa phương được thực hiện ra sao để chương trình đạt mục tiêu?

Đồng chí Hồ Ngọc Thịnh: Để thực hiện đạt các mục tiêu của chương trình đề ra, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025; kế hoạch thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần cho phù hợp tình hình thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương. Trong thời gian tới sẽ bám sát mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình để tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện. Trong đó, tập trung thực hiện các nội dung hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển kinh tế hộ gia đình và thoát nghèo bền vững hơn, như hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đào tạo nghề và giải quyết việc làm; hỗ trợ nhu cầu cấp thiết của người dân như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá thực hiện chương trình để kịp thời phát hiện những sai sót, vướng mắc và đề ra những giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình.

Phóng viên: Những đề xuất, kiến nghị của đồng chí đối với sở, ngành và các huyện miền núi để Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả tốt nhất?

Đồng chí Hồ Ngọc Thịnh: Đối với sở, ngành chủ trì các dự án, tiểu dự án, nội dung của chương trình cần tăng cường công tác hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; thực hiện công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn hoặc tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chương trình và đề xuất giải quyết những vấn đề bất cập cho cơ quan thường trực chương trình tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đối với các huyện, thực hiện chương trình cần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ; chủ động, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung và hoàn thành việc giải ngân vốn theo quy định tại Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 19/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả 03 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; đồng thời, có giải pháp để thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; trong đó tập trung vào giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương và người dân; bố trí đủ vốn đối ứng của huyện để thực hiện chương trình.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí! ■