Những “hiệp sĩ” làng quê

NDO - Không có một công cụ hỗ trợ trong tay, nhưng hễ nghe xảy ra vụ việc trộm cướp, các anh, các chú bất chấp hiểm nguy, thù hằn trực tiếp truy đuổi, hoặc gọi điện báo Công an để bắt đối tượng. Nhiều người dân, lực lượng Công an khâm phục, ngợi khen và gọi những người có hành động quả cảm ấy là “hiệp sĩ” làng quê.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Lê Lập Anh (bên phải) diễn tả lại động tác bắt đối tượng Nguyễn Văn Nam, ngụ tỉnh An Giang.
Anh Lê Lập Anh (bên phải) diễn tả lại động tác bắt đối tượng Nguyễn Văn Nam, ngụ tỉnh An Giang.

Đó là anh Lê Lập Anh (43 tuổi), ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang và ông Nguyễn Tấn Lễ (72 tuổi), ở ấp Xẻo Dầu, xã Hòa An, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Tóm nhiều tội phạm

Một ngày đầu tháng 4/2022, đối tượng Nguyễn Văn Nam (25 tuổi), ngụ tỉnh An Giang gấp rút ra khỏi phòng trọ ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang định phóng lên xe thoát thân sau khi đã thực hiện hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi, thế nhưng không thoát. Bởi, bất ngờ từ phía sau, anh Lê Lập Anh lao tới câu cổ và quật Nam ngã xuống đất. Vừa khống chế đối tượng, anh Lập Anh vừa tri hô để người dân và lực lượng Công an hỗ trợ. Liền lúc này, lực lượng Công an xã Hòa Chánh nhanh chóng tiếp cận, phối hợp anh Lập Anh bắt đối tượng Nam.

Trước đó, anh Lập Anh và người dân nhận được đề nghị từ Công an huyện U Minh Thượng, Công an xã Hòa Chánh cùng phối hợp truy bắt Nam vì đã thực hiện hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi ở địa bàn xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang (giáp ranh với xã Hòa Chánh) sau đó ẩn náu tại một nhà trọ ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Hòa Chánh. Anh Lập Anh cũng được Công an huyện U Minh Thượng, Công an xã Hòa Chánh cho nhận dạng đối tượng Nam qua camera. “Công an sợ “bứt dây động rừng” sẽ khó truy bắt Nam nên nhờ tôi lân la nhà trọ và quan sát đối tượng. Nam trước đó biết mặt tôi là người dân buôn bán nên không cảnh giác. Nhờ vậy, tôi và Công an tóm gọn Nam”, anh Lê Lập Anh kể.

Đối tượng Nguyễn Văn Nam sau đó bị truy tố, đưa ra xét xử và trả giá đắt cho hành vi của mình.

Theo Công an xã Hòa Chánh, đây là một trong rất nhiều vụ việc anh Lê Lập Anh hỗ trợ Công an xã Hòa Chánh, Công an huyện U Minh Thượng bắt người có hành vi vi phạm pháp luật.

Những “hiệp sĩ” làng quê ảnh 1

Công việc hàng ngày của anh Lê Lập Anh là thợ mộc đóng tủ, bàn, ghế.

Trước đó, anh Lê Lập Anh cùng Thiếu tá Huỳnh Tiền Giang, Phó trưởng Công an xã Hòa Chánh nhảy xuống con kênh Vĩnh Hiệp, xã Hòa Chánh và tóm gọn đối tượng Trần Văn Truyền (35 tuổi), ngụ huyện U Minh Thượng do có hành vi cướp tài sản của người dân. Sau gần 30 phút truy đuổi, nhiều phút vật lộn với Truyền dưới con kênh đầy bùn đất, anh Lập Anh và Thiếu tá Tiền Giang đã tóm gọn đối tượng này.

“Truyền rất ngoan cố, biết Công an xã đến mời về trụ sở làm việc thì bỏ chạy ra sau hè. Khi Thiếu tá Giang rượt đuổi, Truyền bỏ chạy, kể cả lao xuống kênh. Quyết tâm không để đối tượng chạy thoát, khi Thiếu tá Giang hô “cướp, cướp” và lao xuống kênh, tôi đứng gần đó cũng lao theo xuống để tiếp sức bắt giữ đối tượng”, anh Lê Lập Anh thuật lại.

Thiếu tá Trần Văn Te, Trưởng Công an xã Hòa Chánh cho biết: “Đối tượng Trần Văn Truyền thực hiện nhiều vụ cướp tài sản có giá trị bị Công an huyện U Minh Thượng, Công an xã Hòa Chánh đưa vào tầm ngắm, quyết tâm truy bắt. Biết Truyền có nơi ở không cố định, nhưng thường xuyên lui tới nhà một người vợ hờ trên địa bàn xã Hòa Chánh. Nhờ tai mắt và tinh thần quả cảm của anh Lê Lập Anh nên chúng tôi nhanh chóng bắt được đối tượng”.

Những “hiệp sĩ” làng quê ảnh 2

Anh Lập Anh sơn bộ bàn ghế giao cho khách dịp trước Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023.

Anh Lê Lập Anh là một thợ mộc, có cơ sở nhỏ kinh doanh đồ gỗ, thực hiện gia công, bán bàn, ghế, tủ, riêng vợ buôn bán thịt heo tại chợ xã Hòa Chánh. Công việc lao động chân chính, vợ chồng anh Lập có thu nhập khoảng 400 ngàn đến 500 ngàn đồng/ngày để nuôi 2 con và đứa cháu nhỏ khoảng 3 tuổi (con của người em). Với tính tình khẳng khái, nhiều năm qua, anh Lê Lập Anh tích cực giúp Công an xã Hòa Chánh đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, trong đó trực tiếp tham gia bắt tội phạm, góp phần giữ vững chợ nông thôn yên bình.

Khi được hỏi về hành động hào hiệp, trong khi khả năng đối tượng chống đối, trả thù rất cao, anh Lê Lập Anh khẳng khái: “Nếu đã sợ thì tôi không làm!”.

“Tai mắt” của Công an

Năm nay đã 72 tuổi, ông Nguyễn Tấn Lễ, ngụ ấp Xẻo Dầu, xã Hòa An, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cũng được nhiều gọi dân địa phương gọi là “hiệp sĩ”. “Ông Lễ là một cựu chiến binh gương mẫu trong giáo dục con cháu. Ông ấy như một hiệp sĩ, rất tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương, Công an trong bài trừ các tệ nạn xã hội, ổn định địa bàn” ông Thái Văn Khiển, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Xẻo Dầu nói.

Những “hiệp sĩ” làng quê ảnh 3

Ông Nguyễn Tấn Lễ thường xuyên gọi điện báo Công an để đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ấp Xẻo Dầu có địa bàn rộng, giáp ranh với nhiều xã khác của huyện Giồng Riềng, một số đối tượng xấu lợi dụng sơ hở trong công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng chức năng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Để giúp làng quê yên bình, ông Nguyễn Tấn Lễ là “tai mắt” giúp Công an hai xã Hòa An và Ngọc Thuận triệt phá, dẹp nhiều vụ đá gà, đánh bài ăn tiền, trộm cắp tài sản.

Mở đầu câu chuyện giúp Công an xã Hòa An, xã Ngọc Thuận bắt hàng loạt đối tượng trộm cắp trên địa bàn, ông Lễ chia sẻ: “Tôi già rồi, rượt đuổi hay câu vật với đối tượng trộm, cướp sẽ thua. Tuy nhiên, hàng ngày, tôi tới lui quan sát, nắm thông tin địa bàn. Tôi có chiếc điện thoại, số điện của Công an. Khi thấy đối tượng khả nghi trộm cắp, tôi sẽ gọi điện báo Công an”.

Trước Tết dương lịch 2023 không lâu, Công an huyện Giồng Riềng, Công an xã Ngọc Thuận bắt được Nguyễn Văn Hiệp (35 tuổi), ngụ xã Hòa An sau một thời gian lập chuyên án, trong đó công đầu phải kể đến ông Nguyễn Tấn Lễ.

Trước đó, đối tượng Hiệp gây ra rất nhiều vụ trộm cắp vỏ máy ở các địa bàn nông thôn lân cận. Hiệp di chuyển khắp nơi hoạt động, gây nhiều khó khăn cho lực lượng Công an. “Thỉnh thoảng, Hiệp về nhà trong đêm, trộm cắp tài sản của người thân, xóm làng rồi bỏ đi rất nhanh. Tôi thấy rất bực, vì thấy tội nghiệp những hộ nghèo, người dân có chiếc vỏ máy để mưu sinh cũng bị trộm. Đêm đó, tôi trao đổi với Trưởng Công an xã Ngọc Thuận trước để bố trí lực lượng bắt. Khi Hiệp vừa xuất hiện, tôi gọi điện báo Công an là tóm được Hiệp liền”, ông Lễ kể.

Những hành động, việc làm của những “hiệp sĩ” làng quê không chỉ góp phần giữ bình yên xóm ấp mà còn góp phần lan tỏa những câu chuyện tử tế trong cộng đồng, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Chia tay những “hiệp sĩ” ấy, chúng tôi vẫn còn nhớ những chia sẻ đầy nhân văn của cựu chiến binh Nguyễn Tấn Lễ: “Ai cũng phải lao động. Có làm thì mới có ăn, tôi không thể để đối tượng “ngồi mát ăn bát vàng” được, trong khi nhiều người mưu sinh vất vả. Thấy việc trái tai, gai mắt nên gọi điện báo Công an”.