Hưng Yên phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển nhanh và bền vững

Những năm qua, nền kinh tế của tỉnh Hưng Yên luôn duy trì mức tăng trưởng khá, nhờ nhiều giải pháp mang tính đột phá về phát triển kinh tế-xã hội. Hưng Yên đang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển nhanh, bền vững. Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên về những thành tựu nổi bật, bài học kinh nghiệm của tỉnh thời gian qua và những nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối nhiệm kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa thăm dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Texco.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa thăm dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Texco.

Phóng viên: Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 19, kinh tế, xã hội của tỉnh đã có những bước phát triển mới. Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của tỉnh trong nửa nhiệm kỳ qua?

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa: Thực hiện mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 19, ngay từ đầu nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã khẩn trương, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện ba khâu đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; ban hành 37 nghị quyết, 46 chỉ thị, 676 kết luận, 36 chương trình, năm phương án, hai đề án... và các kế hoạch đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm chính trị cao, trong nửa nhiệm kỳ qua, Hưng Yên đạt được nhiều thành quả quan trọng, toàn diện. Đến nay, về cơ bản 19 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, bảo vệ môi trường đã đạt, đạt vượt mức Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Kinh tế phục hồi và phát triển nhanh, tăng trưởng khá. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 9,81%/năm (mục tiêu đại hội từ 7,5%-8%). Thu ngân sách trên địa bàn tăng nhanh, năm 2022 đạt 51.400 tỷ đồng, năm 2023 ước đạt 33.100 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 93 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu năm 2025 tất cả 139 xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm chính trị cao, trong nửa nhiệm kỳ qua, Hưng Yên đạt được nhiều thành quả quan trọng, toàn diện. Đến nay, về cơ bản 19 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, bảo vệ môi trường đã đạt, đạt vượt mức Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên

Kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại, có tính lan tỏa, kết nối vùng, liên vùng với nhiều dự án, công trình trọng điểm như: Tuyến đường nối hai đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình giai đoạn 2 và đường bên; Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên… Tỉnh đang triển khai đầu tư các dự án: Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội; tuyến đường kết nối di sản văn hóa, du lịch-phát triển kinh tế dọc sông Hồng; đường Tân Phúc-Võng Phan... Tỉnh đã xây mới và cải tạo, nâng cấp khoảng 700 km đường cấp huyện, xã, thôn, xóm nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong tỉnh.

Công tác cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, đồng bộ góp phần tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Hưng Yên xếp thứ 14 trong số 63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 11; Chỉ số Cải cách hành chính xếp thứ 12; Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước xếp thứ sáu.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác giải phóng mặt bằng đạt nhiều kết quả tích cực, khoảng 2.920 ha đất đã được bàn giao cho các chủ đầu tư triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Đây là diện tích mặt bằng được giải phóng lớn nhất từ trước đến nay, nhất là trong khoảng thời gian tháng 6/2022-6/2023.

Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp được tỉnh quan tâm, chú trọng. Trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2023, tỉnh Hưng Yên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thêm sáu khu công nghiệp và chấp thuận bổ sung hai khu công nghiệp vào Quy hoạch các khu công nghiệp Việt Nam; đưa tổng số khu công nghiệp của tỉnh lên 17 khu công nghiệp với diện tích 4.395 ha. Tỉnh đã thành lập 26 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.256 ha, đã khởi công xây dựng ba cụm công nghiệp, đang tập trung giải phóng mặt bằng tám cụm công nghiệp và triển khai thủ tục đầu tư các cụm công nghiệp khác.

Nhìn chung, nhờ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách tăng mạnh và tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh Hưng Yên đã thu hút được nguồn lực rất lớn cho phát triển trong giai đoạn 2021-2023. Đến tháng 10/2023, Hưng Yên có thêm 230 dự án đầu tư mới, nâng tổng số dự án còn hiệu lực lên 2.182 dự án với tổng số vốn đăng ký 323 nghìn tỷ đồng và 6,76 tỷ USD, trong đó có 1.485 dự án đã đi vào hoạt động. Công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được tỉnh quan tâm thực hiện. Năm 2023, tỉnh có 683 hộ nghèo, 139 hộ nạn nhân chất độc da cam được phê duyệt hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 0,9% và mục tiêu mà tỉnh hướng đến là vào cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%.

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, cũng như phát triển kinh tế-xã hội của Hưng Yên trong nửa nhiệm kỳ qua?

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa: Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 19 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã phân tích rõ kết quả, một số bài học, kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Trong đó, đổi mới, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của địa phương; lấy đổi mới tư duy chiến lược và tầm nhìn, đổi mới cách làm là khâu đột phá để có các quyết sách lớn, tạo không gian và động lực phát triển vượt trội; bảo đảm vai trò và không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nhất là Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; giữ vững nguyên tắc tổ chức và kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh của Đảng; củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ.

Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả, đồng thời linh hoạt trong xử lý công việc và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, điều hành linh hoạt phát triển nhanh và toàn diện các lĩnh vực; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần các tầng lớp nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế-xã hội với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Quán triệt quan điểm mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ thực tiễn khách quan; lấy kết quả làm thước đo hiệu quả lãnh đạo, quản lý; khẳng định quan điểm “Dân là gốc”, người dân là trung tâm phục vụ và bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân…

Phóng viên: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 19 đề ra, đề nghị đồng chí cho biết những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhất là các giải pháp mang tính đột phá của Tỉnh ủy Hưng Yên trong những năm tới?

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa: Bước vào nửa cuối nhiệm kỳ 2023-2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên kế thừa, phát huy những thành quả đạt được; đồng thời quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Hưng Yên, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên sẽ triển khai quyết liệt hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các đề án, chương trình cụ thể hóa ba đột phá chiến lược là quy hoạch, cải thiện môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực; phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế-xã hội, trọng tâm là giao thông; công tác cán bộ và chất lượng nguồn nhân lực.

Triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả phù hợp với xu hướng phát triển, nhất là tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông.

Triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả phù hợp với xu hướng phát triển, nhất là tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông.

Đồng chí Nguyễn Hưu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên

Đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị, triển khai các dự án đô thị theo quy hoạch, nhất là các dự án khu đô thị lớn, sinh thái, thông minh, hiện đại gắn với quy hoạch hệ thống giao thông. Phát triển các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp.

Đổi mới phương thức phát triển công nghiệp từ chiều rộng sang chú trọng tăng trưởng theo chiều sâu, từng bước cơ cấu lại các ngành công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Tập trung triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong quy hoạch gắn với phát triển hệ sinh thái công nghiệp, trọng tâm là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư và hình thành hệ sinh thái sống hoàn chỉnh gắn với các khu đô thị mới, khu nhà ở, cơ sở y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí…

Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; theo hướng “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trên nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững dựa trên cơ sở kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế nhanh-xây dựng xã hội hài hòa-bảo vệ môi trường sinh thái.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!