Những chuyến xe chở nặng nghĩa tình

Ở Quảng Bình đang lan tỏa nhiều câu chuyện đẹp về sự chung tay của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó câu chuyện người thanh niên 24 tuổi Đặng Minh Trí tình nguyện lái xe cấp cứu hỗ trợ chống dịch ở Bắc Giang rồi TP Hồ Chí Minh và giờ đây ở quê nhà Quảng Bình, là một thí dụ điển hình.

Anh Đặng Minh Trí trao quà từ thiện cho người khó khăn ở thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Đặng Minh Trí trao quà từ thiện cho người khó khăn ở thành phố Hồ Chí Minh.

Không chỉ Trí mà cả bố của anh, giám đốc doanh nghiệp đang cùng con trai xuyên ngày, đêm trên những cung đường ở quê hương để chở các ca F0, F1 đi điều trị, cách ly chống dịch.

Đặng Minh Trí có dáng gầy nhưng nhanh nhẹn, ánh mắt cương nghị rắn rỏi khiến những ai từng gặp đều thấy ấm lòng. Anh nhiệt tình, không nề hà bất cứ việc gì liên quan đến vận chuyển người nhiễm Covid-19 khi được giao hoặc nhận chở miễn phí tất cả những người bệnh khác ngoài giờ làm việc. Nhiều người được anh giúp đỡ gọi những chuyến xe anh lái là chuyến xe chở nghĩa tình trong mùa đại dịch.

Từ Bắc Giang đến TP Hồ Chí Minh

Đặng Minh Trí quê ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) không phải là một nhân viên y tế mà chỉ là lái xe của Công ty gia đình chuyên vận chuyển cấp cứu tại TP Đồng Hới. Hồi tháng 5, khi nghe tin tỉnh Bắc Giang bùng phát dịch Covid-19 và đáp lại lời kêu gọi hỗ trợ của tỉnh này, Trí xin phép gia đình đưa xe cấp cứu ra giúp đỡ tỉnh Bắc Giang. Ban đầu, bố mẹ Trí chưa đồng ý vì sợ Trí đi làm công việc có nguy cơ bị dịch bệnh lây nhiễm, lại ở nơi xa lạ đường. Nhưng thấy sự quyết tâm rất lớn của con trai, ông Đặng Tri Thông đồng ý cho Trí đi làm thiện nguyện.

Một ngày giữa tháng 5, sau khi chuẩn bị đầy đủ cho mình những vật dụng y tế cần thiết, ít đồ ăn khô cùng vài bộ quần áo, Trí lái chiếc xe cấp cứu của mình vượt gần 600 km ra hỗ trợ vùng dịch Bắc Giang. Đó là những ngày Bắc Giang đang là tâm dịch của cả nước. Đặng Minh Trí được nhận vào trợ giúp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang trong việc vận chuyển F0 đi điều trị.

Suốt 2 tháng ở vùng dịch Bắc Giang, Trí đã hỗ trợ ngành y tế tỉnh này thực hiện hàng trăm chuyến xe chở các ca nhiễm, nghi nhiễm đi đến các khu điều trị. Dấu chân của Trí đã đặt lên nhiều vùng đất của quê hương đặc sản vải thiều với những kỷ niệm khó quên. Mến yêu miền đất này, Trí đã nhận Bắc Giang làm quê hương thứ 2 của mình. Khi tình hình dịch tại Bắc Giang được kiểm soát, Trí mới về lại Quảng Bình. Vừa thực hiện xong 14 ngày cách ly và 2 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính, Trí lại tiếp tục xin Sở Y tế Quảng Bình cho phép vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch. Lần này, ông Đặng Tri Thông, bố của Trí đi cùng con trai. Cuối tháng 7/2021, đoàn cán bộ y tế của tỉnh Quảng Bình lên đường vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch. Đoàn đi trên một chiếc xe giường nằm. Ngay sau là chiếc xe cấp cứu 115 mang biển số Quảng Bình của bố con Đặng Minh Trí cũng hướng vào nam.

Đặng Minh Trí tâm sự: “Em xác định vào TP Hồ Chí Minh khi dịch Covid-19 đang căng thẳng thế này là sẽ ở lại dài ngày, hết dịch mới về. Trong khi đó, chiếc xe cấp cứu 115 là tài sản của công ty và nguồn thu của gia đình nên em hơi ngại. Nhưng khi nghe em trình bày thì bố bảo rằng, thời điểm này hỗ trợ chống dịch quan trọng hơn việc chạy dịch vụ kiếm tiền. Thế rồi bố thu xếp công việc đi cùng em”. Sáng 29/7, hai bố con Trí cùng đoàn y sĩ, bác sĩ Quảng Bình vào đến TP Hồ Chí Minh.

Đến nơi, bố con họ được giao thêm một chiếc xe 16 chỗ và phân công hỗ trợ quận 10 vận chuyển các y sĩ, bác sĩ  tình nguyện của tỉnh Thái Bình đến bệnh viện dã chiến làm việc, rồi chở vật tư y tế cũng như chở các ca F0, F1 đi chữa trị và cách ly. Những ngày đầu từ Quảng Bình vào chưa quen đường nhưng dần dần, bố con Trí thông thuộc nên việc đi lại nhanh hơn.

Minh Trí chia sẻ, vào tâm dịch không phải Trí không lo nhưng nhờ đã được tiêm vắc-xin, có các trang phục bảo hộ cẩn thận, lại nhận được rất nhiều lời động viên cổ vũ từ gia đình, người yêu và bạn bè, cộng đồng như tiếp thêm sức mạnh giúp chàng trai trẻ này xông xáo hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Trí thấy việc bố con anh làm càng được trân trọng và có ý nghĩa hơn.

Trí kể, trong một đêm khuya mưa gió ở TP Hồ Chí Minh, khi 2 bố con em đang đi phát quà từ thiện thì nhận được thông tin, có cháu bé ở Bệnh viện Nhi đồng 2 qua đời từ trưa mà đến tối gia đình vẫn chưa tìm được xe để đưa về quê Long An mai táng. Ngay lập tức, 2 bố con Trí dừng việc phát quà, kết nối thông tin ngay với người nhà nạn nhân, một lúc sau, bố con anh đã có mặt tại bệnh viện để đưa ông ngoại cùng quan tài bé gái xấu số chạy giữa màn mưa về Long An. Lái xe xuyên đêm trên tuyến đường chưa quen, tuy mệt nhưng lòng Trí thấy thanh thản vì đưa được cháu về với quê hương. Ngay sau đó, 2 bố con Trí quay xe lại TP Hồ Chí Minh thì trời vừa rạng sáng, họ về nơi ở thay trang phục, chuẩn bị cho ngày làm việc mới. 

 Về quê nhưng không về nhà

Công việc hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh của bố con Đặng Minh Trí đang diễn ra hết sức tích cực thì cuối tháng 8 vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát tại Quảng Bình. Bố con Trí quyết định dừng công việc hỗ trợ chống dịch ở phía nam để về quê hương chung tay dập dịch. Lưu luyến chia tay TP Hồ Chí Minh, trên trang cá nhân của mình, Trí viết: “Mặc dù chưa hỗ trợ được gì nhiều cho TP Hồ Chí Minh nhưng tôi đã sống một cách trọn vẹn, hết mình trong những ngày qua.

Với tinh thần hỗ trợ, quyết tâm đồng hành cùng thành phố đến lúc hết dịch mới về nhưng hôm qua biết được tin tỉnh nhà bùng phát dịch phức tạp, dẫu sao tôi vẫn là một người con Quảng Bình, tôi phải quay về để phục vụ bà con quê tôi. Nên lần này tôi xin nợ TP Hồ Chí Minh một lời xin lỗi. Mong mọi người hiểu cho. Luôn yêu và nhớ mãi”.

Về lại Quảng Bình, bố con Trí được bổ sung vào đội vận chuyển các ca F0, F1 dưới sự điều hành của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình. Ông Đặng Tri Thông lái chiếc xe cấp cứu của gia đình, còn Trí được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Quảng Bình giao cho một chiếc xe khác để chuyên chở người bệnh và người nghi nhiễm đi cấp cứu, điều trị. Về làm việc ở cạnh nhà, nhưng mọi công việc và cả nơi nghỉ ngơi, ăn uống của 2 bố con đều do cơ quan chức năng lo liệu, họ không về nhà để bảo đảm an toàn cho gia đình và cộng đồng.

Nhà Trí có 4 người, chị gái sống ở Đà Nẵng, 2 bố con em thì tình nguyện hỗ trợ chống dịch xuyên Việt còn mẹ em ở nhà dõi theo, ủng hộ hết lòng công việc từ thiện của chồng, con. Đặng Minh Trí tâm sự: “Ba em vốn làm nghề kế toán, ông về nghỉ chế độ rồi hùn vốn với bạn lập doanh nghiệp vận chuyển cấp cứu. Ông làm giám đốc nhưng có khi thời gian cầm vô-lăng nhiều hơn ngồi ở bàn giấy. Làm dịch vụ cấp cứu nhưng khi gặp những trường hợp khó khăn, ba không lấy tiền người bệnh.

Giữa mùa dịch, 2 xe cấp cứu của cha con em chạy liên tục, ngoài lúc vận chuyển người bệnh Covid-19 theo sự điều hành thì lúc rỗi, ba lấy xe gia đình chở miễn phí người bệnh ở TP Đồng Hới. Mấy hôm trước, ca bệnh F0 ở Quảng Bình tăng cao nên em và ba chạy xuyên đêm đưa, đón bệnh nhân vào bệnh viện điều trị. Thương nhất là các xã ven biển vốn bình yên thì nay bị dịch bệnh hoành hành. Người lớn lo lắng đã đành nhưng các em nhỏ thì chưa biết gì nên khi xe cấp cứu đến tận nhà đón đi, hớn hở mặc bộ bảo hộ rộng thùng thình để lên xe chú chở đi”.

Chia sẻ việc làm đầy tình nghĩa của bố con Đặng Minh Trí, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Quảng Bình đánh giá rất cao công việc hỗ trợ tự nguyện của họ. Nhờ đó, đơn vị có thêm lực lượng, phương tiện để chống dịch. Tấm lòng nghĩa hiệp của bố con Đặng Minh Trí đã lan tỏa trong cộng đồng trong việc chung tay phòng, chống dịch đang có những chuyển biến rất tích cực ở Quảng Bình. Với Trí, anh tâm niệm “làm tình nguyện không phải đem xe đi chạy kiếm tiền mà tình nguyện để tìm hạnh phúc, lấy trải nghiệm, lấy niềm vui và để tạo phước đức cho bản thân”.

Bài và ảnh: Hương Giang