Những chuyện chưa kể về khai quật Hoàng thành Thăng Long

NDO -

NDĐT – Câu chuyện về cuộc khai quật lịch sử ở Hoàng thành Thăng Long đã được các nhà khảo cổ kể lại với những cảm xúc còn nguyên vẹn như họ vừa trải qua hôm trước. Từ sự sững sờ trước một dải gạch thời Lý còn nguyên vẹn, một chân, hay đầu phượng thời Lý còn khá nhiều nét nguyên vẹn, cho đến những cảm xúc lẫn lộn khi đào lên được một ngôi mộ tập thể với những di cốt bị trói gập vào nhau…

Các nhà khảo cổ chia sẻ về cuộc khai quật.
Các nhà khảo cổ chia sẻ về cuộc khai quật.

Cuộc hội thảo mang tên “Lịch sử phát lộ Hoàng Thành Thăng Long” do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace cùng Trường Viễn Đông Bác cổ (École française d'Extrême-Orient – EFEO) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp (1973-2018) và 25 năm thành lập Trung tâm Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội (1993-2018), với sự tham gia của các diễn giả : GS, TS Andrew Hardy, nhà sử học, trưởng đại diện EFEO ; TS Nguyễn Gia Đối, nhà khảo cổ học, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học; PGS, TS Tống Trung Tín, nhà khảo cổ học, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học và phụ trách dự án khai quật Hoàng thành Thăng Long; TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học), thành viên nhóm các nhà khảo cổ học tiến hành cuộc khai quật.

Cuộc hội thảo được tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long. Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội”, do NXB Thế giới, EFEO (trung tâm tại Hà Nội) và Viện Khảo cổ học xuất bản vào tháng 12- 2018.

Tháng 12-2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích gần 20 nghìn m2 tại Trung tâm Ba Đình, Hà Nội. Cuộc khai quật này đã trở thành khai quật khảo cổ học thế kỷ với việc phát hiện những dấu vết lịch sử của Hoàng thành Thăng Long trải dài 13 thế kỷ và những tầng văn hóa chồng lên nhau.

Những chuyện chưa kể về khai quật Hoàng thành Thăng Long ảnh 1

Hình ảnh một chiếc giếng cổ tại Hoàng thành Thăng Long còn nguyên vẹn trong cuốn sách.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện được rất nhiều dấu vết kiến trúc độc đáo, cùng hàng triệu hiện vật, giúp hậu thế phần nào tái hiện được lịch sử Thăng Long trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945).

Cuộc khai quật đến bây giờ vẫn tiếp tục ở những khu vực khác nhau theo từng đợt trong năm. Suốt 16 năm, các nhà khảo cổ đã sống với cái nóng, lạnh của thời tiết và dần dần bóc tách từng lớp, từng lớp dữ liệu quý giá của lịch sử. PGS, TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện khảo cổ học đã gọi đây là "cuộc khai quật thế kỷ" với thời gian kéo dài và một khối lượng vô cùng lớn các hiện vật, dấu tích. Ông cho biết, khi bắt tay vào thực hiện, đích thân GS Trần Quốc Vượng đã xem ngày để bổ nhát cuốc đầu tiên khai quật khu di tích này. GS nói: "Mình tìm về với cội nguồn thì tổ tiên sẽ phù hộ cho mọi việc êm xuôi thôi".

Nhà khảo cổ học, TS Nguyễn Tiến Đông chia sẻ: “Hồi đó, không dễ gì có thể đào được ở khu vực này, vì đã có rất nhiều công trình phủ lên trên: cơ quan, nhà dân, đường sá, các hệ thống cấp thoát nước… Năm đầu tiên chúng tôi đào khảo sát khu vực này vào mùa đông, rất khổ cực: trời rét căm căm, nước lõng bõng trong các hố đào, bùn lầy đất cát bẩn thỉu. Nhưng sau đó, những di tích đầu tiên đã bắt đầu “bật lên”. Khi đó, nước ngập hết, chúng tôi phải mò tay trong nước để lần từng dấu vết. Tôi đã sững người mất một lúc lâu khi sờ thấy vết tích của dải gạch nền bên cạnh một trụ đá”.

Nhà khảo cổ kể lại: “Hồi đó, chúng tôi phải sử dụng võ “sói gửi chân”, “câu giờ” cho các nhà khảo cổ học đi đàm phán để tiếp tục khai quật. Những người thợ xây dựng công trình cứ ngồi chờ phía sau các hố đào và giục chúng tôi làm nhanh để họ thi công, còn chúng tôi thì chậm rãi ngồi dùng chổi lông quét bụi từng hiện vật, và ngắm nghía, nghiên cứu kỹ các hiện vật để kéo dài thời gian”.

PGS, TS Tống Trung Tín cho biết: “ Trên bìa của cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long. Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội” là bức ảnh chụp đầu phượng hoàng khi mới phát lộ. Khi đó, anh em công nhân mới cuốc được vài nhát đã thấy lộ ra con mắt, tôi nhận ra đó có thể là một di vật rất quý, bèn bảo anh em ngừng cuốc, mà đào từ từ cho khỏi vỡ, và vài ngày sau thì chiếc đầu phượng đã lộ diện hoàn toàn”.

GS cho biết, tại công trường khai quật khu di tích, vào lúc cao điểm lên tới 120 cán bộ, nhân viên và khoảng 1.000 công nhân. Điều đáng nhớ nhất là rất nhiều hiện vật quý, dấu tích quý lưu giữ những thông tin, có giá trị cao về lịch sử của các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã được tìm thấy: như một chân tảng dá hoa sen còn nguyên vẹn đúng tại vị trí của nó, bên cạnh một nền gạch thời Lý, vỉa gạch hoa chanh thời Trần, các dấu tích trụ móng, nền nhà, ống nước, cột cháy, chân tảng… GS cho biết, bên dưới các tầng văn hóa Lý, Trần, Lê, Nguyễn là cả một tầng văn hóa Đại La, nhưng hiện nay nằm quá sâu và dưới nhiều lớp nên không làm rõ được.

GS, PTS Tống Trung Tín cho biết: “Hiện nay chúng ta mới chỉ khai quật được khoảng 6% khu di tích Hoàng thành Thăng Long, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta mới hiểu được 6% nơi này”. Tuy nhiên, những gì thấy được cho đến nay đã phần nào giúp các nhà khảo cổ có được cái nhìn tương đối về Thăng Long xưa, như cấu trúc của khu vực, hiểu được những cấu trúc quan trọng như nhà bát giác là cung điện Thiên Khánh thời Lý, với bố cục đăng đối, rất đẹp, một số cung điện, cửa thành…

Cuốn sách “Phát lộ di tích Hoàng Thành Thăng Long. Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội” không chỉ kể lại những câu chuyện của các nhà khảo cổ chung quanh di tích, mà còn cung cấp cho người đọc rất nhiều điều chưa biết về lịch sử qua những mảnh di vật còn lại….