Nhộn nhịp thị trường đổi tiền lẻ, tiền mới

Năm nay đã là năm thứ sáu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trương không đưa các loại tiền mới in từ 5.000 đồng trở xuống và là năm đầu tiên không đưa các loại tiền 10.000 đồng mới ra lưu thông trong dịp Tết. Mặc dù ngân hàng đã siết chặt việc in tiền mới mệnh giá nhỏ, nhưng ngoài thị trường "chợ đen", hành vi ăn chênh lệch đổi tiền mới vẫn ngang nhiên tồn tại và ngày càng "nóng" lên, nhất là trong những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới diễn ra ở nhiều nơi, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Ảnh: Hải Nguyễn
Hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới diễn ra ở nhiều nơi, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Ảnh: Hải Nguyễn

Giao dịch sôi động, phí đổi tiền "nhảy múa"

Ngày Rằm cuối cùng của năm Mậu Tuất, tại các đền, chùa lớn ở Hà Nội như: Chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ,... tấp nập du khách ghé thăm. Mặc dù đã kín đáo hơn, nhưng người đi lễ vẫn không khó để tìm ra cửa hàng kinh doanh dịch vụ đổi tiền. Tại Chùa Hà, các hòm đổi tiền, bên trong đặt một số tệp tiền 1.000, 2.000, 5.000 đồng đã qua sử dụng, nhưng vẫn còn rất mới, hoặc cả những tập tiền mới chưa qua sử dụng, vẫn được đặt lẫn với đồ lễ trong các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. So với thời điểm cuối năm 2018, mức giá đổi tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống đã bị đẩy lên gấp đôi, thậm chí là gấp ba khi cận Tết. Cụ thể, đổi mệnh giá 2.000 đồng, 5.000 đồng có mức phí khoảng 10%; trong khi các mệnh giá nhỏ hơn như 1.000 đồng, 500 đồng, mức phí lên 100%, 200% và cao hơn thế. "Nếu đổi càng sớm, chênh lệch phần trăm sẽ thấp hơn khi càng sát Tết. Năm nay, tiền mới 500 đồng cực kỳ khan hiếm, chờ mấy ngày nữa, em có trả chênh lệch cao hơn cũng chưa chắc đã có. Hiện, một số nơi đã rao mức giá đổi tiền cao chót vót, lên tới 400%, nghĩa là em đổi 100 tờ 500 đồng, phải trả phí chênh lệch là 200.000 đồng, mà cũng không phải cửa hàng nào cũng có" - một chủ cửa hàng kinh doanh trong khu vực Chùa Hà cho biết.

Nếu tại các khu vực đền, chùa người dân hay đổi tiền mới mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống nhằm mục đích chủ yếu là bày lễ, bỏ giọt dầu,... thì tại các điểm đổi tiền quen thuộc trên phố Hà Trung, Ðinh Tiên Hoàng,... ngoài tiền mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng, tiền mới được mở rộng hơn với các mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng,... phục vụ cho mục đích mừng tuổi, biếu, tặng. Phí dịch vụ đổi tiền tại những địa điểm này thường dao động từ 7% đến 30% tùy theo từng mệnh giá. Theo khảo sát, phí để đổi tờ 5.000 đồng là 10%; phí để đổi tờ 2.000 đồng là 15%; phí để đổi tờ 1.000 đồng là 30%. Các loại tiền polyme có mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng có mức phí đổi là 8% và mức phí 7% được áp dụng cho hai loại tiền mệnh giá 100.000 đồng và 200.000 đồng.

Không chỉ đổi tiền lẻ, tiền mới tại các điểm đổi tiền giao dịch trực tiếp, hiện nay, trên mạng in-tơ-nét cũng rất sôi động với các dịch vụ đổi tiền khi chỉ cần nhấp chuột tìm kiếm trên Google hoặc Facebook, Zalo,... Sau khi nhắn tin với một Facebook quảng cáo đổi tiền, người nhắn được chủ tài khoản Facebook này cho biết, phí dịch vụ đổi tiền lẻ cho các loại tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng là 15%; với loại tiền 10.000 đồng và 20.000 đồng trở lên là 8%, riêng tiền 500 đồng, năm nay rất hiếm, nếu muốn đổi thì chỉ có tiền mới đã qua sử dụng nhưng phí cũng rất cao. "Tiền mới cứng còn nguyên sê-ri, nguyên đai, nguyên kiện của ngân hàng. Anh, chị có nhu cầu có thể đến nhận tiền trực tiếp tại địa điểm đã hẹn, nếu đổi càng nhiều, phí đổi càng giảm" - thông tin tại Facebook đổi tiền cho biết.

Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ đủ các mệnh giá như nêu trên, hiện trên thị trường còn cung cấp dịch vụ bán các bộ sưu tập tiền giấy, đồng 2 USD may mắn và nhiều loại tiền quà tặng của các quốc gia khác nhau phục vụ nhu cầu mừng tuổi đầu năm. Phí đổi một tờ 2 USD hiện được giao dịch phổ biến khoảng 50.000 đến 60.000 đồng, cao hơn nhiều so với giá mua - bán USD tại các ngân hàng thương mại.

Siết chặt hoạt động đổi tiền

Ngay những ngày đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trong đó, yêu cầu NHNN phải bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế dịp Tết Nguyên đán và có giải pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp này. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, theo quy định của pháp luật, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng chênh lệch được coi là hành vi trái pháp luật, với mức phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với các cá nhân vi phạm và gấp hai lần đối với tổ chức vi phạm.

Theo Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN) Phạm Bảo Lâm, từ tháng 4 đến hết tháng 11-2018, NHNN đã đẩy mạnh cung ứng tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra thị trường. Trong đó, bao gồm cả tiền đã qua lưu thông và tiền mới in. Thống kê của NHNN cũng cho thấy, việc cung ứng này bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân và nền kinh tế trong cả năm 2018 và tháng 1-2019. Do vậy, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, NHNN sẽ không phát hành tiền lẻ mới mệnh giá dưới 10.000 đồng. Kể từ năm 2013 đến nay, ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được gần 2.600 tỷ đồng cho nền kinh tế, khi thực hiện chủ trương không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống qua lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán. "Tính riêng việc thực hiện chủ trương không phát hành tiền mới in mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống qua lưu thông trong tháng 12-2018 đến tháng 1-2019, dự kiến NHNN tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước khoảng 390 tỷ đồng" - Cục trưởng Phạm Bảo Lâm cho biết.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, chủ trương này cũng đã góp phần giữ gìn nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam; tiết kiệm chi phí xã hội và nhận được sự đồng thuận của người dân. Ðại diện lãnh đạo NHNN nhấn mạnh, về nguyên tắc, đồng tiền phải được quay vòng sử dụng nhiều lần đến khi không đủ tiêu chuẩn lưu thông thì NHNN mới thu hồi về để tiêu hủy và đưa tiền mới ra thay thế. Hiện, các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu vẫn có thể đến NHNN chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN, các đơn vị thu đổi để thực hiện thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông theo quy định.

Có thể nói, chủ trương không phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ trong dịp Tết Nguyên đán được kiên trì thực hiện theo lộ trình và trong nhiều năm, cơ quan quản lý đã thể hiện rõ quyết tâm hành động của mình. Theo đó, NHNN đã chủ động điều hòa nhu cầu và cơ cấu tiền mặt, một phần nhằm hạn chế những tác động bất lợi từ áp lực phát hành tiền lẻ mới ra lưu thông trong dịp Tết. Tuy nhiên, trước thực trạng nhu cầu đổi tiền mới in mệnh giá nhỏ của người dân vẫn rất lớn cho những nhu cầu không xuất phát từ nhu cầu thanh toán như mừng tuổi, lễ hội, đền chùa,… NHNN đang rà soát và nghiên cứu sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý các hành vi kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Mặt khác, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, NHNN tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố kiểm tra, xử lý kiên quyết những vi phạm liên quan đến đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch ngoài thị trường theo quy định tại Nghị định 96/2014/NÐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc sai phạm, lợi dụng tiếp tay đổi tiền hưởng lợi bất chính của cán bộ trong ngành ngân hàng.

Ðể thay đổi một thói quen vốn đã tồn tại từ lâu trong các hoạt động văn hóa lễ hội, tín ngưỡng, ngoài sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng và ý thức của người dân, rất cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan quản lý, các đơn vị chức năng với truyền thông, nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích.

Dự kiến nhu cầu tiền mặt tiếp tục gia tăng năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt tăng cao vào dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán 2019, NHNN đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt, lên kế hoạch điều chuyển để tăng dự trữ tiền mặt cho các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng khối lượng tiền mặt được điều chuyển từ các địa phương bội thu sang bội chi trong dịp này tăng khoảng 25% so với Tết Nguyên đán 2018 và dự kiến hoàn thành trước ngày 25-1-2019. Từ nay đến giáp Tết, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình tiền mặt của từng địa phương, tập trung mọi nguồn lực để kịp thời bổ sung với các nhu cầu đột xuất, bất thường.

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)