Những chuyển biến tích cực trong đổi mới giáo dục, đào tạo ở Hưng Yên

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Đổi mới phương thức dạy và học ở Trường tiểu học và THCS xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Đổi mới phương thức dạy và học ở Trường tiểu học và THCS xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Trong giai đoạn 2013-2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm của tỉnh Hưng Yên đạt từ 91,87% đến 99,81%; có 7 học sinh đạt giải nhất, 73 học sinh đạt giải nhì, 169 học sinh đạt giải ba và 176 học sinh đạt giải khuyến khích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 80,84% trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn trở lên ở bậc mầm non đạt 95,42%, tiểu học 79,4%, trung học cơ sở 85,1%; trung học phổ thông là 100 %.

Phương pháp giảng dạy có thay đổi, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học được tiếp tục đầu tư theo hướng chuẩn hóa… Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm đến nay đạt hơn 68%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 28,5%, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Hiện nay, phần lớn giáo viên ở các trường học trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã thực hiện nhuần nhuyễn ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tối đa hiệu quả của sách giáo khoa và các học liệu điện tử trong mỗi giờ học, góp phần quan trọng trong việc triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Bình Kiều, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Loan, cho biết: Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới một cách hiệu quả, các giáo viên không ngừng nỗ lực học hỏi, đổi mới phương pháp dạy học. Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, giáo viên phải là người tạo cảm hứng cho học sinh trong mỗi giờ lên lớp.

Sự tương tác giữa cô, trò, giữa bạn học với nhau thông qua hoạt động nhóm sẽ tạo điều kiện để các em phát huy hiểu biết của mình đối với bài học.

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết 29-NQ/TW vào điều kiện thực tiễn của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Chương trình phát triển giáo dục đào tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, Nghị quyết số 12-NQ/TU về Chương trình phát triển giáo dục đào tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Những chuyển biến tích cực trong đổi mới giáo dục, đào tạo ở Hưng Yên ảnh 1

Nâng cao mức độ tương tác trong lớp học tạo điều kiện để các em học sinh phát huy khả năng.

Trong đó, Nghị quyết số 12-NQ/TU tiếp tục đề ra mục tiêu giáo dục đào tạo Hưng Yên được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, thể chất, thẩm mỹ, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và công nghệ nhằm phát triển con người toàn diện, nâng cao dân trí góp phần tăng cường nội lực làm tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.

Việc triển khai và đưa các nghị quyết về giáo dục, đào tạo vào cuộc sống đã tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hưng Yên tạo ra bước phát triển khá toàn diện. Các hình thức tổ chức dạy học được vận dụng linh hoạt một cách phong phú và đa dạng phù hợp với từng bậc học.

Ở bậc mầm non, các trường học đã triển khai hiệu quả các chuyên đề: Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; phương pháp STEAM, Montessori...

Ở bậc phổ thông, các nhà trường chú trọng phát triển chương trình gắn với vận dụng một số hình thức, phương pháp dạy học tiên tiến, tích hợp, đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, đặc biệt là tăng cường thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Từ đó, học sinh dần hình thành lối tư duy độc lập, phát huy tính sáng tạo, mở rộng môi trường giao lưu, học tập.

Em Nguyễn Hương Giang, học sinh Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải, huyện Khoái Châu chia sẻ: Những giờ học kết nối đã trở nên cuốn hút, hấp dẫn hơn qua hoạt động tương tác với bạn bè trên khắp các vùng miền, nước ngoài qua ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó, giúp chúng em hiểu biết thêm nhiều kiến thức, có cơ hội quảng bá hình ảnh quê hương và rèn luyện kỹ năng giao tiếp với mọi người.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đã tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; xây dựng nền giáo dục mở, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; đồng thời làm thay đổi thái độ, động cơ học tập của người học, hướng đến học thật, thi thật, học để có kiến thức, năng lực thực hành trong thực tế ở tỉnh Hưng Yên.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quán triệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Đổi mới công tác quản lý, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; rà soát và từng bước sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ bảo đảm hợp lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và chương trình sách giáo khoa phổ thông mới.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ giáo viên, nhất là bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học để ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong giảng dạy đáp ứng yêu cầu quản lý và giảng dạy trong tình hình mới. Quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo dạy nghề theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tiếp tục phát triển các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài giúp học sinh, sinh viên nghèo học giỏi; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có uy tín thành lập, liên doanh, liên kết đầu tư cơ sở vật chất, liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các trường, các cơ sở giáo dục ở các ngành học, cấp học…