Là nghề rất nặng nhọc và độc hại nhưng nghề mỏ cũng là nghề có thu nhập cao trong mặt bằng thu nhập của khối các ngành công nghiệp khai khoáng. Gắn bó với nghề mỏ, rất nhiều lao động không chỉ riêng người Quảng Ninh, mà ở nhiều địa phương trong cả nước đã có cuộc sống đủ đầy, an cư lạc nghiệp, gắn bó với mảnh đất Quảng Ninh.
Những thợ mỏ thu nhập cao
Gần 20 năm gắn bó với ngành than, thợ lò bậc 5/5 Đoàn Xuân Soạn ở Công ty Than Hà Lầm thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), hiện đang là Tổ trưởng Tổ sản xuất của Phân xưởng cơ giới hóa-khai thác 2. Trong nhiều năm, anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và cũng là một trong những thợ lò có thu nhập cao nhất công ty, với mức thu nhập bình quân hơn 35 triệu đồng/tháng và nằm trong tốp thợ lò thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.
Anh Soạn chia sẻ: "Với kinh nghiệm nhiều năm làm thợ lò cùng sự am hiểu đường lò, vỉa vách, địa chất đã giúp tôi luôn chủ động trong công việc, xử lý nhiều tình huống khó khăn phát sinh trong sản xuất. Bản thân tôi vẫn luôn tự học hỏi, nâng cao kỹ thuật, tay nghề, vừa để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ…".
Chúng tôi gặp thợ lò Nguyễn Văn Nam, tấm gương điển hình thợ lò trẻ có thu nhập cao từ 500 đến 600 triệu đồng/năm của Công ty Than Thống Nhất (TKV). Với hơn 10 năm gắn bó với vùng than Cẩm Phả, anh Nam đã giành được nhiều danh hiệu của Tập đoàn, bằng khen của các cấp và là một trong 20 tài năng trẻ tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh và ngành than, đồng thời có nhiều sáng kiến được áp dụng trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động. Với mức thu nhập luôn nằm trong tốp cao của công ty, anh đã đưa vợ con từ quê Nghệ An ra Quảng Ninh lập nghiệp, xây được ngôi nhà ba tầng khang trang.
Trong ngành than, Mạo Khê được coi là mỏ "hầm lò già", với gần 70 năm khai thác liên tục, địa hình địa chất phức tạp, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Thời gian gần đây, hằng năm công ty đạt sản lượng khai thác khoảng 2,3 triệu tấn là một kỳ tích. Có được kết quả này, chiến lược hàng đầu của công ty là đổi mới, ứng dụng khoa học-công nghệ, triển khai cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ ở tất cả các khâu.
Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Tuân cho biết, mỏ Mạo Khê được xếp vào diện "mỏ siêu hạng" về khí nổ mê-tan, luôn tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ, bục nước,… Do đặc thù này, công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tập trung hiện đại, nhằm giám sát và quản lý khí mỏ liên tục, phục vụ sản xuất hầm lò an toàn.
Năm 2023, công ty có hơn 1.200 thợ lò thu nhập cao, trong đó hơn 100 người đạt thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng/năm; hơn 1.000 người thu nhập từ 350 đến 500 triệu đồng/năm. Riêng trong 7 tháng vừa qua, hơn 70 thợ lò được công ty tuyên dương vì đạt mức thu nhập từ hơn 35 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/tháng.
Anh Bùi Văn Khoa, công nhân Phân xưởng Khai thác 8 cho biết, bình quân thu nhập hằng tháng của anh hơn 30 triệu đồng, năm 2023 tổng thu nhập đạt hơn 420 triệu đồng. Hiện tại, anh đã xây được ngôi nhà trị giá hơn hai tỷ đồng và chuẩn bị mua xe ô-tô giá trị hơn 700 triệu đồng.
Cải thiện điều kiện làm việc
Trong nửa đầu năm 2024, vùng than Quảng Ninh có gần 14 nghìn công nhân đạt mức 1 triệu đồng/công/ca sản xuất. Như vậy, nếu làm đủ ngày công theo quy định, bình quân những thợ lò này đạt thu nhập 26-28 triệu đồng/người/tháng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng kỹ thuật khai thác mỏ của TKV, câu chuyện về những thợ lò đạt thu nhập từ hơn 300 đến hơn 400 triệu đồng/năm ngày càng phổ biến.
Từ năm 2023 đến nay, vùng Quảng Ninh có thêm những thợ lò thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên và danh sách này ngày một nối dài. Họ chính là những cánh chim đầu đàn tạo thêm động lực để những thợ lò tiếp tục gắn bó và phấn đấu, thi đua lao động sản xuất, xây dựng ngành than phát triển bền vững.
Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết: "Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người lao động, thời gian tới, Tập đoàn sẽ tập trung giải pháp cơ bản là người sử dụng lao động thực hiện tiết giảm chi phí, tăng thời gian làm việc hữu ích để tăng năng suất, thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng khuyến khích các đơn vị có thể trả lương cao hơn, phù hợp hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị, khả năng sử dụng lao động hiệu quả, tiết kiệm hơn so với tỷ lệ lao động quản lý theo mô hình mẫu mà Tập đoàn giao khoán, đồng thời tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần giúp người lao động yên tâm gắn bó làm việc lâu dài".
Từ việc không ngừng đầu tư công nghệ hiện đại, điều kiện sản xuất của TKV ngày càng được quan tâm tốt với những hạ tầng kỹ thuật công nghệ mới đã giúp thợ lò được làm việc ở môi trường bớt nặng nhọc, bớt độc hại và an toàn hơn. Máy móc, thiết bị cơ giới thay họ làm những công đoạn thủ công, thợ lò chỉ cần nắm vững kỹ thuật, làm chủ công nghệ, vận hành trơn tru là đã có ngày công năng suất cao. Năng suất cao sẽ quyết định giá trị sản phẩm họ làm ra trong một ca lao động. Chính vì vậy, điểm chung của những thợ lò giỏi, thu nhập cao là bản tính chăm chỉ, chịu khó học hỏi, làm việc đúng quy trình, không làm tắt, làm ẩu. Nhiều thợ lò đã bứt phá hơn với những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng hiệu quả trong sản xuất.
Công ty Than Vàng Danh có hơn 5.000 công nhân lao động, năm 2023 có gần 2.000 thợ lò thu nhập từ 300 triệu đồng/người trở lên, điển hình có ba thợ lò thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm; 86 thợ lò hơn 500 triệu đồng/năm và 347 thợ lò đạt mức thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. Có thể thấy rõ số lượng thợ lò của các công ty than thuộc TKV tại Quảng Ninh có thu nhập hằng năm từ 300 triệu đồng trở lên liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Thợ lò thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên tăng lên 3.240 người vào năm 2021 và khoảng 4.000 người trong năm 2022.
Hiện nay, TKV đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ cốt lõi cấu trúc lại quản trị nội bộ. Đây là một trong những giải pháp để các đơn vị tăng năng suất, thu nhập cho người lao động, nhất là lao động trực tiếp. Năm 2023, tiền lương bình quân người lao động toàn Tập đoàn đạt 16,8 triệu đồng/người/tháng và năm nay phấn đấu đạt hơn 17 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ đó, những năm gần đây, tại nhiều miền quê ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, chúng tôi đã bắt gặp nhiều ngôi nhà mới xây khang trang, to đẹp của thợ lò, nổi bật hẳn lên giữa lũy tre, vườn cây xanh tốt. Họ đang ngày đêm hăng say lao động, sản xuất, làm giàu cho chính gia đình mình, cho quê hương và góp phần xây dựng ngành than phát triển bền vững, xứng đáng là trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ sự phát triển của đất nước.