Những đóa hoa giữa đời thường

Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc, tuy bình dị, mộc mạc nhưng ở các chị đều toát lên ý chí nghị lực vượt gian khó, tràn đầy khát vọng cống hiến cho đời. Họ là những bông hoa đẹp, góp phần tô thắm cho bức tranh cuộc sống muôn màu.

Lê Hoàng Ngân
Lê Hoàng Ngân

Vượt qua nỗi đau của căn bệnh ung thư phổi, cô giáo trẻ Lê Hoàng Ngân (sinh năm 1989) đã nỗ lực thành lập tổ chức hỗ trợ bệnh nhân ung thư tại Đà Nẵng với tên gọi “WE CAN - Chúng ta có thể”, nhằm hỗ trợ về mặt kiến thức lẫn tinh thần đối với các bệnh nhân ung thư và người nhà thông qua những dự án cộng đồng.

Đầu năm 2019, khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, Hoàng Ngân luôn mang trong mình tâm trạng lo lắng và hoang mang. “Giai đoạn đầu, tôi gần như bị trầm cảm. Lúc đó, bác sĩ điều trị đã đưa cho tôi một cuốn sách tiếng Anh có nội dung về căn bệnh ung thư.

Sau những ngày nghiền ngẫm, cảm thấy cuốn sách này rất có ý nghĩa đối với những người bệnh, thế là tôi quyết định cùng các đồng nghiệp, bác sĩ tham gia dịch sách”, chị Ngân chia sẻ. Sau thành công của cuốn sách đầu tay mang tên “Ung thư và cảm xúc”, ý tưởng thành lập tổ chức WE CAN để có thể cùng nhau đồng hành thực hiện nhiều dự án, giúp đỡ các bệnh nhân ung thư và người nhà đã được Hoàng Ngân thực hiện.

Không chỉ dừng lại ở dịch sách, chị còn tổ chức thêm nhiều hoạt động, dự án ngắn hạn và dài hạn khác nhau. Đầu năm 2020, WE CAN thực hiện thành công đêm nhạc gây quỹ “Chúng ta hát ca” với chủ đề “Khát vọng cuộc sống tươi đẹp”.

Đêm nhạc không chỉ giúp bệnh nhân ung thư và nhân viên y tế có dịp kết nối và thể hiện tài năng nghệ thuật trước cộng đồng, mà còn gây quỹ học bổng hằng năm trao tặng trẻ em có bố mẹ đang chữa trị bệnh ung thư có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, với mong muốn hỗ trợ các nữ bệnh nhân ung thư vượt qua khó khăn về tinh thần, giúp họ thêm tự tin, lạc quan trong quá trình điều trị, Hoàng Ngân cùng các thành viên trong nhóm tổ chức chuỗi hoạt động “Chúng ta tỏa sáng” tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Đẵng.

Từ đó, những nữ bệnh nhân bị ung thư được lắng nghe, học hỏi cách yêu bản thân và được gặp gỡ, giao lưu,  trao nhau yêu thương và sẻ chia khát vọng sống mãnh liệt.

Hiện tại, những nỗi đau của căn bệnh vẫn còn đó với Hoàng Ngân, song chị vẫn luôn khao khát và mong muốn WE CAN có thể phát triển bền vững trong mọi hoàn cảnh, các dự án được duy trì và lan tỏa. “Trong thời gian cống hiến cho cộng đồng và những bệnh nhân ung thư, nhìn thấy các dự án của mình thành công, nụ cười của người bệnh khiến tôi thấy rất hạnh phúc. Tôi cũng học được cách dành thời gian cho gia đình, công việc, dần dần những lo âu đã tan biến, tìm thấy ý nghĩa về cuộc sống có ích, hướng về cộng đồng và những điều tốt đẹp”, chị Hoàng Ngân chia sẻ.

Những đóa hoa giữa đời thường -0
Nguyễn Thị Sâm

Dù khởi nghiệp khi bắt đầu về hưu, nhưng câu chuyện chị Nguyễn Thị Sâm (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là một minh chứng cho thấy dù ở độ tuổi nào thì niềm say mê học hỏi, nỗ lực phấn đấu và mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng luôn được thắp sáng trong mỗi người phụ nữ Việt Nam.

Trong một lần đọc được bài báo giới thiệu về một công ty may gia công túi siêu thị xuất khẩu, bản thân chị Sâm đã trực tiếp ra tận cơ sở sản xuất này để học tập kinh nghiệm cũng như mô hình sản xuất.

Trong quá trình tìm hiểu, chị Sâm luôn tìm tòi học hỏi những người có kinh nghiệm, tích lũy kiến thức cần thiết. Sau khi về hưu, chị Sâm quyết định dùng số tiền tích cóp và vốn vay từ Tổ chức Tài chính vi mô Tình thương-TYM (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) để đầu tư nhà xưởng, mua trang thiết bị sản xuất các sản phẩm “Xanh-sạch-đẹp”, nói không với túi ni-lông và rác thải nhựa nhằm bảo vệ môi trường. “Đây là những sản phẩm tiện ích, thay thế túi ni-lông, hạn chế rác thải công nghiệp. Những chiếc túi có thể tự phân hủy ngoài môi trường”, chị Sâm cho biết. 

Là chủ cơ sở sản xuất, cũng là người phụ trách trực tiếp về kỹ thuật may và bảo đảm chất lượng sản phẩm, chị Sâm nắm rõ mọi đơn hàng, sản phẩm và luôn vận hành xưởng của mình rất hiệu quả.

Tuy nhiên, chị lại gặp trở ngại về các vấn đề công nghệ khi không thành thạo như nhiều chị em trẻ khác. Khó khăn là thế nhưng nhờ sự hướng dẫn, đồng hành nhiệt tình của cán bộ TYM, chị quyết tâm học từ cách sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin để tham gia các bài thi thuyết trình trực tuyến trong Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2021 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Nhờ đó, dự án “May gia công công nghiệp túi siêu thị xuất khẩu” của chị Sâm đã nhận giải “Vì cộng đồng” trong cuộc  thi. 

Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, chị Sâm luôn hướng đến đối tượng phụ nữ nông thôn nghèo, yếu thế để hỗ trợ mọi người nâng cao trình độ và khẳng định bản thân, giúp chị em không còn tự ti, mặc cảm về cuộc sống, hướng tới sự tiến bộ, bình đẳng trong xã hội. “Chị Sâm tích cực hỗ trợ công ăn việc làm, tăng thu nhập cho đối tượng phụ nữ nghèo yếu thế, người cao tuổi, người hoàn lương, người khuyết tật tại địa phương, giúp mọi người ổn định cuộc sống”, chị Lưu Minh Hiếu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.