Những “giọt máu vàng” giúp kéo dài sự sống cho nhiều người bệnh

NDO - “Nếu người nổi tím mà không lên viện truyền tiểu cầu, sẽ lả đi lúc nào không biết”, “mỗi lần điều trị hóa chất, tiểu cầu tụt hết phải truyền tới 15-20 ngày”… là tâm sự đau đớn của không ít người bệnh về máu cần tiểu cầu. Thấu hiểu nỗi đau đó, những năm qua, cộng đồng hiến tiểu cầu đã luôn miệt mài hiến "giọt máu vàng", coi hiến tiểu cầu là “thói quen” giúp kéo dài sự sống cho nhiều người bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Có đến hơn 5.000 người đã hiến tiểu cầu trong năm 2023 từ 10 lần trở lên.
Có đến hơn 5.000 người đã hiến tiểu cầu trong năm 2023 từ 10 lần trở lên.

Ngày hội của những người hiến "giọt máu vàng"

Tình cờ gặp xe hiến máu lưu động trên phố, anh Nguyễn Huy Hoàng (Thanh Xuân, Hà Nội) hiến máu từ 10 năm trước và chuyển sang hiến tiểu cầu. “Tôi được tư vấn hiến tiểu cầu thời gian hiến ngắn hơn, nên từ lâu tôi chuyển sang hiến tiểu cầu”.

Là thành viên cộng đồng hiến tiểu cầu, anh Phạm Việt Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, việc hiến tiểu cầu gần như thói quen của anh và cũng là việc giúp anh cảm thấy thư thái trong tâm hồn.

Khác với hiến máu toàn phần (có thể hiến lại sau gần 3 tháng), việc hiến tiểu cầu chỉ cần đảm bảo khoảng cách 3 tuần. Do đó, một người nếu đủ điều kiện sức khỏe có thể hiến tối đa 17 lần trong năm. Hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn.

Toàn bộ quá trình hiến là vòng tuần hoàn khép kín, được thực hiện qua bộ gạn tách riêng để lấy máu, ly tâm, tách tiểu cầu và truyền máu trả lại cơ thể; nên thời gian hiến kéo dài (trung bình 70-90 phút một lần, trong khi hiến máu chỉ mất khoảng 5 phút).

Những “giọt máu vàng” giúp kéo dài sự sống cho nhiều người bệnh ảnh 1

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương phát biểu tại buổi tôn vinh.

Tính hết tháng 10/2023, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 31.661 đơn vị tiểu cầu từ 9.214 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3,4 đơn vị).

Có đến hơn 5.000 người đã hiến tiểu cầu trong năm 2023 từ 10 lần trở lên. Người hiến tiểu cầu đã đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm nguồn chế phẩm tiểu cầu an toàn, ổn định, đặc biệt là giai đoạn dịch sốt xuất huyết cao điểm trong năm 2023.

Tính hết tháng 10/2023, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 31.661 đơn vị tiểu cầu từ 9.214 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3,4 đơn vị).

Ngày 18/11, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương ương tổ chức chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2023. 4 năm qua, chương trình mong muốn sẽ lan tỏa mục đích, ý nghĩa của việc hiến tiểu cầu thường xuyên, duy trì người hiến tiểu cầu đều đặn để cung cấp đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu cấp cứu và điều trị.

Tham dự chương trình là hơn 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu trong năm 2023, được lựa chọn từ hàng ngàn người hiến tiểu cầu tình nguyện, đạt tổng số lần hiến tiểu cầu tình nguyện từ trước đến nay và số lần hiến trong năm 2023 cao nhất.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, điểm khác biệt của năm nay là Ban tổ chức cũng lựa chọn và tôn vinh những tập thể, nhóm có nhiều thành viên cùng tham gia hiến tiểu cầu nhiều lần.

"Thật sự trân quý và cảm động khi nhiều người đã dành thời gian, tâm sức; thậm chí di chuyển từ các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… tới viện và đạt 15-16 lần hiến tiểu cầu trong năm 2023. Chúng tôi rất tự hào khi có những anh chị hiến tiểu cầu tiêu biểu ở đây đã đồng hành cùng viện trên hành trình dài 18-20 năm. Dù có nhiều trung tâm hiến máu được thành lập, nhiều địa điểm hiến tiểu cầu khác tại Hà Nội nhưng anh, chị vẫn lựa chọn viện là điểm đến của mình…

Đặc biệt, chương trình năm nay cũng đón tiếp nhiều đại biểu khách mời là vợ-chồng. Chúng tôi rất hạnh phúc khi hành động hiến máu, hiến tiểu cầu được lan tỏa một cách tự nhiên đến những người trong gia đình, góp phần duy trì nguồn người hiến máu an toàn, bền vững”, bác sĩ Quế bày tỏ.

Những giọt máu vàng đã kéo dài sự sống cho nhiều người

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế cho biết, tiểu cầu có chức năng cầm máu và đông máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu.

Có nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến rối loạn đông cầm máu, thường là trường hợp nặng… cần truyền tiểu cầu như: xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương…

"Nếu tiểu cầu giảm thấp thì gây tình trạng chảy máu và xuất huyết, thậm chí dẫn đến xuất huyết não, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao", bác sĩ Quê cho hay.

Những “giọt máu vàng” giúp kéo dài sự sống cho nhiều người bệnh ảnh 2

Hơn 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu trong năm 2023 tham dự buổi Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2023.

Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu. Thông thường chế phẩm tiểu cầu gồm 2 loại: chế phẩm tiểu cầu được điều chế từ máu toàn phần và chế phẩm tiểu cầu được gạn tách từ một người hiến. Do chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (tối đa 5 ngày), nên việc tiếp nhận và điều chế tiểu cầu đều phải dựa vào nhu cầu của các bệnh viện.

"Thực tế năm vừa qua, mới chỉ hơn 61% người hiến tiểu cầu đăng ký trước qua link và trong số đó, chỉ 68% đến đúng theo lịch đã hẹn”, Tiến sĩ Quế nói.

Do đó, Tiến sĩ Trần Ngọc Quế nhấn mạnh, bên cạnh việc duy trì được những người hiến thường xuyên, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương rất mong muốn người hiến tiểu cầu sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ với viện, luôn sẵn sàng để hiến theo kế hoạch và chủ động đăng ký, xếp lịch để phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng.