Những đốm sáng lặng lẽ

Khi màn đêm buông xuống, mọi người đều chăn ấm, nệm êm trong ngôi nhà của mình thì ngoài kia, vẫn còn nhiều người lặng lẽ vào ca. Với họ, công việc thầm lặng trong đêm không chỉ là mưu sinh, mà còn là lòng yêu nghề, cống hiến cho cộng đồng…
0:00 / 0:00
0:00
Các nhân viên y tế đưa đôi chân trần làm mồi “câu” muỗi.
Các nhân viên y tế đưa đôi chân trần làm mồi “câu” muỗi.

Đêm nào cũng vậy, tầm 23 giờ là các công nhân Tổ dò bể thuộc Ban quản lý giảm nước không doanh thu Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành (Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn-SAWACO) lại chuẩn bị đồ nghề, len lỏi vào từng đường to, hẻm nhỏ để “khám” đường ống nước. Khoác chiếc áo phản quang lên người, đeo tai nghe chuyên dụng có bộ điều khiển trước bụng, anh Trần Mạnh Luông đi chậm từng bước đưa ống nghe rà sát mặt đường trông hệt như “bác sĩ”.

Dường như đã “nghe” thấy điểm xì bể, anh Luông rà nhiều lần, trầm ngâm đôi chút. Để chính xác hơn, anh gọi thêm một đồng nghiệp đến nghe thử. Sau khi gần như chắc chắn có điểm xì bể, thế là người soi đèn pin, người mở nắp đồng hồ, người rà kỹ càng từng centimet chung quanh vị trí nghi ngờ. Khi đã chắc chắn điểm rò rỉ, anh Luông dùng sơn xịt đánh dấu vị trí để hôm sau đội sửa chữa đến kiểm tra.

Với thâm niên hơn 10 năm trong nghề, anh Phạm Văn Tín (51 tuổi), Tổ dò bể tâm sự: Niềm vui của toàn tổ là phát hiện đúng điểm xì bể và xử lý kịp thời, nhằm góp phần vào công tác giảm thất thoát nước của thành phố. Trung bình mỗi đêm, công nhân dò bể đi bộ khoảng 4-5 km.

Nghề này chỉ có thể làm lúc nửa đêm, từ 23 giờ đến 3-4 giờ ngày hôm sau chính là “giờ vàng” bởi yên tĩnh, ít xe cộ qua lại và chủ nhà cũng ít sử dụng nước. Tuy nhiên, đây cũng là lúc nhiều nguy cơ chực chờ nhất, bởi kiểu lò dò, mò mẫm đến từng ngôi nhà lúc nửa đêm về sáng... rất đáng ngờ. Chuyện thường xuyên bị nhìn theo bằng ánh mắt nghi ngờ, đe dọa... xảy ra như cơm bữa. Nhưng không vì khó khăn, nguy hiểm mà các anh bỏ nghề.

“Cứ nghĩ ở nơi nào đó, người dân không có nước sạch để dùng, phải tiết kiệm từng giọt, trong khi nước có thể đang thất thoát đâu đây, chúng tôi lại động viên nhau phải cố gắng dò tìm và xử lý sớm” - anh Nguyễn Hữu Trí Công (22 tuổi) cùng Tổ dò bể bộc bạch.

Vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua đề xuất hỗ trợ người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm 130.000 đồng/người/đêm. Từ đây, nhiều người lần đầu biết đến công việc “dùng người câu muỗi” mà các nhân viên y tế đã làm trong nhiều năm qua. “Để tìm bắt những con muỗi truyền bệnh sốt rét, chúng tôi lấy thân mình làm mồi câu muỗi”, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) - Thạc sĩ Mai Xuân Phán tiết lộ.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hai điểm có lịch sử lưu hành bệnh sốt rét cần được theo dõi giám sát muỗi theo định kỳ hằng tháng, gồm huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Việc này nhằm mục đích đánh giá sự biến động của quần thể muỗi, từ đó cảnh báo cho người dân và cơ quan chuyên môn chủ động có giải pháp diệt muỗi. Theo anh Phán, Tổ côn trùng của HCDC hiện có bảy người. Mỗi lần đi bắt muỗi thường chia hai nhóm xuất phát từ 16 giờ đến rạng sáng hôm sau. Có những quy định nghiêm ngặt mà người làm “mồi nhử” phải tuân thủ. Cụ thể, buổi chiều chuẩn bị cho đêm săn bắt sẽ không được tắm với xà phòng có mùi thơm, không được dùng nước hoa, không được thoa dầu gió, hút thuốc lá… là những thứ ngăn muỗi đến gần.

Tại bìa rừng phòng hộ thuộc xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ) lúc 22 giờ, một nhóm ba nhân viên y tế chia nhau mỗi người ngồi một góc theo yêu cầu chuyên môn, họ xắn ống quần đến đầu gối, đưa đôi chân trần ra phía trước và chờ đợi. Trong chốc lát, những con muỗi “say mồi” bám đầy trên đôi chân. Không dám động đậy, nhân viên y tế phải tinh mắt để phát hiện ra con truyền bệnh sốt rét và dùng ống nghiệm đã chuẩn bị sẵn để bắt.

Người làm “mồi” bắt muỗi thường đối diện với nguy cơ về bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. Để ngừa bệnh, đôi khi các nhân viên y tế phải uống thuốc trước để phòng. Sau mỗi lần “làm mồi”, họ đã quen với việc ngứa nên cũng ít thấy khó chịu hơn. Điều may mắn là các nhân viên Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cấp tính HCDC vẫn bảo đảm sức khỏe để tiếp tục làm nhiệm vụ, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là.

Chị Trần Thúy Loan (23 tuổi) mới vào nghề gần một năm kể: Khi nộp đơn vào HCDC, chị mới biết đến công việc “dùng người làm mồi để bắt muỗi” này. Từ tò mò xin đi thử cho biết, thế rồi chị “phải lòng” lúc nào không hay. “Tôi thấy đây là công việc nhiều ý nghĩa nên chừng nào còn là nhân viên HCDC, tôi vẫn sẽ tiếp tục… dụ muỗi” - chị Loan bộc bạch.

Phụ trách Khoa Côn trùng và Động vật y học Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Lý Huỳnh Kim Khánh cho biết: Bắt muỗi trong lĩnh vực y tế, dân số hiện nay có hai hoạt động chính là bắt muỗi trong hoạt động phòng chống sốt xuất huyết và bắt muỗi trong phòng chống bệnh sốt rét.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bắt muỗi trong phòng chống sốt xuất huyết chủ yếu bắt vào ban ngày, còn trong phòng chống sốt rét là bắt muỗi vào ban đêm. Mục đích chung của hoạt động bắt muỗi là xác định thành phần loài, mật độ, diễn biến các chỉ số quần thể muỗi theo thời gian tại các điểm được giám sát, để từ đó đưa ra biện pháp phòng chống một cách kịp thời, hiệu quả.

Thạc sĩ Khánh cho biết thêm: Khoa Côn trùng và Động vật y học Viện Pasteur thành phố thành lập năm 2010, đã triển khai hoạt động bắt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các điểm giám sát trọng điểm hằng tháng. Ngoài ra, Viện cũng tiến hành bắt muỗi khi đi giám sát hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại 20 tỉnh. Mục đích của việc bắt muỗi nhằm xác định mật độ muỗi tại địa điểm giám sát. Từ đó, đánh giá nguy cơ và đưa ra khuyến nghị cho địa phương về việc triển khai các biện pháp kiểm soát muỗi, loăng quăng.

Hầu hết các cán bộ của khoa đều tham gia hoạt động bắt muỗi. “Công việc đi bắt muỗi là quy định về chuyên môn. Anh em làm công việc này khá vất vả do làm việc ở những nơi đã từng có bệnh lưu hành, nguy cơ rủi ro cao… Chỉ có thực tâm yêu công việc này mới gắn bó được lâu dài” - Thạc sĩ Khánh cho biết.