Những bài học quý giá

LTS - Cách đây hơn 70 năm, giai đoạn từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến ngày toàn quốc kháng chiến là giai đoạn đặc biệt trong lịch sử cách mạng nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp M.Mu-tê ký bản Tạm ước Việt - Pháp, ngày 14-9-1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp M.Mu-tê ký bản Tạm ước Việt - Pháp, ngày 14-9-1946.

Chính trong lúc chính quyền cách mạng non trẻ ở thế ngàn cân treo sợi tóc, thù trong giặc ngoài, khó khăn trăm bề đó, ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, đã đóng vai trò tiên phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đối với công tác đối ngoại trong giai đoạn hiện nay, những bài học lịch sử quý báu của giai đoạn đấu tranh ngoại giao thời kỳ tiền kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị.

Sức mạnh của ngoại giao trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hết sức khó khăn, phức tạp. Ngay khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai còn chưa kết thúc, các cường quốc đã bàn cách sắp xếp lại thế giới và phân chia vùng ảnh hưởng. Các nước nhỏ, các dân tộc thuộc địa mới giành được độc lập, nhưng tiềm lực kinh tế, quân sự còn rất yếu ớt và do đó trở thành đối tượng của các thỏa hiệp, cạnh tranh giữa các nước lớn. Việt Nam đã bị cuốn vào vòng xoáy đó. Thách thức nghiêm trọng đối với cách mạng Việt Nam trong thời điểm này là phải đối phó cùng lúc với nhiều thế lực quân sự đối địch của các nước lớn có mặt tại Việt Nam.

Bên cạnh giặc ngoại xâm còn là giặc đói và giặc dốt. Chính sách lấy chiến tranh nuôi chiến tranh và sự vơ vét bóc lột của phát-xít Nhật và thực dân Pháp đã làm cho nền kinh tế Việt Nam bị kiệt quệ, ngân khố trống rỗng, hơn hai triệu người chết đói, 95% số dân Việt Nam không biết chữ. Lực lượng vũ trang cách mạng của ta lúc Tổng khởi nghĩa chỉ có khoảng năm nghìn người, đến tháng 10-1945 phát triển lên thành 50 nghìn người, nhưng trang bị rất thiếu thốn, một bộ phận khá lớn vẫn dùng mã tấu, gậy tầm vông. (1) Chính trong thời điểm vô vàn khó khăn đó, ngoại giao đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sử dụng như một vũ khí sắc bén để thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân, phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Trước hết, ngoại giao Việt Nam đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao của ta trong giai đoạn này là: “Đối với Pháp, độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế”. (2) Thông qua các biện pháp ngoại giao, Chính phủ ta đã ký kết với thực dân Pháp hai văn kiện hết sức quan trọng là Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946. Ta nhân nhượng với Pháp một số điều kiện để kéo dài thời gian hòa hoãn, củng cố và chuẩn bị lực lượng, nhưng không thỏa hiệp các vấn đề nguyên tắc về độc lập và thống nhất quốc gia.

Thứ hai, phương châm hòa hiếu, “thêm bạn bớt thù” đã hình thành và trở thành nguyên tắc của ngoại giao Việt Nam. Ngoại giao đã triển khai hàng loạt biện pháp để thực hiện mục tiêu quan trọng đó. Chính phủ đã triệt để khai thác cam kết của các nước Đồng minh nêu ra trong chiến tranh, đặc biệt là quyền độc lập, tự quyết và bình đẳng giữa các dân tộc. Chính phủ ta cũng kịp thời ra tuyên bố làm rõ chính sách ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Một tháng sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập và nhân dịp một phái bộ quan trọng của Đồng minh đến Hà Nội, ngày 3-10-1945, Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời đã ra Thông cáo về chính sách đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Thông cáo đồng thời khẳng định mục tiêu phấn đấu cho nền “độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn” của Việt Nam. Tóm tắt chính sách đối ngoại của Việt Nam, Bác Hồ khẳng định: Việt Nam chủ trương “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.(3) Thứ ba, ngoại giao giai đoạn này đã khôn khéo, tận dụng mâu thuẫn trong nội bộ đối phương, kiềm chế và hòa hoãn với Tưởng, tập trung chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Trong hoàn cảnh phải đấu tranh chống lại nhiều đối thủ mạnh, việc hiểu rõ các mâu thuẫn và lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ các đối thủ và giữa các đối thủ là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng nước ta lúc đó.

Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này, ngoại giao Việt Nam hết sức vinh dự và cũng vô cùng may mắn khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh, “một nhà ngoại giao lỗi lạc cả về trí tuệ và nhân cách”,(4) trực tiếp lãnh đạo, dìu dắt, trực tiếp tham gia. Người đã dẫn đầu đoàn đàm phán sang Pháp để tìm kiếm cơ hội vãn hồi hòa bình, trực tiếp đàm phán hai thỏa ước với thực dân Pháp và đấu tranh vận động dư luận Pháp ngay trên đất Pháp.

Tài ngoại giao của Người còn thể hiện ở việc nhìn nhận đúng thời cơ và việc sáng suốt đưa ra những quyết sách kịp thời. Để tránh cuộc xung đột mở rộng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt khoảnh khắc lịch sử, kịp thời ký bản Hiệp định sơ bộ chiều ngày 6-3-1946 theo những điều kiện có lợi nhất có thể được với Việt Nam, phù hợp tình hình trong nước và quốc tế cũng như tương quan lực lượng lúc bấy giờ. Với việc ký Hiệp định sơ bộ, chúng ta đã biến thỏa thuận tay đôi giữa Pháp - Tưởng thành thỏa thuận tay ba, sử dụng điều khoản thay quân của Hiệp ước Hoa - Pháp thành thời cơ để đẩy 20 vạn quân Tưởng ra khỏi Việt Nam, loại trừ cho cách mạng một kẻ địch nguy hiểm là quân đội Tưởng và các nhóm tay sai của chúng.

Bên cạnh Bác Hồ, nền ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đó còn có sự tham gia của các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Anh, Hoàng Minh Giám và nhiều đồng chí khác. Với tấm lòng yêu nước nồng nàn và nhiệt tình cách mạng tràn đầy, thế hệ các nhà cách mạng ấy đã trực tiếp tham gia công tác đối ngoại bằng cách phát huy trí tuệ của mình, cùng góp sức với Trung ương Đảng và Bác Hồ sáng suốt nhận định tình hình, đề ra những chủ trương hết sức đúng đắn, triển khai chính sách ngoại giao, góp phần làm nên những thành tích ngoại giao vẻ vang.

Vận dụng những bài học kinh nghiệm ngoại giao giai đoạn 1945-1946 trong thời kỳ hiện nay

70 năm kể từ ngày “ai có gươm dùng gươm, ai có súng dùng súng” nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, trường kỳ kháng chiến đến thắng lợi, và nhất là sau 30 năm Đổi mới, thế và lực của đất nước ta đã mạnh hơn trước. Kinh tế liên tục tăng trưởng và gắn kết với kinh tế khu vực và thế giới; chính trị - xã hội ổn định; quan hệ đối ngoại được triển khai rộng khắp, đa tầng nấc; vị thế và uy tín Việt Nam trong khu vực và quốc tế không ngừng nâng cao. Nước ta đang có nhiều thuận lợi để đưa quan hệ hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả cả trên các kênh song phương và đa phương. Đặc biệt, nước ta đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với cả năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Tuy nhiên, các thách thức đa chiều do tình hình thế giới diễn biến phức tạp đã và đang tác động trực tiếp đến môi trường an ninh - phát triển của nước ta. Trên thế giới và ở khu vực, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố tiếp tục gia tăng. Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ nét, theo đó, các nước lớn vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh kiềm chế lẫn nhau ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, khủng bố, an ninh mạng, ngày càng phức tạp hơn.

Đại hội XII của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn hiện nay là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội ở khu vực và trên thế giới. (5) Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm đối ngoại của giai đoạn 1945 - 1946.

Hơn 70 năm qua, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, của Bác Hồ, ngoại giao Việt Nam đã lập nên nhiều thành tích vẻ vang. Bối cảnh ngày nay đã khác so với những ngày đầu lập nước, nhưng những bài học ngoại giao trong giai đoạn lịch sử trước ngày toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. 70 năm trước, ngoại giao khó khăn trăm bề nhưng vẫn tỏ rõ tính hiệu quả. Ngày nay, đối ngoại đã trở thành một mặt trận toàn diện và đang được hưởng các điều kiện bên trong và bên ngoài thuận lợi hơn nhiều. Đó là cơ sở để chúng ta có niềm tin rằng đối ngoại tiếp tục phát huy vai trò và sứ mệnh là mặt trận hàng đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

TS ĐẶNG ĐÌNH QUÝ

Thứ trưởng Ngoại giao

(1) Bộ Ngoại giao, Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, trang 46.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: “Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về kháng chiến kiến quốc”, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, trang 27.

(3) Bộ Ngoại giao, Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn các nhà báo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, (2015), trang 10. (4) Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (8-2016).

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.