Em bé đầu tiên chào đời từ ca mang thai hộ tại Bệnh viện T.Ư Huế

NDO -

NDĐT- Trưa ngày 28-7, GS-TS- Bác sĩ Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, một bé gái từ ca mang thai hộ đầu tiên vừa chào đời lúc 8 giờ 10 phút sáng 28-7 tại Khoa Phụ sản - Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế (Bệnh viện T.Ư Huế).

Ê-kíp các y - bác sĩ tại Bệnh viện T.Ư Huế thực hiện thành công ca mang thai hộ đầu tiên và cháu bé chào đời lúc 8 giờ 10 phút sáng nay, 28-7 (ảnh do GS Bùi Đức Phú cung cấp).
Ê-kíp các y - bác sĩ tại Bệnh viện T.Ư Huế thực hiện thành công ca mang thai hộ đầu tiên và cháu bé chào đời lúc 8 giờ 10 phút sáng nay, 28-7 (ảnh do GS Bùi Đức Phú cung cấp).

Đây là một trong ba trường hợp mang thai hộ đầu tiên được Bệnh viện T.Ư Huế thực hiện thành công trong tổng số trên mười trường hợp mang thai hộ mà bệnh viện đã tiếp nhận.

Trường hợp mang thai hộ đầu tiên đã sinh con thành công là vợ chồng anh, chị: Lê Thanh Ân (sinh năm 1982) và Nguyễn Thị Thuần (sinh năm 1981), trú ở tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế). Bé gái nặng 3,5kg vừa chào tại Bệnh viện T.Ư Huế đã đem lại niềm hạnh phúc vô bờ cho vợ chồng chị Thuần và anh Ân, đánh dấu việc triển khai thành công thêm một kỹ thuật mới là thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) - mang thai hộ ở Bệnh viện T.Ư Huế.

GS-TS- BS Bùi Đức Phú cho biết: hai vợ chồng anh Ân, chị Thuần lập gia đình từ năm 2008, vợ bị u xơ tử cung lớn và có biến chứng nặng phải cắt tử cung nên không thể tự mang thai. Trường hợp này đã được thực hiện thành công kỹ thuật TTTON - mang thai hộ ở Bệnh viện T.Ư Huế. Kỹ thuật TTTON được Bệnh viện T.Ư Huế triển khai thực hiện thành công từ tháng 11-2007 đến nay, và đã có gần 1.000 em bé ra đời nhờ phương pháp TTTON ở bệnh viện này.

Theo GS Bùi Đức Phú, Bệnh viện T.Ư Huế là một trong ba bệnh viện trên cả nước được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Kỹ thuật mang thai hộ chỉ có thể được thực hiện thông qua kỹ thuật TTTON. Người vợ trong cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ mang thai hộ sẽ được kích thích buồng trứng, theo dõi và chọc hút noãn. Noãn sẽ được thụ tinh với tinh trùng người chồng để tạo phôi. Phôi có thể được chuyển ngay vào tử cung người mang thai hộ đã được chuẩn bị bằng nội tiết hoặc phôi sẽ được đông lạnh và sẽ được rã đông và cấy vào tử cung người mang thai hộ vào thời điểm thích hợp. Người chồng trong cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải đảm bảo có đủ tinh trùng để TTTON và người vợ phải có dự trữ buồng trứng đủ để cho việc thực hiện TTTON.

Hầu hết các nguyên nhân vô sinh đều có thể được giải quyết thông qua việc áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đạị là kỹ thuật TTTON và các kỹ thuật liên quan. Tuy nhiên, một số cặp vợ chồng có hoàn cảnh hết sức đặc biệt chỉ có thể có con nhờ biện pháp mang thai hộ.

GS Bùi Đức Phú cho biết thêm, trước đây, kỹ thuật mang thai hộ bị cấm thực hiện ở Việt Nam theo Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Các cặp vợ chồng có chỉ định mang hộ không thể có con vĩnh viễn. Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 cho phép thực hiện mang thai hộ ở Việt Nam (bắt đàu từ năm 2015) là một quyết đinh hết sức nhân văn mở ra nhiều cơ hội và hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng.

Kỹ thuật mang thai hộ được áp dụng cho ba nhóm nguyên nhân chính, đó là: Người vợ không có tử cung, do dị dạng bẩm sinh hoặc đã bị cắt tử cung do bệnh lý tử cung hoặc tai biến sản khoa, hoặc người vợ có tử cung nhưng tử cung bị dị dạng nặng hoặc bệnh lý nặng không thể mang thai; Người vợ bị những bệnh nội khoa nặng khi mang thai sẽ nguy hiểm tính mạng; Những trường hợp sẩy thai nhiều lần hay thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần do nguyên nhân liên quan đến tử cung hoặc nội mạc tử cung.

Pháp luật Việt Nam (theo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi 2014) chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” được giải thích là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Đứa trẻ sinh ra được trao lại cho bố mẹ sinh là cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, kể từ thời điểm con được sinh ra.

Nghị định số 12/2003 của Chính phủ cũng đã có quy định chặt chẽ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong đó quy định rõ các điều kiện của các cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ, người mang thai hộ chỉ là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, cùng nhiều quy định chặt chẽ khác về các lĩnh vực y tế, tâm lý, pháp lý.

“Để triển khai thành công kỹ thuật mang thai hộ, chúng tôi đã bám sát các điều khoản của Nghị định 12 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế quy định về sinh con bằng kỹ thuật TTTON và mang thai hộ. Thành lập Hội đồng chuyên môn của bệnh viện để tư vấn về y tế và tâm lý cho vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ; phối hợp với các trung tâm tư vấn về pháp luật để tư vấn về pháp luật, thực hiện tốt kỹ thuật TTTON, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cặp vợ chồng vô sinh cần sinh con qua kỹ thuật mang thai hộ có được đứa con của chính mình; bảo đảm tính nhân đạo của phương pháp mang thai hộ và tránh hiện tượng thương mại hóa và các hệ quả xấu về sau”, GS-TS - BS Bùi Đức Phú cho biết.