Những công viên "0 đồng"

Hè về cũng là thời điểm những đề xuất xây dựng, cải tạo sân chơi cho trẻ em chuyển đến doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi) nhiều hơn. Họ vừa phải tìm giải pháp thiết kế, thi công, và quan trọng nhất, phải tìm nguồn kinh phí để có thể xây dựng những công viên, sân chơi. Khó khăn là thế, nhưng sau 10 năm hoạt động, Think Playgrounds đã kiến tạo được tới 240 sân chơi "0 đồng", trải khắp từ bắc vào nam. Tất cả những sân chơi ấy đều mang thông điệp thân thiện với môi trường, thân thiện với người khuyết tật.
0:00 / 0:00
0:00
Sân chơi Thánh Gióng làm từ vật liệu tái chế tại vườn Giám, di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Sân chơi Thánh Gióng làm từ vật liệu tái chế tại vườn Giám, di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Mỗi khi đi qua cầu Long Biên, người ta ngại nhìn xuống bên dưới, vì khu đất ven sông là nơi đổ rác thải. Nhưng bây giờ, ngay dưới chân cầu là một công viên xanh mát với những đồ chơi sắc màu...

240 sân chơi cho cộng đồng

Chỉ cách đây hơn nửa năm, dải đất ven sông này vẫn là một bãi rác khổng lồ, nơi không ai muốn đặt chân đến. Nhưng giờ đây, nơi này đã trở thành một công viên rừng rộng lớn, là điểm đến của cư dân phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm). Trẻ nhỏ nô đùa dưới những tán cây, bên những thiết bị vui chơi như: Xích đu, bập bênh, cầu trượt…

Nổi bật nhất trong công viên là một thiết kế bằng gỗ mang hình dáng một con rồng khổng lồ vươn mình bay lên được gọi là "Hệ chơi hình rồng" dài 22m, được thiết kế để các em nhỏ có thể tham gia nhiều trò chơi vận động, từ leo trèo đến cầu trượt. Hình tượng rồng này được đặt trong vị trí gần với cây cầu Long Biên, tạo một bối cảnh rất đẹp mắt và ý nghĩa về cây cầu nổi tiếng của Hà Nội.

Bé Quách Yến Linh, cư dân Tổ dân phố số 1 phường Phúc Tân cho biết: "Công viên có nhiều trò chơi rất thú vị. Con mong có nhiều người đến đây chung vui với chúng con".

Trong công viên có cả những thiết bị luyện tập thể thao, sân chơi bóng rổ dành cho thanh, thiếu niên. Chiều xuống, cái nắng oi ả của mùa hè được xua tan rất nhanh trước những làn gió từ sông Hồng thổi vào. Nhiều người bắt đầu mang dụng cụ ra chăm sóc vườn hoa, cây cối. Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ Tổ dân phố số 2 Đặng Thị Dung đã có mặt cùng các chị em chăm sóc vườn hoa.

Bà Dung phấn khởi cho biết: "Trước đây không ai dám đến gần khu vực này, từ ngày có chủ trương cải tạo thành công viên, chị em chúng tôi cùng các bạn Đoàn Thanh niên của phường cùng nhau chăm sóc, bảo vệ công viên. Những thông tin về hoạt động của cộng đồng ngày nào cũng được cập nhật lên nhóm Zalo. Mọi người cùng bảo ban, cùng chia sẻ công việc".

Công viên rừng Phúc Tân chính là một "sản phẩm" của Think Playgrounds với sự hỗ trợ của chính quyền quận Hoàn Kiếm, phường Phúc Tân và các đoàn thể xã hội, người dân trên địa bàn. Cuối năm 2023, hành trình biến bãi rác thành công viên được triển khai. Hàng trăm tấn rác đã được chuyển đi, những thiết bị mới được đem đến.

Chỉ trong hai tháng, cùng với cộng đồng cư dân nơi đây, Think Playgrounds đã biến điều không thể thành có thể. Trong nhiều công viên đã xây dựng, đây là công viên mà nhóm Think Playgrounds tâm đắc nhất. Năm 2022, nhóm đã cùng chính quyền, nhân dân quận Hoàn Kiếm xây công viên rừng cộng đồng đầu tiên tại Hà Nội, đó cũng là công viên lớn nhất mà Think Playgrounds từng thực hiện-Công viên rừng ở phường Chương Dương với diện tích khoảng 9.000m2. Công viên rừng Phúc Tân tuy có diện tích nhỏ hơn, nhưng lại truyền tải được nhiều thông điệp của nhóm.

Người sáng lập Think Playgrounds Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho biết: "Mọi người vẫn nghĩ công viên là một không gian xanh, nhưng chủ yếu mới nghĩ đến những cây xanh ở đó mà chưa nghĩ đến "xanh" có chiều sâu. Với công viên rừng Phúc Tân, hầu hết các thiết bị chúng tôi lắp đặt đều được làm từ vật liệu tái chế; toàn bộ đường dạo được sử dụng bê-tông thấm nước. Hệ thống cây xanh được tận dụng những cây xanh bản địa, những cây sẵn có kết hợp với các cây trồng mới. Công viên được phân bố làm nhiều khu chức năng: Khu vui chơi, khu tập luyện, khu vườn rừng, khu có những cây bóng mát… Ngoài ra, công viên còn được thiết kế thân thiện với người khuyết tật để họ có thể tham gia nhiều hoạt động khác nhau".

10 năm trước, được truyền cảm hứng từ bà Judith Hansen - một phụ nữ Mỹ đã "định nghĩa lại" quan niệm về sân chơi cho trẻ - đó là sân chơi phải hướng tới việc tiếp cận miễn phí, với các trò chơi vận động an toàn và thân thiện với môi trường, Nguyễn Tiêu Quốc Đạt và Chu Kim Đức đã cùng sáng lập Think Playgrounds.

Tính từ thời điểm sân chơi ở bãi giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) được đưa vào hoạt động, Think Playgrounds đã trải qua chặng đường tròn 10 năm kiến tạo công viên cho cộng đồng. Ngày ấy, đôi bạn - mà bây giờ đã là bạn đời cũng không nghĩ mình đã đi được một chặng đường dài như thế. Thời kỳ đầu mới thành lập, Quốc Đạt, Kim Đức cùng một số bạn bè tự dành dụm kinh phí để thiết kế, xây dựng sân chơi từ những đồ phế thải.

Dưới đôi bàn tay của những kiến trúc sư trẻ, những miếng gỗ thừa, lốp xe ô-tô hỏng, bàn ghế hỏng… sau một thời gian ngắn đã biến thành những đồ chơi thú vị như đồ chơi vượt chướng ngại vật, xích đu, ghế xoay…; màu sắc lại sinh động, bắt mắt, khiến trẻ em tò mò, thích thú. Ngựa bập bênh, những chiếc xích đu mới trở thành những người bạn thân thiết của tuổi thơ các em.

Từ sân chơi đầu tiên ở bãi giữa sông Hồng, những sân chơi tại các khu tập thể của Hà Nội như: Phương Mai, Trung Hòa- Nhân Chính, Trung Tự, Ngọc Khánh… lần lượt ra đời. Nhu cầu ngày một lớn, nhóm đã triển khai những sân chơi ở nhiều địa bàn xa xôi như huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Mù Cang Chải (Yên Bái) hay cả ở Tây Ninh… với tất cả 240 công viên đã được xây dựng và đi vào hoạt động.

Không chỉ có Think Playgrounds tạo dựng những vườn hoa, sân chơi cho trẻ em bằng tấm lòng thiện nguyện, công việc ấy còn có sự tham gia của nhiều hội, nhóm khác. Nhưng không ít hội, nhóm, câu lạc bộ đã dừng lại sau một quãng thời gian hoạt động. Còn với Think Playgrounds, chặng đường phía trước, với họ, còn rộng mở…

Công thức để thành công

Với cách làm thiện nguyện truyền thống, phần lớn người làm sẽ gặp phải mâu thuẫn giữa kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình và công tác thiện nguyện, nhất là nếu họ coi thiện nguyện là hoạt động thường xuyên, liên tục. Thực tế, đã có những lúc Think Playgrounds tưởng chừng phải dừng lại.

Khi bắt đầu, các thành viên của nhóm đều khá trẻ tuổi, có sự năng nổ, nhiệt huyết và sẵn sàng hy sinh. Nhưng rồi, họ cũng phải đối mặt với "cơm, áo, gạo, tiền". Rất may, do tiếp xúc với nhiều hoạt động thiện nguyện quốc tế, họ tìm ra một mô hình phù hợp cho mình. Đó chính là mô hình doanh nghiệp xã hội-doanh nghiệp vừa làm kinh tế, vừa tham gia các hoạt động xã hội. Năm 2017, những sân chơi đầu tiên hoạt động theo mô hình mới đã ra đời.

Chu Kim Đức, đồng sáng lập Think Playgrounds cho biết: "Chúng tôi tư vấn, thiết kế các sân chơi, vườn hoa cho các trường học, các khu dân cư, các gia đình… hay các không gian công cộng để lấy kinh phí "nuôi" các thành viên của doanh nghiệp. Đồng thời, chúng tôi tiếp nhận thông tin về những cộng đồng dân cư, những trường học… có nhu cầu về sân chơi, công viên. Từ đó đi tìm lời giải. Bên cạnh đó, hằng năm, chúng tôi trích một phần lợi nhuận của doanh nghiệp để bảo trì những sân chơi mà mình đã xây dựng".

Thay vì đơn thuần đóng góp kinh phí, công sức xây dựng sân chơi, sau khi tiếp nhận thông tin từ cộng đồng, nhóm tìm "lời giải" bằng cách lập dự án. Sau đó, đi "chào hàng" các nhà tài trợ trong nước và các tổ chức thiện nguyện quốc tế. Khi "gom" đủ kinh phí, dự án sẽ được triển khai. Nhờ thế, các cộng đồng dân cư có những công viên, sân chơi "0 đồng" đầy ý nghĩa.

Tùy điều kiện thực tế mà khi triển khai Think Playgrounds sẽ tham gia đóng góp các loại thiết bị vui chơi, hay công thiết kế. Một trong những công trình gần đây mà Think Playgrounds rất tự hào đó là sân chơi hòa nhập cho trẻ khiếm thị tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Tây Ninh, được đưa vào khai thác năm 2023.

Khi nghiên cứu, khảo sát, các nhà thiết kế, kiến trúc sư của nhóm nhận thấy trẻ em khiếm thị có những nhu cầu đặc biệt khi tham gia vui chơi. Do đó, các chuyên gia đã thiết kế các hệ chơi tương tác, hệ chơi đa năng, xích đu tập thể, các đường mòn giác quan… phù hợp để các em có thể vui chơi mà không gặp những tai nạn đáng tiếc. Tổng kinh phí cải tạo sân chơi là 150 triệu đồng, đều do các nhà tài trợ đóng góp đã trở thành món quà ý nghĩa với 58 trẻ em khiếm thị ở Trung tâm.

Việc triển khai hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội này khiến các thành viên của Think Playgrounds tăng khối lượng công việc lên rất nhiều, nhất là khi phải đi "xin" tài trợ-một phần việc trái ngành của hầu hết các thành viên. Nhưng đây chính là công thức để trả lời cho câu hỏi: Dừng lại hay đi tiếp mà nhiều tổ chức thiện nguyện đã gặp phải.

Những công viên, sân chơi do Think Playgrounds có nhiều khác biệt. Thay vì "đập đi xây mới", những yếu tố tự nhiên được tôn trọng tối đa, được thiết kế trong sự hài hòa với những thiết bị mới. Yếu tố "xanh" là một thông điệp xuyên suốt. Và điều đó dẫn đến một hệ quả gần như tất yếu-hạ giá thành chi phí thiết kế, xây dựng công viên, sân chơi. Nhưng khác biệt lớn nhất chính là sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều công viên, sân chơi thường… đẹp hơn.

"Từ những việc làm của mình, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng có cách tiếp cận mới với những không gian công cộng, công viên, sân chơi. Ngay từ khi triển khai xây dựng, chúng ta cần làm cộng đồng dân cư tại đó thấy rõ lợi ích, huy động sự tham gia của cộng đồng. Sau khi hoàn thành xây dựng công viên, sân chơi, chúng tôi luôn bàn giao lại cho cộng đồng. Khi nhận thức rõ được điều đó, cộng đồng sẽ bảo vệ, tôn tạo, chỉnh trang, Nhà nước tiết kiệm được nhiều loại chi phí. Mặt khác, với cách làm đề cao yếu tố thân thiện với môi trường của mình, chúng tôi cũng hy vọng các nhà thiết kế, kiến trúc sư khác cũng tham khảo khi thiết kế các công viên, sân chơi khác", Nguyễn Tiêu Quốc Đạt chia sẻ.