Đây là những nội dung trong cuộc tọa đàm khoa học quốc tế “Gốm ngự dụng Hoàng cung Thăng Long”, do Viện Nghiên cứu Kinh thành chủ trì, vừa diễn ra sáng 20/12 tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Cuộc tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, không ai nói đến các loại đồ gốm ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long. Những đồ sứ cao cấp là đồ dùng của nhà vua, gọi là đồ ngự dụng được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long như thế nào xưa nay chưa từng được biết đến. Vì thế, những đồ sứ cao cấp đích thực của Việt Nam trong Hoàng cung Thăng Long từ lâu chưa được nêu rõ đúng mức với dư luận trong nước và thế giới. Các nhà nghiên cứu và sưu tập ở Việt Nam và trên thế giới dường như chưa có ý niệm về sự có mặt của các đồ sứ chính cống được dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại. Người ta chỉ biết đến những đồ sứ ký kiểu của các vua nhà Nguyễn đặt làm tại các lò Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc) được dùng trong Hoàng cung Huế. Do đó có ý kiến cho rằng, đối với chính người Việt Nam, không có sưu tập đồ mỹ nghệ nào quý giá, có ý nghĩa và lý thú bằng đồ sứ của triều đình nhà Nguyễn.
PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, kể từ giai đoạn 2002-2004, những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích 18 Hoàng Diệu đã tìm thấy một quần thể dấu tích kiến trúc cung điện, lầu gác cùng vô số đồ dùng, vật dụng của Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại.
Đáng lưu ý là, trong số những sưu tập đồ dùng, vật dụng tìm được tại khu di tích, có khá nhiều đồ sứ quý hiếm dành riêng cho nhà vua và vương hậu. Đây là những đồ dùng vật dụng trong cung dùng cho sinh hoạt thường nhật hay các yến tiệc của nhà vua và hoàng hậu trong các dịp đại lễ. Từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu, khái niệm về đồ gốm cao cấp của Việt Nam chuyên chế cho nhà vua sử dụng trong Hoàng cung gọi là đồ gốm ngự dụng được nhận biết khá rõ ràng.
Đặc biệt, tại khu di tích đã tìm được rất nhiều bằng chứng khẳng định sự tồn tại của các Lò quan ở Thăng Long, gọi là Lò quan Thăng Long. Đây là những lò gốm do triều đình sáng lập để chuyên chế tác đồ gốm phục vụ cho Hoàng cung trong suốt thời gian ngự trị của các vương triều, từ thời Lý, Trần đến thời Lê sơ, với lịch sử dài hơn 500 năm, trong đó khám phá quan trọng nhất là đồ gốm sứ thời Lê sơ (1428-1527).
PGS. TS Bùi Minh Trí cũng chia sẻ, đặc điểm nhận diện của gốm sứ ngự dụng là được trang trí hình rồng có 5 móng hoặc 4 móng. Trong hoàng cung chỉ có đồ sứ vẽ rồng 4 hoặc 5 móng chứ không có rồng 3 móng. Ngoài bậc đế vương, không ai được dùng loại gốm sứ có hình rồng này, nếu có là bị xử tội ngay. Đồ gốm ngự dụng trên có chữ quan, hoặc có thể có chữ kính. Đồ vua đã dùng hoặc chưa dùng đều được gọi là ngự dụng. Đồ ngự dụng đều được làm rất kỹ, tinh xảo, có cả đồ men nâu. Tất cả đồ cho cung đình của nhà vua đều vẽ hoa văn đồng tiền, đây là hoa văn rất đặc trưng của nhà vua.
Những đồ gốm cung đình được phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long phản ánh sinh động về đời sống cao sang của các bậc đế vương cùng vương hậu, quý phi, là những đồ gốm sứ đẹp, chất lượng cao, được chế tác tinh xảo, có hoa văn trang trí mang tính vương quyền như hình rồng, chim phượng hay thiên nga hoặc các đồ án hoa lá mang biểu trưng cao quý (hoa mẫu đơn, hoa sen, hoa cúc…). Đặc sắc nhất là những sưu tập đồ sứ cao cấp trang trí hình rồng, đồ dùng trong cung của các vua nhà Lê sơ. Sưu tập đồ gốm quý dành cho các vua nhà Lê sơ lần đầu tiên được nhận biết rõ ràng qua các loại bát, đĩa gốm hoa lam và gốm men trắng được chế tác rất hoàn hảo và phổ biến được trang trí hoa văn hình rồng, lòng viết chữ Kính hoặc in nổi chữ Quan. Đẳng cấp cao sang của các sản phẩm gốm này chính là hình rồng, biểu trưng của vương quyền và quyền lực tối cao của nhà vua.
Đặc biệt, đồ gốm sứ thời Lê sơ có vẽ rồng 5 móng, và đều là gốm thấu quang, có phẩm cấp không thua kém gì so với đồ sứ Trung Quốc cùng thời. Hiện nay, tại Hoàng thành Thăng Long có một chiếc bát sứ trang trí hình rồng 5 móng thấu quang rất tinh xảo, và cũng là chiếc bát còn nguyên vẹn duy nhất được khai quật ở đây. Chiếc bát này đang được đưa lên xếp hạng bảo vật quốc gia.
PGS. TS Bùi Minh Trí cũng cho biết, một điểm đặc biệt khác là kỹ thuật vẽ hình rồng nhiều màu trên đồ gốm. Người ta vẽ hình dáng cơ bản của con rồng và văn mây bằng màu xanh cobalt dưới men trước khi đem nung ở nhiệt độ cao. Sau đó, các bộ phận của con rồng được vẽ rất chi tiết, tỉ mỉ bằng màu đỏ, màu xanh lá cây trên men và vẽ vàng thật lên trên các họa tiết đã vẽ. Do màu vẽ trên men được nung hấp ở nhiệt độ thấp (nhẹ lửa), nên sau một thời gian sử dụng thường bị bay mất màu. Dấu vết họa tiết vẽ màu và vàng phủ còn lại rất mờ nhạt, chỉ có thể nhận biết khá rõ ràng khi nhìn ở ánh sáng xiên.
Có thể nói, sự kết hợp tài ba giữa các loại men (men lam, men xanh lá cây, men đỏ, men vàng) và phủ vàng thật lên trên các họa tiết đã tạo nên những sắc thái độc đáo, mới lạ và sang quý cho những đồ gốm sứ ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long.
PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, dường như phong cách nghệ thuật này chỉ xuất hiện và được sản xuất nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn, từ giữa đến cuối thế kỷ 15, dưới thời vua Lê Thái Tông (1433-1442), vua Lê Nhân Tông (1442-1459) và vua Lê Thánh Tông (1460-1497).
Gốm sứ thời kỳ này cũng ghi những dấu ấn giao lưu, giao thương ra nước ngoài. TS Cao Tiền Bình (Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc) cho biết, vào thế kỷ 15, giữa hai nước có sự giao lưu lớn về chế tác gốm sứ. Gốm sứ Việt Nam thời kỳ này có đặc điểm chính là hoa văn hoa lam, men trắng, men màu. Đồ gốm sứ của Việt Nam có chất lượng tốt và được người dân thời Minh khá ưa chuộng.
Còn nghiên cứu sinh Hà Thủ Cường (Bảo tàng Phòng Thành Cảng và Đại học Nam Kinh, Trung Quốc) cho biết, các khai quật khảo cổ ở Phòng Thành Cảng cho thấy khá nhiều đồ gốm sứ Việt Nam vào thế kỷ 15. Gốm sứ Việt Nam chủ yếu xuất hiện trên con đường giao thương, do nhu cầu của người dân muốn sử dụng gốm sứ Quảng Tây và của Việt Nam. Trước đây có nhiều con đường gốm sứ giữa Trung Quốc và Việt Nam, chủ yếu tập trung ở Phòng Thành, có quy mô đạt đỉnh cao vào thế kỷ 14, 15. Đồ sứ của Việt Nam đã hình thành nên một quy mô và tẩm ảnh hưởng nhất định tại thị trường Trung Quốc thời bấy giờ.
Những phát hiện mới về đồ gốm sứ ngự dụng tại Hoàng thành Thăng Long không chỉ cho chúng ta được chiêm ngưỡng những tạo tác gốm sứ đỉnh cao thời bấy giờ, mà còn hiểu thêm được những thăng trầm của lịch sử, đang từng bước được tái hiện qua các hiện vật được khai quật ở đây.