Với sự kết nối của FPT, “huyền thoại” ngành CNTT Ấn Độ Narayana Murthy đã chia sẻ kinh nghiệm, những câu chuyện truyền cảm hứng với các nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành CNTT và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam.
Trong đó, màn đối thoại giữa vị tỷ phú người Ấn Độ với giới CNTT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT đã diễn ra vào chiều 20/5 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với sự tham dự của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và các chuyên gia, kỹ sư công nghệ trong ngành CNTT.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng, sự xuất hiện của ông Narayana Murthy đã khẳng định sự quan tâm, tầm quan trọng của công nghệ thông tin công nghệ số của Việt Nam trong con mắt của bạn bè thế giới.
Thứ trưởng muốn ông Narayana Murthy, với tầm nhìn, kiến thức, kinh nghiệm và năng lực của mình chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết cho đại diện cộng đồng doanh nghiệp CNTT, công nghệ số trong nước về tư duy đổi mới sáng tạo trong quản lý, điều hành doanh nghiệp, sự phát triển của các xu hướng công nghệ mới cũng như cơ hội cho doanh nghiệp CNTT, công nghệ số, góp phần giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn rất quan trọng hiện nay.
Đồng thời, với uy tín của mình, Thứ trưởng cũng mong muốn ông Narayana Murthy kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới nói chung có những hợp tác sâu hơn, cụ thể hơn với các doanh nghiệp Việt Nam cũng như là cầu nối kết nối các doanh nghiệp CNTT Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường Ấn Độ và quốc tế.
Tại sự kiện, ông Narayana Murthy đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh, quản trị, xây dựng văn hóa doanh nghiệp… giúp ông và cộng sự đưa Infosys trở thành huyền thoại của ngành CNTT Ấn Độ. Ông cũng đã cùng giới CNTT Việt Nam thảo luận về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, sự phát triển của các xu hướng công nghệ mới cũng như những cơ hội cho ngành CNTT Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia “độc nhất vô nhị”
Tỷ phú Ấn Độ Narayana Murthy đối thoại với giới công nghệ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông Trương Gia Bình. |
Ông Narayana Murthy khẳng định gần đây Việt Nam nổi lên như một điểm đến công nghệ toàn cầu, phản ánh cam kết và đầu tư của đất nước. Ông cũng đề cao lòng dũng cảm, sự chăm chỉ, tính kỷ luật, sự sáng tạo và hoài bão của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Nhờ những phẩm chất này, trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu châu Á và là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
“GDP của Việt Nam hiện đã đạt mức 4.300 USD bình quân đầu người và sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Tôi tin Việt Nam sẽ mang lại sự thịnh vượng cho người dân nhanh hơn hầu hết các nước”, ông nói.
Tôi có niềm tin rằng FPT sẽ chạm đến cột mốc tiếp theo, 2 tỷ USD dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài nhanh hơn rất nhiều, với vô vàn quyết tâm, sự can đảm và nỗ lực không ngừng.
Tỷ phú Narayana Murthy
Ông cũng khẳng định, những doanh nghiệp như FPT sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng quốc gia. Sau 24 năm toàn cầu hóa, FPT đạt 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài vào năm 2023, và Infosys cũng đạt được thành tựu như vậy với một khoảng thời gian tương tự.
"Do đó tôi có niềm tin rằng FPT sẽ chạm đến cột mốc tiếp theo, 2 tỷ USD dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài nhanh hơn rất nhiều, với vô vàn quyết tâm, sự can đảm và nỗ lực không ngừng. FPT đang và sẽ góp phần đáng kể vào tương lai tăng trưởng của Việt Nam”, ông Narayana Murthy nhấn mạnh.
Chia sẻ về nhận định trên của ông Narayana Murthy, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT cho rằng, “Ấn Độ, Infosys đã truyền cảm hứng cho FPT, cho Việt Nam. 24 năm trước, FPT đã đến Ấn Độ để học hỏi cách đưa Việt Nam trở thành cường quốc về phần mềm. Và chính Narayana Murthy đã truyền cảm hứng cho chúng tôi với một sự tin tưởng tuyệt đối, Việt Nam là một quốc gia đặc biệt và Việt Nam có thể phát triển được phần mềm cho thế giới”.
[Ảnh] Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tỷ phú sáng lập Tập đoàn Infosys
Bí quyết quan trọng giúp doanh nghiệp thành công
Ông Trương Gia Bình thay mặt FPT tặng quà cho ông Narayana Murthy. |
Từ chính kinh nghiệm thực tiễn của Infosys, Nhà sáng lập Infosys Narayana Murthy cho rằng, để thành công cùng với việc chọn những lĩnh vực có nhu cầu cao, thì để thành công doanh nghiệp cần đảm bảo ba yếu tố quan trọng đó là bán hàng, kiểm soát tài chính và nhân lực.
“Nếu chúng ta không bán được hàng thì công ty sẽ không có doanh thu mà không có doanh thu thì công ty không thể hoạt động được. Khi chúng ta có doanh thu rồi thì phải bảo đảm mọi chi phí đều được kiểm soát. Hãy cố gắng chi ít hơn số tiền công ty có. Và một điều quan trọng khác là để bảo đảm hoạt động của tất cả các bộ phận trong công ty, chúng ta cần có đội ngũ nhân sự tốt”.
Cũng theo "huyền thoại" CNTT Ấn Độ Narayana Murthy, điều quan trọng nhất với công ty không phải là tạo ra lợi nhuận mà là tạo ra việc làm. Ông tin rằng, khi tạo ra nhiều việc làm thì doanh số, lợi nhuận sẽ tự đến, bởi đấy mới là gốc rễ của kinh doanh, còn doanh số và lợi nhuận chỉ là hệ quả.
Cùng chung quan điểm với Nhà sáng lập Infosys, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho rằng, FPT cũng đang làm như vậy, FPT đang hướng tới việc tạo ra nhiều việc làm hơn để thay đổi cuộc sống của giới trẻ và hướng tới cột mốc 1 triệu nhân viên vào năm 2035.
Infosys: từ 250 USD khởi nghiệp đến giá trị vốn hóa 70 tỷ USD
“Bill Gates của Ấn Độ” Narayana Murthy thăm Việt Nam từ ngày 19 đến 23/5. |
Với 250 USD khởi nghiệp, sau hơn 4 thập kỷ, Narayana Murthy đã đưa Infosys từ một công ty vô danh thành một trong những công ty trụ cột của ngành CNTT Ấn Độ và có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Năm 1999, Infosys là công ty đầu tiên của Ấn Độ được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq. Năm 2023, công ty đạt doanh thu trên 18 tỷ USD, có 320.00 nhân viên, hiện diện tại 50 quốc gia trên toàn cầu và giá trị thị trường đạt trên 70 tỷ USD.
Một trong những thành tựu có ảnh hưởng nhất của Narayana Murthy là tiên phong hình thành mô hình cung cấp dịch vụ CNTT toàn cầu, cho phép các công ty thực hiện công việc ở những địa điểm có nguồn nhân lực tốt nhất, có ý nghĩa kinh tế nhất và rủi ro thấp nhất. Mô hình này đã tạo ra cuộc cách mạng hóa ngành dịch vụ CNTT toàn cầu trong tối ưu hóa cấu trúc, nguồn lực, phân phối công việc và nâng cao tốc độ và chất lượng dịch vụ.
Một yếu tố then chốt khác góp phần vào sự phát triển của Infosys đó là nguồn nhân lực. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của Narayana Murthy, năm 2022, Infosys đã thành lập Trung tâm Giáo dục toàn cầu tại Mysore - hình thành mô hình đào tạo trong lòng doanh nghiệp, mang đến cơ hội học tập suốt đời và phát triển kỹ năng cho đội ngũ nhân sự. Trung tâm này đã nhanh chóng trở thành một trong những trường đại học lớn nhất thế giới trực thuộc doanh nghiệp.
Câu chuyện của Infosys đã truyền cảm hứng cho FPT - doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Năm 1998, sau khi trở thành công ty tin học số 1 của Việt Nam, FPT đã quyết định bước ra khỏi vùng an toàn với hướng đi chiến lược là xuất khẩu phần mềm và khẩu hiệu “người Ấn Độ làm được, người Việt Nam cũng làm được”.
Sau hơn hai thập kỷ, FPT đã cán mốc doanh thu 1 tỷ USD dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài và hình thành các trung tâm nguồn lực toàn cầu ở châu Á, châu Âu, Châu Mỹ La tinh thu hút hơn 70.000 nhân sự thuộc hơn 70 quốc tịch.
Ông Narayana Murthy được công nhận rộng rãi là “Bill Gates” của Ấn Độ và có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực CNTT toàn cầu. Ông và Infosys đã có những đóng góp quan trọng đưa Ấn Độ thành cường quốc CNTT thế giới.
Và ở thời điểm hiện tại, Ấn Độ tiếp tục khẳng định vị thế khi đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển kỹ thuật trên toàn cầu.
Theo một nghiên cứu mới đây của Hiệp hội phần mềm Ấn Độ (NASSCOM) và Boston Consulting Group, Ấn Độ sẽ nổi lên như một quốc gia đi đầu trong thị trường nghiên cứu và phát triển kỹ thuật toàn cầu (Global Engineering Research & Development - ER&D), đặc biệt trong các lĩnh vực phần mềm, công nghệ ô-tô, chip bán dẫn với 22% thị phần vào năm 2030.