Nhồi máu cơ tim gây biến chứng thủng vách liên thất

NDO - Một bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp gây biến chứng thủng vách liên thất rất lớn đã được các bác sĩ Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kịp thời cứu sống.
0:00 / 0:00
0:00
Nhồi máu cơ tim gây biến chứng thủng vách liên thất

Đây là một tổn thương hiếm gặp, nếu không xử trí sẽ vô cùng nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Mức độ phức tạp của tổn thương đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ trong điều trị, từ can thiệp, hồi sức và phẫu thuật tim mạch.

Bệnh nhân Nguyễn Quốc P. (48 tuổi) tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, đã bỏ 5 năm. Ngày 29 Tết, bệnh nhân có biểu hiện đau tức vùng thượng vị, kèm khó thở khi gắng sức, cơn đau kéo dài khoảng 10 phút thì đỡ. Do hết đau ngực, chỉ khó thở khi nằm nên bệnh nhân không đến bệnh viện mà tự theo dõi tại nhà.

10 ngày sau đó, bệnh nhân có những cơn khó thở tăng lên rồi chuyển sang khó thở dữ dội. Sau khi bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành siêu âm, điện tim, chụp mạch vành.

Quá trình siêu âm các bác sĩ phát hiện một lỗ thủng vách liên thất rất lớn khoảng 21,6mm, kết quả chụp mạch vành cho thấy tắc hoàn toàn động mạch vành phải (RCA), hẹp động mạch vành trái (động mạch mũ và động mạch liên thất trước).

Bệnh nhân được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp ngày thứ 10 biến chứng thủng vách liên thất, suy tim độ 4. Nhận định tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Đến hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.

Vách liên thất là vách ngăn giữa hai buồng tâm thất của tim. Thủng vách liên thất là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng sau nhồi máu cơ tim cấp.

Trước đây, tỷ lệ gặp biến chứng này sau nhồi máu cơ tim cấp cấp là 1-2%. Tuy nhiên, hơn 20 năm trở lại đây, nhờ chiến lược tái tưới máu sớm của tim mạch can thiệp và các biện pháp tiêu huyết khối, tỷ lệ thủng vách liên thất giảm xuống còn 0,17-0,31%.

Tỷ lệ tử vong sau mổ của người bệnh rất cao, trung bình khoảng 19-81% tùy nghiên cứu, phụ thuộc vào thời gian từ khi khởi phát nhồi máu cơ tim đến lúc mổ. Tuy nhiên, nếu không được phẫu thuật, tỷ lệ này là 94% sau 1 tháng.

Phẫu thuật, ngoài giải quyết được tổn thương lỗ thông liên thất còn tiến hành tạo hình luôn thành tâm thất bị hoại tử do nhồi máu. Tuy nhiên, sau mổ vẫn có một số yếu tố làm tăng tỷ lệ tử vong bao gồm: sốc tim trước mổ, phải mổ trong tuần đầu sau nhồi máu, tồn lưu thông liên thất lớn sau mổ, hội chứng cung lượng tim thấp và chảy máu sau mổ.

Như vậy một phẫu thuật sửa chữa tốt nếu bảo đảm được 3 yếu tố là ít chảy máu, ít ảnh hưởng đến chức năng tim và giảm thiểu nguy cơ tồn lưu thông liên thất.

Để phòng tránh những biến chứng của nhồi máu cơ tim, người bệnh khi có biểu hiện bất thường, cần được khám và điều trị sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa, giảm được các biến chứng có thể xảy ra và nếu có các biến chứng, cần được cấp cứu, xử trí kịp thời, giúp giảm nguy cơ tử vong.

Để có một trái tim khỏe mạnh, người dân cần có chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, hợp lý với tình trạng sức khỏe của cơ thể. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn bổ sung rau củ quả chứa nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C để làm tăng sức bền của thành mạch. Hạn chế đồ ngọt và chất béo hay các chất kích thích như rượu, trà, cà phê..., đặc biệt không hút thuốc lá.

Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe. Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi, phát hiện kịp thời các yếu tố bất thường trên cơ thể. Khi có các bệnh lý về tim mạch như bệnh lý về huyết áp, cơn đau thắt ngực hay các bệnh lý về nội tiết như đái tháo đường thì phải tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.