1/ Tối chủ nhật, gần 22 giờ đêm, điện thoại đường dây nóng của Đội SOS Đà Nẵng đổ chuông liên hồi. Đầu dây bên kia, một giọng nữ cất lên, nghe chừng rất lo lắng: “Anh ơi xe em bị cán đinh, hiện đang gần cầu Rồng mà các tiệm sửa đóng cửa hết. Anh đến giúp em với!”. Sau câu “Chị đợi em 10 phút nhé!”, Đặng Ngọc Tiến, trưởng Đội SOS Đà Nẵng và một thành viên khác đã nhanh chóng xách thùng đồ nghề, nổ máy xe lên đường.
Đến nơi, Tiến và Vũ nhanh chóng cho xe lên lề, dùng dụng cụ nạy lốp, rà tìm chỗ thủng rồi tiến hành vá ruột xe. Dưới ánh đèn pin, Vũ thực hiện các thao tác thuần thục như một thợ vá xe chuyên nghiệp. Chốc chốc, Vũ ngẩng lên nhìn chủ nhân đang đứng co ro trấn an: “Chỗ thủng hơi lớn nhưng em vá được, chị yên tâm”. Sau chừng 15 phút, chiếc xe được bơm đầy hơi và trao lại cho chủ nhân. Cô gái nhỏ nhẹ: “Cho em gửi các anh ít tiền uống nước”. Nghe vậy, Vũ lập tức xua tay: “Đội tụi em hỗ trợ miễn phí. Chị chỉ cần trả phí bằng nụ cười là được”. Nói xong, các thành viên chào tạm biệt rồi nhanh chóng rời đi vì có ca hỏng xe khác đang đợi.
Tiến cho biết, đội bắt đầu hoạt động từ giữa năm 2019. Với đam mê xê dịch, các thành viên trong nhóm thường xuyên đi, về trên các cung đường. Nhiều lần chứng kiến những trường hợp đêm muộn không may hỏng xe, thủng lốp không tìm được tiệm sửa phải dắt bộ nên nhóm nảy ra ý tưởng sửa chữa xe miễn phí về đêm. Với vỏn vẹn sáu thành viên ban đầu, đến nay, đội có tổng cộng 14 thành viên. Có bạn là sinh viên, có bạn làm nghề bảo vệ, sửa xe, nhân viên phục vụ... Tuy công việc, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có điểm chung là tinh thần xông pha, tương thân, tương ái và tình nguyện vì cộng đồng.
Ban đầu, Đội SOS Đà Nẵng tập trung hỗ trợ khu vực đèo Hải Vân vì nơi đây vắng vẻ, không có tiệm sửa xe về đêm. Dần về sau mới mở rộng phạm vi hoạt động xuống trung tâm thành phố để giúp được nhiều người hơn, nhất là những cô, chú lao động tan ca đêm.
“Ban đêm, khi các tiệm sửa xe máy đóng cửa là lúc dịch vụ vá xe lưu động của bọn mình hoạt động. Giá mỗi lần vá xe lưu động khoảng từ 50.000 đồng, thay ruột gần 100.000 đồng là quá cao đối với những người lao động phổ thông. Vì thế tụi mình quyết định hoạt động khắp thành phố để giúp đỡ bất cứ ai cần”, Tiến nói.
2/ Những ngày đầu, đồ nghề của nhóm chỉ vỏn vẹn là cái bơm tay và hai dụng cụ để nạy lốp xe. Dần dần, được mọi người biết đến và ủng hộ kinh phí nên đội mua sắm thêm dụng cụ chuyên dụng, ruột xe dự phòng để thuận lợi hơn trong công việc. Hằng đêm, các thành viên tập trung tại trụ sở, khi nào có điện thoại là nhanh chóng lên đường. Có những đêm đội hỗ trợ từ 15-20 ca, đêm nào ít thì 5-7 ca. Những đêm ít người gọi, các thành viên chạy xe rảo quanh các tuyến đường để kịp thời hỗ trợ những người gặp sự cố.
“Những người trẻ hoặc người có dùng mạng xã hội thì biết đến nhóm và lưu lại số. Những cô chú lao động lớn tuổi không dùng Facebook nên tụi em phải chạy quanh để tìm hỗ trợ. Mỗi lần hỗ trợ xong, nhóm đều nhắc mọi người lưu lại số điện thoại để gọi khi cần”, Vũ tâm sự.
Không chỉ giúp vá săm, thay ruột, đưa xe đi sửa chữa hoàn toàn miễn phí mà trong túi đồ nghề của các bạn còn có sẵn bông băng y tế, nước muối, cồn sát khuẩn để kịp thời sơ cứu những trường hợp chẳng may bị tai nạn giữa đường.
Mới đây, đội đã thuê căn nhà ở số 16 Hồ Biểu Chánh (quận Hải Châu) làm trụ sở. Đây cũng là tiệm sửa xe máy-kế sinh nhai của các thành viên. Tại đây, ngoài là nơi nhận sửa chữa miễn phí phương tiện cho người lao động phổ thông, người khuyết tật còn là chỗ tập kết hàng hóa thiện nguyện để trao tặng những trường hợp khó khăn.
Vũ vừa dứt câu chuyện cũng là lúc chuông điện thoại lại vang lên. Thêm một trường hợp khác cần hỗ trợ. Chào tạm biệt tôi, các bạn lại lên đường. Nhìn những thanh niên đôi mươi không quản ngại vất vả lao ra đường giữa đêm khuya hỗ trợ người gặp nạn, tôi càng quý hơn tinh thần xông pha, tấm lòng vì mọi người của những hiệp sĩ trẻ.