Những giá trị của vaccine

NDO -

Trong lịch sử loài người, đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng về sức khoẻ trầm trọng nhất sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Để chống lại dịch bệnh, các nhà khoa học đã mất hàng năm thậm chí hàng chục năm mới có thể tìm ra được vaccine. Trong đại dịch Covid-19, vaccine đã ra đời một cách nhanh chóng trong một thời gian không tưởng.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào khoảng tháng 11-12 năm 2020 và nhanh chóng lan ra cả thế giới. Cho đến tháng 8-2021 thế giới đã chứng kiến sự ra đời của vaccine đầu tiên Sputnik V (Nga) và sau đó lần lượt là vaccine của Pfizer/BioNTech (Hoa Kỳ), Moderna (Hoa Kỳ), Astrazeneca (Anh). Những thành tựu đạt được nhanh như vậy xuất phát từ những kinh nghiệm bào chế vaccine chống lại các virus trước đây cũng như những bước tiến vượt bậc về khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ gene.

Tất cả các vaccine đều trải qua một quy trình từ phát minh trong phòng thí nghiệm cho đến các bước thử nghiệm lâm sàng. Những người làm y tế đều biết rằng để có vaccine người ta phải làm bốn pha nghiên cứu. Pha 1 là những nghiên cứu trên số lượng nhỏ những người khoẻ mạnh nhằm tìm ra liều lượng thích hợp.

Pha 2 là dùng vaccine cho những người tình nguyện viên với số lượng lớn hơn (ít nhất là 200 người) để đánh giá tính an toàn, tính sinh miễn dịch của vaccine đồng thời lựa chọn liều và thời gian thích hợp.

Pha 3 là những bước nghiên cứu được thực hiện trên các tình nguyện viên với số lượng lớn hơn nữa (ít nhất là 500 người) dựa trên liều lượng và phác đồ có được từ pha 2 và thực hiện trên nhiều nhóm người, nhiều trung tâm khác nhau và so sánh với giả dược để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine. Từ những kết quả nghiên cứu pha 3, những nhà quản lý y tế có thể cấp phép cho vaccine được sử dụng trong cộng đồng.

Sau khi được sử dụng số lượng nhiều thì vaccine còn phải trải qua một giai đoạn quan trọng nữa là pha 4, tức là những nghiên cứu theo dõi an toàn lâu dài cho các đối tượng sau khi được tiêm vaccine trong cộng đồng. Điều này đã và đang được thực hiện tại các nước phương Tây bằng các công cụ khác nhau (ghi chép sổ bộ, sử dụng ứng dụng…) nhằm đánh giá tác dụng và những ảnh hưởng của vaccine đến sức khoẻ con người về lâu dài.

Chúng ta mới chỉ biết đến vaccine đầu tiên từ tháng 8-2020 nên chưa thể có những kết luận về hiệu quả cũng như hậu quả của nó đến còn người ra sao và có thể phải chờ đợi hàng năm hoặc hàng chục năm nữa mới biết.

Tại Việt Nam, chúng ta đã lần lượt cấp phép cho những vaccine từ nhiều nước khác nhau trong đó vaccine của Astrazeneca được sử dụng rộng rãi với hơn một triệu liều. Đối với chủng tộc người và bộ gene của chúng ta thì sự đáp ứng miễn dịch diễn ra như thế nào, ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ ra sao thực sự chưa có câu trả lời.

Chúng ta đang thực hiện những nghiên cứu pha 3 cho các vaccine do chúng ta sản xuất mà quên rằng những nghiên cứu pha 4 về vaccine khác cũng vô cùng quan trọng để những nhà quản lý có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn, hoặc cho tạm dừng vaccine hoặc tiếp tục sử dụng. Vậy làm cách nào chúng ta có thể thực hiện nghiên cứu pha 4 trong điều kiện của chúng ta hiện nay?

Chúng ta trông đợi vào báo cáo của nhân viên hoặc cơ sở y tế trong và ngay sau khi tiêm? Họ có thể không báo cáo cho các trung tâm cảnh báo dược quốc gia (ADR) do áp lực công việc quá bận hoặc họ không được đào tạo kỹ năng để thực hiện các báo cáo cho cấp trên cũng như cơ quan quản lý. Vậy chúng ta có nên để người được tiêm vaccine trực tiếp báo cáo cho cấp quản lý về tác dụng phụ hoặc những phản ứng không mong muốn hay không?

Hiện nay chúng ta đã có hơn 30 triệu người được cài đặt phần mềm bluezone và chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào ứng dụng này để bệnh nhân tự báo cáo những tác dụng không mong muốn của từng loại vaccine.

Điều này mang lại lợi ích kép: thứ nhất, chúng ta không cần phải sử dụng đến nguồn nhân lực y tế để thực hiện công việc này vì người dân sẽ tự làm, họ sẽ tự khai báo và cung cấp hình ảnh về tác dụng phụ. Thứ hai, chúng ta sẽ có một nguồn tư liệu vô cùng quí giá về khoa học để có thể khai thác cũng như mang lại lựa chọn tốt hơn cho người dân về việc nên tiêm loại vaccine nào phù hợp.

Chúng ta có đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin có trình độ cao, đội ngũ cán bộ khoa học uyên bác và đầy nhiệt huyết, có một nguồn tài chính từ quỹ vaccine phòng chống Covid-19 hoàn toàn phù hợp cho mục đích thu thập và nghiên cứu dữ liệu lớn. Điều này sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho người dân, những nhà nghiên cứu, đội ngũ y tế và những nhà quản lý.