Tôn vinh 250 người hiến tiểu cầu thường xuyên năm 2022

NDO - Ngày 29/10, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình tôn vinh người hiến tiểu cầu thường xuyên năm 2022 với thông điệp “ Hiến giọt máu vàng-Trao ngàn hy vọng” .
0:00 / 0:00
0:00
Tôn vinh 250 người hiến tiểu cầu thường xuyên năm 2022.
Tôn vinh 250 người hiến tiểu cầu thường xuyên năm 2022.

Đây là lần thứ ba chương trình được tổ chức nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp quý báu, những hành động cao đẹp của người hiến tiểu cầu đối với ngành y tế và sự sống của người bệnh.

Trong số hơn 250 đại biểu tham dự, nhiều người đã hiến máu và hiến tiểu cầu 70, 80, 90, thậm chí hơn 100 lần. Trong đó riêng hiến tiểu cầu tình nguyện trong năm 2022, có người đã hiến 13 lần; có những người hiến ngắt quãng, đan xen hiến tiểu cầu và hiến máu toàn phần...

Dù tiêu chuẩn đòi hỏi khắt khe hơn, thời gian hiến tiểu cầu cũng lâu hơn nhiều so với hiến máu toàn phần (từ 45-120 phút với hiến tiểu cầu, thay vì 5 phút khi hiến máu), nhưng hàng ngàn người vẫn bền bỉ, đều đặn trao đi sự sống.

Điều đáng trân trọng nhất là một năm có 12 tháng nhưng có những người hiến tiểu cầu tới 13-14 lần trong năm mỗi khi đến lịch, mà không cần chờ điện thoại nhắc lịch của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Điểm mới của chương trình năm nay là bên cạnh việc tôn vinh những người hiến tiểu cầu tình nguyện nhiều lần, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương còn gặp mặt, biểu dương những người mới tham gia hiến tiểu cầu nhằm mở rộng nguồn người hiến tiểu cầu thường xuyên.

Tiểu cầu được truyền cho người bệnh có từ 2 nguồn: điều chế tiểu cầu từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng và phải gộp từ 3 - 4 đơn vị hiến máu sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường; Gạn tách tiểu cầu từ một người hiến.

Những năm gần đây, hình thức hiến tiểu cầu càng trở nên phổ biến hơn, lượng người hiến tiểu cầu liên tục gia tăng. Gạn tách tiểu cầu là kỹ thuật mà hiện chỉ một số Trung tâm máu lớn mới thực hiện được.

Do vậy, nhiều người từ Nam Định, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, thậm chí Cao Bằng, Lạng Sơn... cũng sẵn sàng di chuyển xa về Hà Nội để hiến tiểu cầu thường xuyên.

Họ không chỉ dành tâm huyết trao đi nguồn sống - những "giọt vàng" hy vọng tới người bệnh, mà còn hy sinh cả thời gian, công sức, bất kể thời tiết giá rét, nắng mưa hay đêm tối.

Tôn vinh 250 người hiến tiểu cầu thường xuyên năm 2022 ảnh 1

Tỷ lệ người hiến tiểu cầu thường xuyên đã tăng lên rất nhiều và có xu hướng tăng đều đặn hàng năm.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết: “Tỷ lệ người hiến tiểu cầu thường xuyên đã tăng lên rất nhiều và có xu hướng tăng đều đặn hàng năm; có những người đã hiến hơn 100 lần. Đó cũng chính là điều mong mỏi và định hướng phát triển của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương nói riêng và của ngành Huyết học-Truyền máu nói chung bởi những người hiến tiểu cầu thường xuyên chính là những người đem đến những chế phẩm máu an toàn nhất, chất lượng nhất”.

Riêng tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, việc gạn tách tiểu cầu từ một người hiến bắt đầu được triển khai từ năm 2000. Những năm đầu, Viện chỉ tiếp nhận được vài chục đơn vị tiểu cầu, dần dần lên con số vài nghìn.

Giai đoạn năm 2000-2010, Viện chỉ tiếp nhận được 11.337 đơn vị khối tiểu cầu gạn tách, nhưng con số này ở giai đoạn 2011-2020 là 222.187 đơn vị (tăng 20 lần so với 10 năm trước).

Năm 2021, con số này là 33.314 đơn vị tiểu cầu. Năm 2022, tính đến 28/10, Viện đã tiếp nhận được 24.920 đơn vị tiểu cầu từ 8.198 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3 lần).

Lượng tiểu cầu gạn tách được tiếp nhận của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã giúp cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.

Tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu.

Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu; nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (3-5 ngày). Nhu cầu khối tiểu cầu hiện tại có thể cao hơn 2-3 lần bình thường khi dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại Hà Nội và địa phương.