Bằng nhiều cách làm sáng tạo, các mô hình sản xuất, kinh doanh do cựu chiến binh, mỗi năm tỉnh Điện Biên có thêm hàng nghìn lao động là con em đồng bào các dân tộc thiểu số có việc làm ổn định hoặc được cựu chiến binh giúp đỡ về vốn, kiến thức, kinh nghiệm vươn lên thoát nghèo…
Đưa chúng tôi thăm một vòng trong nhà máy sản xuất gạch tuy-nel của Công ty trách nhiệm hữu hạn Duyên Hùng do cựu chiến binh Lưu Công Ruyên làm chủ, chị Lò Thị Vân, công nhân bốc xếp cho biết: Bản thân tôi cũng như gần 100 anh chị em công nhân ở nhà máy đều gắn bó với công ty nhiều năm rồi.
Ngoài mức lương bình quân được hưởng từ 8 đến 12 triệu đồng/người/tháng, công nhân đều được công ty đóng bảo hiểm, được cấp trang thiết bị bảo hộ lao động và hằng năm được công ty cho khám sức khỏe định kỳ. Với các chế độ lao động đầy đủ, việc làm ổn định lại gần nhà thuận lợi chăm sóc, nuôi dạy con cái cho nên công nhân rất yên tâm làm việc, nguyện gắn bó lâu dài với công ty.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lưu Công Ruyên nói về quá trình người lính Cụ Hồ bắt đầu khởi nghiệp. Tự nhận rằng đó là quãng thời gian khó khăn, ông Lưu Công Ruyên thoáng trầm buồn khi kể: Ngày đó, khoảng tháng 4/2009 rời quân ngũ, tôi quyết định bán toàn bộ gia sản ở quê Giao Thủy (tỉnh Nam Định) rồi đưa vợ con lên Điện Biên lập nghiệp.
Tiếp quản xí nghiệp gạch với gần 50 người lao động, dây chuyền sản xuất lạc hậu, nguồn nguyên liệu khan hiếm, mối khách hàng cũng khan hiếm… ông Ruyên có một niềm tin “làm sản phẩm tốt thì khách hàng sẽ tìm đến”, cho nên ông thường xuyên động viên anh chị em công nhân dốc sức, đồng lòng.
“Hằng tháng tôi đều cho công khai doanh số, sản phẩm và cả lợi nhuận để mọi người hiểu tình hình thực tại cũng như đường hướng hoạt động, tạo niềm tin với người lao động. Mọi người đều làm việc hăng say, sản phẩm làm ra ngày một nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, thu hút khách ngày càng đông hơn”, ông Ruyên chia sẻ.
Qua 15 năm, vốn điều lệ của công ty tăng từ 1,5 tỷ đồng lên 24 tỷ đồng. Công nhân gắn bó với công ty từ ngày đầu đến nay đều đã làm tổ trưởng các tổ máy, sản xuất, kinh doanh; một số công nhân có con cũng tự nguyện xin vào làm việc trong công ty.
Nhưng điều khiến người cựu chiến binh mừng nhất là công ty duy trì việc làm thường xuyên, ổn định cho hàng trăm lao động, ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. “Điều này khiến tôi yên lòng và có thêm động lực cố gắng bươn chải trong thương trường”, ông Lưu Công Ruyên vui vẻ cho biết thêm.
Cũng là hội viên cựu chiến binh điển hình làm kinh tế, tấm gương cựu chiến binh Lường Văn Sỹ ở bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng với mô hình phát triển cà-phê đã và đang truyền động lực cho thế hệ trẻ địa phương. Chỉ có mấy nghìn mét vuông đất để trồng cà-phê nhưng cả chục năm trời cựu chiến binh Lường Văn Sỹ luôn cần mẫn cuốc đất, chăm cây. Năm qua năm, mùa qua mùa, tiền bán quả cà-phê thu được ông Sỹ đều để dành mua phân bón và mua thêm cây giống mở rộng diện tích.
Đến nay, sau hơn 10 năm chăm bón, vun trồng, ông Sỹ đã có hơn 2 ha cà-phê cho thu hoạch. Mấy năm nay cà-phê được giá, ông Sỹ đều thu về hơn 300 triệu đồng/năm. Dù tuổi cao nhưng hằng ngày ông Sỹ vẫn ra thăm vườn, tỉ mẩn hướng dẫn con cháu và bà con dân bản cách chăm cây, tỉa cành để mọi người hiểu hơn về giá trị công sức của người nông dân trên đồng đất quê hương. Học theo ông Sỹ, làm theo ông Sỹ, rất nhiều thanh niên người dân tộc Thái ở bản Mánh Đanh đã quyết tâm lập nghiệp.
Đánh giá cao tâm huyết, cống hiến của hội viên cựu chiến binh trên mặt trận phát triển kinh tế giữa thời bình, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên khẳng định: Mỗi tấm gương cựu chiến binh điển hình làm kinh tế đều soi rọi, truyền cảm hứng cho cả nghìn người và lớp trẻ hôm nay.
Làm kinh tế với người trẻ đã rất khó, cho nên với cựu chiến binh là người lính nghỉ hưu, rời quân ngũ mới làm kinh tế thì việc ấy khó hơn nhiều lần, nhưng bằng ý chí, quyết tâm của người lính Bộ đội Cụ Hồ, rất nhiều cựu chiến binh đã nỗ lực vươn lên; họ không chỉ là tấm gương sống có ích, làm giàu cho gia đình mà còn góp sức làm giàu cho địa phương nơi cư trú”.
Theo thống kê của Hội Cựu chiến binh tỉnh, hiện nay mỗi huyện, thị, thành phố trong tỉnh Điện Biên đã xây dựng điểm từ 5-10 mô hình phát triển kinh tế giỏi để hội viên cựu chiến binh đến học tập kinh nghiệm.
Toàn tỉnh có hơn 30 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã do hội viên cựu chiến binh làm chủ với thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm; gần 600 trang trại, gia trại trong đó trên 50% thu nhập lãi từ 100-400 triệu đồng/năm. Số hội viên có mức kinh tế khá, giàu trong cựu chiến binh tỉnh chiếm gần 40% tổng số hội viên.
Các mô hình kinh tế sản xuất, mô hình vườn-ao-chuồng của các cựu chiến binh tiêu biểu đã tạo thêm hàng trăm việc làm cho người dân địa phương đồng thời đóng góp tích cực trong các hoạt động xã hội, các phong trào nghĩa tình đồng đội do hội cựu chiến binh cơ sở phát động.
Dưới sự lãnh đạo của Hội Cựu chiến binh tỉnh, các cấp hội phối hợp tổ chức nhiều cuộc nói chuyện lịch sử giữa cựu chiến binh với học sinh, nhân dân để thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về những cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha anh. Qua những câu chuyện kể lịch sử, kể về tấm gương sống, chiến đấu, làm việc và cống hiến của lớp lớp Bộ đội Cụ Hồ, thế hệ trẻ Điện Biên hôm nay càng hiểu thêm, trân trọng tấm gương cựu chiến binh nơi đất trời Tây Bắc đã nguyện sống xứng với niềm tin yêu của nhân dân, đất nước.