Hiệp sĩ vá đường xứ cù lao

Hơn 10 năm qua, trên cù lao Tân Lộc giữa lòng sông Hậu, Cần Thơ,  có một chàng trai cùng các cộng sự làm việc nghĩa vì cộng đồng. Đó là hiệp sĩ thời nay Trần Minh Trung, người vá lành những vết thương cho bao con đường quê nhà.

Minh Trung rưới nhựa vá đường.
Minh Trung rưới nhựa vá đường.

Làm như… có lương vậy!

Trước đại dịch, nhiều đoàn khách quốc tế đến cù lao Tân Lộc, Cần Thơ, đều ngạc nhiên trước đội vá đường tình nguyện 50 thành viên của Trần Minh Trung, dù họ đến từ những nước châu Âu có phong trào tình nguyện phát triển mạnh. 

Đội làm liên tục không nghỉ dù mưa gió thất thường, có hôm không có thời gian ăn trưa mà chỉ lót dạ bằng những tấm bánh bà con cho. Mệt nhưng ai cũng vui vẻ chuyện trò với cả du khách. Khi biết rõ việc họ đang làm là tình nguyện, nhiều du khách càng cảm mến, mang tặng những món quà đầy ý nghĩa. Những tiếng cười nói vang cả khúc sông khi khách du lịch trải nghiệm công việc vá đường ngay trên cù lao mà chưa bao giờ họ biết tới. Cô gái Pháp 20 tuổi xinh đẹp với mái tóc vàng óng ả Bovary không nén được sự cảm phục: Nhìn cách mọi người vá đường hết mình và nghiêm túc như thế này tôi nghĩ họ đang được trả lương vậy. Họ thật đáng yêu, nhất là Minh Trung, chàng “hiệp sĩ” xứ cù lao này. 

Trung có dáng người thanh mảnh, cao dong dỏng, gương mặt luôn nhẹ nhàng và ấm áp trong từng lời ăn tiếng nói. Sau thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19, đến nay, Trung và đội vá đường lại tiếp tục dặm vá những cung đường trên quê nhà. Câu chuyện tình nguyện vá đường từ buổi ban đầu cũng được nhiều khách du lịch nước ngoài quan tâm, cảm phục. Khoảng gần 10 năm về trước, ở cù lao Tân Lộc, diện tích gần 33 km2, nơi được ví là hòn ngọc xanh tươi khổng lồ giữa lòng sông Hậu, Trần Minh Trung nghe chuyện do đường xấu, đầy ổ gà, ổ voi, một cụ già ngã trên cồn, bị chấn thương sọ não dẫn tới bị bại liệt toàn thân. Trung đã lẳng lặng bán một con dê lấy tiền thăm nom cụ và mua xi-măng trám lại đoạn đường hư hỏng đó. 

Thấy đường xấu nhiều quá, Trung phải xin mẹ cho bán rẻ hai con bò dù đó là nguồn sống chủ yếu của cả nhà anh, để có thêm kinh phí dặm vá. Thương mẹ, Trung ôm bà khóc rưng rức. Dù nhà nghèo, nhưng lòng thương người của Trung lớn hơn để anh gắn với công việc vá đường tình nguyện đến tận bây giờ và như anh nói, cả sau này nữa.

Rảnh là đi “săn” đường hỏng

Một mình làm không xuể, Trung đã thành lập đội vá đường thiện nguyện gồm 20 thành viên vào năm 2012. Tôi may mắn có mặt trong buổi ra mắt hôm ấy, trên gương mặt của mọi người hừng hực quyết tâm. Tối hôm đó, tôi quyết định ở lại cùng anh em vì sáng mai họ khởi công sửa chữa một con đường lớn. Mới 7 giờ tối, Trung buông mùng kêu tôi đi ngủ sớm như mọi người để sáng mai dậy sớm đi sửa đường. Ngày hôm sau, bà con, cô bác biết chuyện đã kéo đến đông đúc xem đội làm và tiếp tế đồ ăn, thức uống. Nhiều thanh niên và các cụ ông tuổi U70, U80 thấy thích thú và xin vào đội sửa đường, làm cầu của Trung. 

Trước đây, Trung đạp xe qua mọi ngả đường, ngó nghiêng tìm ổ gà, đường xuống cấp. Nhưng rồi để hiệu quả hơn, anh góp tiền mua một chiếc xe máy đời cũ. Bà Phượng, mẹ của Trung kể: “Nó có khi nào ở nhà đâu. Cứ rảnh ra là xách xe chạy đi săn lùng ổ gà, ổ voi. Mà không đi thì người dân cũng chủ động tìm đến hoặc gọi điện báo”. Tiền dặm vá đường do Trung, các thành viên trong đội đóng góp và các nhà hảo tâm giúp. Trung không rượu, bia hay thuốc lá, có tiền là tiết kiệm hết thảy vào vá đường. 

Là con út trong một gia đình có bốn người con, Trung phải bỏ học từ năm lớp 6. Gia đình không có ruộng vườn, mà chỉ lấy chăn nuôi bò, gà, thỏ... làm kế sinh nhai. Thế nhưng, anh thường xuyên động viên hai đấng sinh thành: “Hiến con cho đời, cho người đi cha mẹ ơi! Cha mẹ vẫn còn khỏe mà”. Bà Phượng nghe con nằn nì nhiều lần như vậy mà rơi nước mắt thâu đêm vì đồng cảm với tấm lòng vì mọi người của cậu con trai út. 

Khi Trung kêu gọi, nhiều người đã xung phong góp tiền bạc. Từ đó, Trung mua nhựa đường thay thế xi-măng để vá đường láng và bền hơn. Không ít người ban đầu cũng nghi ngờ về trình độ học vấn lớp 6 trường làng của Trung, nhưng chỉ sau vài lần tham gia thì thay đổi thái độ hoàn toàn. Ông Huỳnh Văn Ba, một thợ xây kỳ cựu nói: “Trung có ý thức tự học rất cao nên nắm chắc kỹ thuật trong xây dựng cơ bản”. Vá đường ở đâu, bà con ở đó đều tình nguyện nấu cơm, nước giúp sức cho đội của Trung. Trung ăn chay trường cũng là một cách tiết kiệm để dành tiền vá đường. Trung bảo nhờ vậy mà thể lực của anh rất tốt. 

Gần đây, Trần Minh Trung mở một tiệm tạp hóa nho nhỏ tại nhà, bảo đảm cho anh có đồng vô đồng ra. Anh coi tiệm tạp hóa là nơi gặp gỡ, chia sẻ mọi chuyện, nhất là chuyện sửa cầu, vá đường để kịp thời lên phương án sửa chữa những công trình hư hại nặng. Đội vá đường của Trung luôn duy trì số thành viên từ 30 - 50 người và khi cần có thể huy động nhiều thêm.

Hiệp sĩ vá đường xứ cù lao -0
Cụ Nguyễn Văn Năm, 88 tuổi, vẫn theo Trung và đội vá đường. 

Thu hút cả U90 vá đường

Được vào đội vá đường thiện nguyện của Trung là niềm vui của nhiều người có tuổi và cả lớp trẻ. Người nhiều tuổi nhất đội là cụ Nguyễn Văn Năm, 88 tuổi và ít tuổi nhất là em Trần Thành Thọ, 17 tuổi. Các chú bộ đội về nghỉ phép cũng thường xin vào đội của Trung. Thời gian qua, không chỉ ở địa bàn thành phố Cần Thơ, đội vá đường tình nguyện của Trung còn vươn sang hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang, những nơi mà đường sá vẫn còn khó đi. Họ được chính quyền và nhân dân nơi đây nhiệt tình chào đón. Cụ Nguyễn Văn Năm giọng đầy quyết tâm: “Các cháu trong đội rất thích đi sửa lộ ở xa, càng cảm nhận được giá trị của sự san sẻ yêu thương với người dân sở tại. Tôi dù đã gần 90 tuổi rồi, nhưng vẫn thấy rất khỏe và phấn khởi khi vá đường”. Trung kể rằng, ông Năm không nề hà công việc gì từ trộn hồ, bẻ thép, đến đổ bê-tông, rải nhựa…

Tiếng lành đồn xa, công việc nghĩa của đội vá đường được nhiều người dân đồng bằng sông Cửu Long biết đến. Nhiều địa phương còn khó khăn kinh phí đã gọi điện trực tiếp cho Trung. Trung đón nhận tất cả rồi tính toán kỹ ưu tiên cho từng địa phương khó nhất. Đặc biệt, đội của Trung còn nhận giúp bà con nong rộng những cây cầu nông thôn chật hẹp, giúp họ tiết kiệm được những khoản tiền khá lớn khi đập bỏ cầu cũ, xây cầu mới rộng hơn. Hàng trăm cây cầu đã được nong rộng ra trên cù lao Tân Lộc như thế, giúp bà con đi lại dễ dàng hơn. “Mục tiêu tới đây của đội là mở rộng vá đường tình nguyện ra khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Con đường này còn dài và nhiều thử thách, nhưng chúng tôi tin mình sẽ làm được”, Trung quả quyết. 

Thi thoảng, xuất hiện những người chưa quen đến xem đội của Trung làm và tặng những khoản tiền lớn ngay tại chỗ. Trung dùng hết vào việc mua sắm dụng cụ lao động mới hoặc mua vật liệu xây dựng.

Căn nhà riêng nhỏ được dựng lên bằng gỗ tạp và tôn cũ của Trung bắc tạm trên những con mương. Trong đó, treo trang trọng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, kỷ niệm chương của Chủ tịch nước, giấy khen và kỷ niệm chương của Bộ Giao thông vận tải và hàng chục bằng khen, giấy khen khác của các cấp, các ngành.