Những chuyến xe thổ mộ ở miền Tây Nam Bộ

Tiếng lục lạc trên cổ chú ngựa ô rung lên từng chập, lẫn với tiếng vó ngựa lộc cộc trên đường như một bản hòa tấu rất riêng giữa miền sơn cước. Những âm thanh ấy như đưa tôi về lại thuở xa xưa khi cha ông mang gươm đi mở cõi đất phương nam.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn xe thổ mộ chở hàng thuê ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang.
Đoàn xe thổ mộ chở hàng thuê ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang.

Một số nơi ở miền Tây Nam Bộ hiện vẫn còn sử dụng xe thổ mộ hay còn gọi là xe độc mã (một ngựa kéo) để vận chuyển hàng hóa, chở người dân đi chợ tại những vùng nông thôn như Bảy Núi, tỉnh An Giang. Đặc biệt, tại các khu du lịch, xe thổ mộ còn được dùng chở khách tham quan, tạo nên sự thích thú, mới lạ và ấn tượng trong lòng du khách…

Một thời ngựa xe

Ông Ba Tùng, 81 tuổi, là bậc cao niên ở xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang kể rằng, từ trước và cả sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, xe ngựa vẫn là một trong những phương tiện di chuyển chính ở vùng Bảy Núi. Dẫu là loại xe thô sơ, sử dụng sức kéo của ngựa nhưng lại đáp ứng nhu cầu di chuyển trên địa hình đồi dốc, núi non. Người dân Khmer từ các phum, sóc tận dưới chân núi, thường chất đầy củi khô lên xe rồi đánh thẳng ra chợ đổi gạo, mắm, muối, xong lại ngược đường trở về.

Không ai nhớ chính xác những chiếc xe thổ mộ xuất hiện ở vùng Bảy Núi tự khi nào. Ông Ba Tùng nghe tía (bố) ông kể lại rằng, loại xe này xuất hiện đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ. “Nói hổng chừng, cỡ bảy tám chục năm trước, khi người Pháp đem những chiếc xe ngựa được trang trí đẹp như chiếc kiệu, có hai con ngựa trắng kéo xe, xuất hiện đầu tiên ở Sài Gòn. Xe này chỉ để phục vụ cho mấy bà vợ và các ông quan người Pháp. Dân mình được cái sáng dạ, thấy là học hỏi rất nhanh, rồi mày mò chế tạo ra chiếc xe nhỏ gọn hơn chỉ dùng một con ngựa kéo. Người ta gọi đó là xe thổ mộ hay xe độc mã, xuất hiện nhiều nhất ở miền Đông Nam Bộ và cả Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ”.

Những chiếc xe thổ mộ thì khung đóng bằng gỗ, bên trên có mui cũng bằng gỗ để che nắng che mưa, lại có thể ràng, buộc thêm ít hàng hóa chở giúp bạn hàng xuống chợ. Bánh xe cũng được làm bằng gỗ, ghép từ bốn mảnh gỗ lại thành một vòng tròn, dưới thùng xe có 4 cây nhíp bằng thép để giảm xóc.

Theo nhiều ghi chép, xe thổ mộ thường không quá to, quá dài, vì chỉ có sức một con ngựa kéo. Thùng xe dài độ 1,2 m, rộng chừng 1 m, cao 1m, nếu tính luôn cả gọng ách đến cổ con ngựa thì tổng chiều dài chỉ 2,7 m. Sàn xe đóng phẳng bằng gỗ, trên trải chiếu cho khách ngồi, chứ không có băng ghế. Mỗi chiếc xe thổ mộ chở được nhiều nhất là 10 người, tính cả người đánh xe. Nếu hàng hóa nhiều, người ta có thể ràng, buộc trên nóc mui xe hoặc treo lủng lẳng ở hai bên ô cửa sổ.

Thế nhưng, cỗ xe độc mã ở vùng Bảy Núi lại có nhiều khác biệt. Loại xe chở người, chở hàng hóa hằng ngày ở đây không có mui che nắng. Thùng xe được đóng cao lên ở hai bên và mặt trước, ngay sau đuôi ngựa, để làm chỗ ngồi cho người đánh xe và hành khách. Mỗi khi đến dịp lễ, Tết những chiếc xe được trang hoàng rực rỡ, dựng cả mui xe để chở khách diễu hành, tham quan các điểm, khu du lịch.

“Người ta nói, một thời ngựa xe dập dìu ở cái xứ núi này. Mà cho tới tận bây giờ, vẫn còn xe ngựa. Khi không chở khách như trước thì xe ngựa vẫn được thuê chở củi từ trong rừng, chở rau củ từ trong ruộng rẫy về nhà, ra chợ”, ông Ba Tùng cho biết.

Phương tiện mưu sinh độc đáo

Mỗi lần về Bảy Núi, chúng tôi lại được nghe tiếng vó ngựa rộn ràng trên các tuyến lộ đan, lộ nhựa nông thôn. Chuyện con ngựa và chiếc xe ngựa vốn gắn liền với đời sống của người Khmer vùng Bảy Núi. Bởi thế, ngựa thồ vẫn là phương tiện di chuyển độc đáo ở nơi này. Tại đây có hẳn một bến xe ngựa với khoảng 15 xe tập hợp ở xã Vĩnh Trung, thị xã Tịnh Biên. Đó là chưa kể một số xe ngựa của người dân dùng chở đồ đạc, hàng hóa cá nhân, mà không ra bến chở thuê.

Gần 7 giờ sáng, từ trong các phum sóc Mằng Rò, Srây Skốt, xã Văn Giáo; Vĩnh Hạ, Vĩnh Tây, xã Vĩnh Trung, “nài ngựa” đưa xe tập kết về bến. Khi chưa có khách, ngựa được tháo ách, cột ven đường cho ăn cỏ. Cánh “nài ngựa” tranh thủ ăn sáng, cà-phê trò chuyện rôm rả bằng ngôn ngữ nửa Khmer, nửa tiếng Việt nghe rất vui tai.

Chau Sót, 37 tuổi, một trong những người đánh xe ngựa có “thâm niên” ở đây kể rằng, nhà anh ba đời sống bằng nghề đánh xe ngựa chở mướn khắp vùng. “Hồi trước xe ngựa thịnh hành lắm. Cứ ra ngõ là gặp… xe ngựa. Cũng nhờ con ngựa kéo xe mà cả nhà mình có cơm ăn, hũ gạo không bị cạn”.

Đang trò chuyện, điện thoại Chau Sót rung chuông. Nghe xong, anh hớn hở khoe: “Có khách mở hàng, kêu tui đi chở củi”. Anh giải thích, người dân vùng Bảy Núi vẫn chọn xe ngựa thồ hàng vì giá rẻ hơn xe-ôm, xe máy. “Mỗi chuyến xe ngựa chở đầy hàng hóa nặng cỡ 500 kg, đi quãng đường độ 5 km, giá chỉ 30.000 đồng”, Chau Sót nói vọng lại trước khi thúc ngựa rời đi.

Trong số hàng chục “nài ngựa” ở bến này, Chau Sóc là người ít tuổi nhất. 31 tuổi, đã có thâm niên 15 năm đánh xe ngựa, thu nhập của Chau Sóc đủ nuôi sống cả gia đình. Nhờ khỏe mạnh, nhiệt tình, Chau Sóc thường có nhiều mối chở hàng thuê hay “hợp đồng” chở khách du lịch, đám cưới xuống tận huyện Thoại Sơn, ra thành phố Châu Đốc.

Chau Sóc kể, một đơn vị tổ chức du lịch ở Núi Sập, huyện Thoại Sơn, đến thuê bảy chiếc xe ngựa chở khách. Mỗi xe giá 1,5 triệu đồng, có nhiệm vụ chở khách tham quan khu du lịch lòng hồ núi Sập trong năm ngày. Mọi chi phí ăn, ở, kể cả chăm sóc ngựa đều do bên thuê lo liệu. “Lần đó, tụi mình đánh xe ngựa từ đây xuống tới Núi Sập, mất cả nửa ngày đường. Tới nơi đã thấy hàng trăm khách mua vé xếp hàng chờ đi… xe ngựa. Mỗi ngày mình với con ngựa, chiếc xe phải rảo mấy chục vòng quanh núi, tới tối lại đứng làm cảnh cho khách chụp hình chung với ngựa. Dẫu mệt, mà vui vì mọi người tỏ ra thích thú, yêu mến ngựa lắm”.

Cũng phục vụ xe ngựa chở khách du lịch, ở cù lao Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang có đội xe ngựa lên đến 25 chiếc. Xe ngựa ở đây được làm khung sườn bằng sắt thép, sơn mầu tím, có mui vải che mưa nắng và hai băng ghế ở hai bên cho khách ngồi thoải mái.

Anh Lộc, một trong những người đánh xe ngựa chở khách du lịch ở cù lao Thới Sơn cho biết, ngựa được mua ở vùng Bảy Núi hoặc có khi mua tận Campuchia về. Giá ngựa bây giờ tăng cao, từ 40-50 triệu đồng/con, đóng thêm thùng xe nữa tổng số tiền bỏ ra là 60-70 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi lượt xe chở được tối đa 8 người, với quãng đường khoảng 1,5 km đường cù lao, người đánh xe được nhận 30.000 đồng. “Xe ngựa ở đây tính chuyến, chứ không tính đầu người. Tụi tui chỉ việc sắm xe, đăng ký hoạt động với công ty du lịch thì họ tự đưa khách cho mình chở. Đông nhất là hai ngày cuối tuần, mỗi xe ngựa ở đây chở được hơn 10 chuyến. Cái nghề đánh xe ngựa này kể ra cũng khỏe, có khách tham quan là thu nhập ổn định. Du khách đến đây đều rất thích một lần trải nghiệm đi xe ngựa ngắm vẻ đẹp bình yên của vùng sông nước cù lao”.