Trong gần một tháng qua, với sự chi viện tối đa từ Bộ Y tế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã tăng tốc trên mọi mặt trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Theo Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại các trường hợp nghi ngờ ở hai địa phương này đã được truy vết và cách ly, lấy mẫu triệt để, tiến hành xét nghiệm với số lượng mẫu lớn…
Trong những ngày gần đây số ca mắc mới đã giảm rõ rệt. Có thể nói tình hình dịch ở hai địa phương này đã được kiểm soát.
Năng lực xét nghiệm được nâng lên gấp 10 lần
Nhìn lại những ngày cuối tháng 7-2020, thời điểm dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế lập tức chi viện đội ngũ thầy thuốc, chuyên gia từ Trung ương, nhiều tỉnh, thành phố đến miền trung.
Đà Nẵng trước lúc dịch Covid-19 bùng phát có năm đơn vị được chứng nhận có khả năng xét nghiệm, CDC Đà Nẵng là đơn vị chủ chốt. Mỗi ngày những đơn vị này năng lực xét nghiệm chỉ dừng ở con số khoảng 1.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày nhờ sự tăng cường, chi viện nhân lực và hệ thống máy móc tự động thì con số tăng lên đến 10 nghìn mẫu/ngày.
Ngày 5-8, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn quyết định công nhận Bệnh viện 199 đủ năng lực xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Đến ngày 20-8, Phòng xét nghiệm RT-PCR của Bệnh viện C Đà Nẵng được cán bộ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tăng cường ra Đà Nẵng, lắp đặt, hiệu chỉnh trong thời gian "thần tốc" 48 giờ. Như vậy, tính đến ngày 20-8, toàn TP Đà Nẵng đã có bảy cơ sở đủ năng lực xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, lúc mới đầu, năng lực xét nghiệm tìm Covid-19 chỉ dừng lại ở con số 1.000 mẫu/ngày, nhưng đến nay có thể đáp ứng được gần 50 nghìn mẫu/ngày. Đến hiện tại Đà Nẵng đã xét nghiệm được hơn 150 nghìn mẫu xét nghiệm, từ đó phát hiện ra những ca F0 trong cộng đồng, quản lý được F1, từ đó có biện pháp thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại nhà đối với F2.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng tính đến 18 giờ ngày 19-8 đã xác định được 11.011 đối tượng F1. Trong đó, cách ly 795 trường hợp tại các cơ sở y tế, 2.204 trường hợp tại khu cách ly tập trung. Từ 25-7 đến 19-8 đã thực hiện xét nghiệm 157.359 người, trong đó 157.003 người có kết quả âm tính, 356 người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch Quảng Nam, tỉnh Quảng Nam tích lũy ghi nhận 97 bệnh nhân Covid-19. Cơ bản các đối tượng F1, F2 đã được kiểm soát và cách ly theo đúng quy định.
Từ ngày 25-7 đến nay địa phương đã triển khai thực hiện 70.417 mẫu xét nghiệm (chiếm tỷ lệ 90,4% so với tổng số mẫu cả 2 đợt), trong đó: 95 mẫu dương tính, 69.432 mẫu âm tính, 890 mẫu đang chờ kết quả.
Giai đoạn 1 của chống dịch Covid-19, Quảng Nam chỉ xét nghiệm được 300 mẫu/ngày đến nay năng lực xét nghiệm được 4.500 mẫu/ngày, năng lực xét nghiệm được nâng cấp lên gấp 10 lần. Tốc độ xét nghiệm nhanh, chính xác, đáp ứng kịp thời nhu cầu truy vết, điều trị.
Quảng Nam cũng đã lập sáu đội phản ứng nhanh (mỗi đội 10 người gồm lãnh đạo, cán bộ giám sát, cán bộ xét nghiệm) hỗ trợ truy vết, xét nghiệm, thực hiện cách ly tập trung tại các điểm nóng.
Đến nay, Quảng Nam chưa phát hiện cán bộ y tế bị nhiễm, đặc biệt là nơi có các bệnh nhân nằm điều trị dài ngày trước khi được phát hiện. Tỉnh đã đôn đốc thành lập 5.484 tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng” tại 18 huyện/thị xã/thành phố.
Năng lực y tế được nâng lên, miền trung hoàn toàn có thể chủ động chống dịch
Sau gần một tháng làm tổng chỉ huy phòng, chống dịch tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, nhờ những biện pháp trên được thực thi một cách hoàn chỉnh trên toàn TP Đà Nẵng, Quảng Nam nên Tổ công tác của Bộ Y tế cảm thấy an tâm và dịch Covid-19 tại Đà Nẵng và miền trung đã được kiểm soát.
Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, ông Đinh Đạo - Giám đốc Bệnh viện cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 55 ca bệnh Covid-19. Hiện có 23 bệnh nhân âm tính lần 1 thuộc đối tượng F1, 14 bệnh nhân đã ổn định và đã cho chuyển viện.
Thứ trưởng Sơn đánh giá, sự phối hợp và hỗ trợ từ các bệnh viện Đà Nẵng như Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, các bệnh viện của Quảng Nam và Bệnh viện Trung ương Huế đã góp phần khống chế dịch bệnh tại miền trung.
“Khi các đội đặc nhiệm của Bộ Y tế và hàng trăm y, bác sĩ chi viện từ khắp cả nước rút khỏi Đà Nẵng, ngành y tế Đà Nẵng hoàn toàn có thể đáp ứng được tất cả đợt dịch Covid-19 (nếu có) trong điều trị cho những bệnh nhân nặng cần được hồi sức”, Thứ trưởng nói.
Bộ Y tế cũng nhận định, những ngày tới tại Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn có thể ghi nhận những ca mắc mới rải rác trong cộng đồng. Chúng ta phải tiếp tục truy vết, kịp thời phát hiện ca mắc mới để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn mong rằng với sự quyết tâm, nỗ lực của ngành y tế, Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ nhanh chóng chiến thắng dịch Covid-19.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận xét, năng lực y tế miền Trung thời gian qua đã được tăng lên rất nhiều. Lý do khiến vị thế của ngành y tế các tỉnh miền trung như: Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam được nâng lên trong gần một tháng qua xuất phát từ hai nguyên nhân.
Đầu tiên, đó là năng lực nội tại của ngành. Thời gian qua chính quyền đã đầu tư xây dựng Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà nẵng trở thành hai đơn vị chủ lực về hồi sức tại TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, chúng ta đã chuẩn bị Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sẵn sàng hoạt động nếu tình hình dịch bệnh có những diễn biến khó lường.
Thứ 2, ngành y tế đã có sự chi viện kịp thời. Chỉ trong thời gian ba ngày, Bộ Y tế đã hỗ trợ cho Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng thành lập được các đơn vị hồi sức đặc biệt, tiếp nhận tất cả các bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến và đã thành lập những ê-kíp hồi sức, bao gồm các bác sĩ chi viện phối hợp với các bác sĩ tại chỗ hoạt động rất trơn tru.