Những câu chuyện cảm động về hành trình mang thai hộ

NDO - Bệnh viện Trung ương Huế đã làm xong 20 hồ sơ thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp mang thai hộ và đã thực hiện được 18 ca, trong đó có 13 ca thực hiện thành công, đón 16 em bé chào đời.
0:00 / 0:00
0:00
Em bé đầu tiên chào đời nhờ mang thai hộ. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Em bé đầu tiên chào đời nhờ mang thai hộ. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Những câu chuyện nhân văn

Mắc ung thư nội mạc tử cung, chị N.T.T (Đà Nẵng) tưởng chừng đã mất cơ hội được làm mẹ khi được chỉ định cắt toàn bộ tử cung. Trước khi phẫu thuật tử cung để trị liệu hóa chất, chị được bác sĩ tư vấn lấy trứng và trữ phôi.

Sau khi điều trị ung thư ổn định, khao khát có con vẫn luôn là nỗi đau đáu với người phụ nữ trẻ. Khi đó, em gái chị rất thấu hiểu nỗi lòng của chị, sẵn sàng mang thai hộ chị.

Được sự chấp thuận của chồng và gia đình chồng, người em gái này đã cùng chị T. đến Bệnh viện Trung ương Huế làm các thủ tục mang thai hộ. Hành trình 9 tháng 10 ngày đầy hồi hộp, cuối cùng chị T. cũng đón chào được 2 bé trai kháu khỉnh chào đời.

Là 1 trong 7 bệnh viện trên cả nước được cấp phép thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp mang thai hộ, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Trung ương Huế đón nhiều em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động được ghi lại tại trung tâm này như trường hợp chị chồng mang thai hộ em dâu. Vợ chồng quân nhân N.T.T ở Khánh Hòa , kết hôn từ trẻ nhưng lần mang thai đầu tiên không may người vợ bị tai biến sản khoa, vỡ tử cung trong thai kỳ. Kết quả, con mất, mẹ phải cắt tử cung, chị không còn khả năng mang thai tiếp.

Người chị gái của chồng gần 40 tuổi, đã sinh đủ con, vì thương vợ chồng em trai có thể phải sống cô quạnh cả đời đã lặn lội bế theo con út của mình từ miền bắc vào Khánh Hoà, vừa nuôi con, vừa mang thai hộ giúp vợ chồng em trai.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Trung ương Huế kể lại, ban đầu, gia đình chồng của người mang thai hộ phản đối rất mạnh, nhưng sau nhiều lần thuyết phục, đứng trước tình thân ruột thịt nên gia đình chồng đã đồng ý.

Quá trình mang thai hộ của gia đình này rất vất vả. Ở lần chuyển phôi thành công, chị mang song thai nhưng chỉ được vài tháng, chị bị sảy. Vài tháng sau, họ phấn đấu thực hiện tiếp. Bằng sự hy sinh lớn lao, chị gái chồng đã sinh được 2 em bé khỏe mạnh cho cặp vợ chồng quân nhân. Hiện nay, 2 cô con gái đã vào lớp 1.

Trường hợp đầu tiên được Hội đồng chuyên môn, khoa học duyệt về mặt chuyên môn, pháp lý tại Bệnh viện Trung ương Huế xét duyệt cho mang thai hộ là một phụ nữ 35 tuổi ở thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế do tử cung đã bị cắt, không thể tự mang thai. Người nhà của người phụ nữ này đã tình nguyện mang thai hộ và sinh bé gái nặng 3,5kg vào ngày 28/7/2016 bằng phương pháp sinh mổ.

Quy định mang thai hộ rất chặt chẽ

Theo bác sĩ Lê Việt Hùng, hiện nay có rất nhiều phụ nữ có nhu cầu nhờ người mang thai hộ. Tuy nhiên, Việt Nam quy định chặt chẽ, chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nghiêm cấm vì thương mại.

"Người mang thai hộ phải có quan hệ huyết thống như chị em gái ruột của vợ hoặc chồng, đáp ứng đủ yêu cầu của quy định pháp luật và việc tìm kiếm người có thể mang thai hộ rất khó", bác sĩ Hùng chia sẻ.

Về mặt quy định, có 2 yêu cầu đặt ra với phụ nữ có thể nhờ người mang thai một. Một là, người nhờ mang thai hộ phải là người không có tử cung (có thể vì dị tật bẩm sinh, hoặc do bị cắt tử cung do tai biến, các bệnh lý u xơ tử cung nặng không mang thai được).

Hai là, người phụ nữ có tử cung bình thường nhưng mắc bệnh lý nặng (như huyết áp cao nặng, suy thận, suy tim... bệnh nặng lên khi mang thai).

Đến nay đã có 6 em bé chào đời tại Bệnh viện Trung ương Huế nhờ mang thai hộ, trong đó có 3 cặp sinh đôi kháu khỉnh.

Vì quy định chặt chẽ nên tuy nhu cầu mang thai hộ nhiều, nhưng nhiều trường hợp đến bệnh viện đều không đủ các yếu tố quy định nên không được xét duyệt.

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), Việt Nam cấp phép thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp mang thai hộ cho 7 cơ sở gồm 4 bệnh viện công lập (Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Trung ương Huế, Hùng Vương và Từ Dũ) và 3 bệnh viện tư nhân.

Đầu năm 2016, Việt Nam đón em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp mang thai hộ. Sau gần 7 năm, có rất nhiều em bé mang thai hộ chào đời khỏe mạnh. Để thực hiện mang thai hộ, các trường hợp phải chuẩn bị ít nhất 12 loại giấy tờ cần thiết.

So với Hàn Quốc và các nước Bắc Âu, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam chủ động trữ trứng còn rất thấp trong khi phụ nữ sau tuổi 35, chất lượng trứng đã không còn tốt.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế hiện chưa tiếp nhận trường hợp nào trữ trứng về vấn đề tuổi tác mà chỉ trữ trứng để bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân ung thư.

"Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán mắc ung thư (vú, tử cung) rất chới với. Sau khi kết thúc quá trình điều trị, nếu sống sau 5 năm, họ mới trở lại để điều trị có con, lúc này chất lượng trứng đã đi xuống. Do đó, trước khi điều trị, chúng tôi thường tư vấn cho bệnh nhân lấy trứng và trữ trứng (người chưa có gia đình) hoặc lấy trứng và trữ phôi (người đã có gia đình)", bác sĩ Hùng nói.