Đón Tết cùng “gà rồng” Đông Tảo

Chúng tôi về xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đúng dịp diễn ra Hội thi gà Đông Tảo toàn quốc lần thứ 4 và chương trình livestream quảng bá gà Đông Tảo, sản phẩm nông nghiệp xã Đông Tảo năm 2024. Nụ cười rạng rỡ của chủ trại gà Lê Quang Thắng khi ôm con gà nặng hơn 4 kg trong tay đã phần nào nói lên niềm vui của người nuôi gà Đông Tảo. Thời điểm chúng tôi tới xã vẫn còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng không khí vui tươi, bận rộn đã có thể cảm nhận được rõ trên khuôn mặt từng người.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo xã Đông Tảo thăm trại gà của Chủ tịch Hội Chăn nuôi gà Đông Tảo, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo Lê Quốc Thắng (bên trái).
Lãnh đạo xã Đông Tảo thăm trại gà của Chủ tịch Hội Chăn nuôi gà Đông Tảo, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo Lê Quốc Thắng (bên trái).

Tại Hội thi gà Đông Tảo toàn quốc lần thứ 4 và chương trình livestream quảng bá gà Đông Tảo, sản phẩm nông nghiệp xã Đông Tảo năm 2024, chúng tôi đã có dịp được chiêm ngưỡng những con gà đẹp nhất của giống gà Đông Tảo, một giống đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam.

Những con gà rồng

Một năm trước, gà Đông Tảo xuất hiện trên báo chí Anh và được hãng tin Reuters ví như là những chú “gà rồng chân to” vì đôi chân lớn và sần sùi như vẩy rồng của chúng. Sự ví von đó thật thú vị nhưng khi được nhìn tận mắt, chúng tôi hiểu được vì sao giống gà này đã trở thành thương hiệu, niềm tự hào của xã Đông Tảo nói riêng và của cả tỉnh Hưng Yên nói chung.

Theo chân Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Tảo Nguyễn Thanh Quyết, chúng tôi tới xóm Đoàn Kết, thôn Đông Tảo Nam và gặp anh Lê Quang Thắng, Chủ tịch Hội Chăn nuôi gà Đông Tảo và Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo. Anh Thắng sinh năm 1975, đã có gần 20 năm chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo.

Lúc chúng tôi đến, hai vợ chồng anh vừa cho đàn gà hơn 1.000 con ăn xong, để anh có thể nghỉ ngơi ít phút trước khi nắng lên và thả chúng ra vườn. Đến chiều, đàn gà sẽ được dồn về chuồng sớm dù trời có nắng. Đó là vào mùa đông khi buổi sáng và chiều tối rất lạnh, có sự chênh lệch lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm; còn vào mùa hè, gà sẽ được thả sớm, ăn sớm và buổi chiều thì ăn muộn hơn do trời nắng nóng.

Công việc chỉ có vậy và tưởng đơn giản nhưng hai vợ chồng anh Thắng cũng bận tối ngày. Thực tế, ở Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo, cứ nhìn các khu vực chức năng trong trang trại gà rộng khoảng 2.500 m2 là đủ thấy mọi người sẽ phải làm bao nhiêu việc: Khu thức ăn và thú y, khu ấp nở, khu nuôi gà sinh sản giống, khu nhà kính kín để thụ tinh nhân tạo gà, khu úm giống, khu gà thịt thương phẩm, khu gà sinh sản giống, khu nuôi gà hậu bị giống hay khu nuôi gà ốm, bệnh...

Trước đây, nhiều hộ nuôi gà ở Đông Tảo thường sử dụng cám công nghiệp nhưng 3 năm trở lại đây, các hộ chuyển sang nuôi theo quy trình VietGAP, cho gà ăn bằng cám hữu cơ. Cũng chính vì vẫn giữ mô hình nuôi thả tự nhiên, nói không với cám công nghiệp khiến vợ chồng anh Thắng rất vất vả, riêng chuyện cho gà ăn cũng đã gần hết ngày. Cứ 5 ngày, họ phải trộn tay 1,2 tấn cám, rồi ủ vào các thùng phi, đợi 3 ngày sau mới xúc đợt cám này cho gà ăn, mỗi ngày 2 lần vào sáng và chiều. Nước uống cho gà cũng được thay mới vào sáng và chiều. Khi vào trời lạnh, gà được che 2 lần bạt, thắp đèn sưởi. Nói ngắn gọn, gà Đông Tảo ở đây được nuôi bán chăn thả với các tiêu chí “3 sạch”: Ăn sạch, ở sạch và uống sạch.

Bù lại, sau những nhọc nhằn, vất vả, thậm chí có thời điểm trắng tay do dịch bệnh, gà Đông Tảo giờ đây đã mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh Thắng, cũng như 15 thành viên khác trong hợp tác xã. Bình quân, mỗi hộ có thu nhập từ 500-600 triệu đồng/năm. Chỉ tính trong năm 2024, số lượng gà lấy thịt của hộ anh Thắng đã hơn 1.000 con, tăng hơn 20% so với cùng thời điểm năm 2023. Có lẽ, trừ giai đoạn nắng nóng bất thường vào tháng 6, việc chăn nuôi đang rất thuận lợi cho gia đình anh cũng như nhiều hộ dân tại Đông Tảo.

Theo anh Thắng, Đông Tảo hiện còn hơn 100 hộ nuôi lớn, từ 300-500 con trở lên, trong đó có 3-4 hộ nuôi đến 10.000 con/hộ. So với trước đây, có thời điểm hơn 2.000 hộ nuôi, số hộ nuôi hiện nay giảm nhưng bù lại, số lượng đàn gà lại tăng đáng kể và chủ yếu là lấy thịt chứ không chỉ lấy chân hay con giống như trước. Lý giải thêm về điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Tảo Nguyễn Thanh Quyết cho biết, trước đây, Đông Tảo phát triển mạnh về con giống.

Sau khi nhận thấy thị trường bão hòa, Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo đã có sáng kiến giết mổ, đóng gói sản phẩm, không chỉ sản phẩm tươi mà có cả những sản phẩm chế biến như giò gà, chân gà, gà ủ muối, xúc xích, chả sụn, trứng gà... Nhờ đó, đến nay, gà Đông Tảo đã xuất hiện trên bàn ăn của nhiều gia đình, thay vì chỉ thấy trong những dịp lễ, Tết và dành cho những người có điều kiện kinh tế.

Để đáp ứng nhu cầu trong nước, người nuôi gà Đông Tảo rất linh hoạt trong chăn nuôi. Đối với gà nuôi lấy thịt, chỉ cần 8 tháng là gà đạt chất lượng thịt thơm ngon, trọng lượng mỗi con từ 3,8-4 kg. Còn đối với gà nuôi dành để biếu, tặng, thời gian nuôi khoảng hơn 12 tháng. Khi đó, trọng lượng mỗi con từ 4,8-6 kg.

Tận dụng chuyển đổi số để quảng bá gà Đông Tảo

Ngắm nhìn đàn gà Đông Tảo được thả ngoài vườn của gia đình anh Thắng, không ai không khỏi ấn tượng với dáng hình bệ vệ của chúng, nhất là cặp chân xù xì to như lon bia (theo cách ví von của hãng tin Reuters) và những bước đi vững chắc. Cứ nói cặp chân của chúng xấu xí, to và thô nhưng thực tế đây chính là lý do để xã Đông Tảo tổ chức các hội thi gà Đông Tảo toàn quốc trong những năm qua.

Trước đây, xã cũng đã có những cuộc thi gà Đông Tảo nhưng khi đó, các gia đình, dòng họ chỉ tìm chọn những chú gà đẹp nhất, to nhất. Năm nay, trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số diễn ra ở tất cả các ngành, nghề, Ủy ban nhân dân xã Đông Tảo đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thi gà Đông Tảo toàn quốc lần thứ 4 và chương trình livestream quảng bá gà Đông Tảo, sản phẩm nông nghiệp xã Đông Tảo năm 2024.

Theo ông Nguyễn Thanh Quyết, hội thi nhằm tuyển chọn những con gà Đông Tảo đẹp, thuần chủng để lưu giữ, bảo tồn nguồn gien giống gà quý hiếm; đồng thời góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ gà Đông Tảo và nông sản xã Đông Tảo năm 2024; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân, chủ trang trại, người chăn nuôi gà Đông Tảo, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản, trang trại, nhà vườn kết nối giao thương, học tập, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, đây còn là cơ hội cho các doanh nghiệp thu mua, nhà phân phối, thương lái có cơ hội tìm kiếm thị trường, đối tác, kết nối cung cầu, thúc đẩy và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Tảo chia sẻ thêm, khó khăn lớn nhất của người nuôi nói chung, Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo nói riêng không phải là chuyện vốn hay đầu ra sản phẩm mà là vấn đề công nghệ. Xuất thân từ nông dân, phần lớn họ đều kém và chậm trong sử dụng máy tính, tìm hiểu các nền tảng mạng xã hội để kết nối, quảng bá sản phẩm.

Qua tiếp xúc với người dân nơi đây, chúng tôi đã hiểu được những trăn trở, băn khoăn lâu nay của chính quyền xã Đông Tảo. Vì thế, dù chỉ mới đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Tảo một năm qua nhưng với kinh nghiệm 20 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, người lãnh đạo sinh năm 1979 này đã có nhiều ý tưởng để chia sẻ với người dân Đông Tảo, trong đó có việc kết hợp Hội thi gà Đông Tảo với chương trình livestream quảng bá gà Đông Tảo, sản phẩm nông nghiệp xã Đông Tảo năm 2024.

Thực tế, nếu không có một hội thi như vậy, chúng ta sẽ không thể biết thế nào là một con gà Đông Tảo đẹp ngoài việc ấn tượng với mầu da đỏ, cặp chân to của chúng. Theo ông Nguyễn Thanh Quyết, các tiêu chí để đánh giá gà Đông Tảo thuần chủng là mầu lông, yếm, tích, mào, mỏ, chân, đốt ngón chân…, gà mái có trọng lượng ít nhất là 3 kg, gà trống có trọng lượng ít nhất là 4 kg, có tuổi đời từ 8 tháng tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được thưởng thức những sản phẩm sơ chế, chế biến từ gà Đông Tảo, trong đó có các sản phẩm giò gà, gà ủ muối, chân gà, trứng gà của Hợp tác xã Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo, Công ty cổ phần Tuấn Vũ Food, trang trại Hà Quân, trang trại Giang Lê Hân...; các sản phẩm làng nghề như đậu nghệ của thôn Đông Tảo Đông, Đông Kim hay quất cảnh Dũng Tiến, Đông Tảo Đông, bưởi của thôn Đông Tảo Nam.

Thú vị không kém, hội thi còn là nơi để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu công nghệ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, công nghệ bảo quản, chế biến, giải pháp trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời là dịp giúp các ngân hàng thương mại giới thiệu những sản phẩm, tín dụng phục vụ nông nghiệp, đưa người nông dân, hộ chăn nuôi Đông Tảo tiếp cận gần hơn với cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Tảo còn hào hứng chia sẻ thêm về mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới ở địa phương, trong đó ưu tiên gà Đông Tảo và quất cảnh, gắn với du lịch sinh thái. Nghe những tâm sự đầy tâm huyết của ông Nguyễn Thanh Quyết, chúng tôi càng thêm cảm phục quyết tâm vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương của người dân Đông Tảo. Với bề dày truyền thống văn hóa lâu đời, bằng ý chí và nghị lực, họ đang cần mẫn phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp thông qua những ý tưởng đổi mới sáng tạo phong phú.