Gia tăng nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim cấp

NDO - Thời gian qua, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Thành phố Hồ Chí Minh, liên tục tiếp nhận các trường hợp ngưng tim, ngưng thở ngoài bệnh viện, trong đó, có nhiều bệnh nhân còn ở độ tuổi khá trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp động mạch vành tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. (ảnh Bệnh viện cung cấp)
Một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp động mạch vành tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. (ảnh Bệnh viện cung cấp)

Anh Trần H. T., sinh năm 1978, ngụ quận 7, đang làm việc tại công trường thì đột ngột tím tái, khó thở, sau đó ngất đi. Anh được đồng nghiệp phát hiện, đưa vào Bệnh viện quận 7 cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở; mạch và huyết áp không đo được.

Bệnh nhân được các bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện này tiến hành hồi sức tim phổi nâng cao với ấn tim ngoài lồng ngực, bóp bóng giúp thở, đặt nội khí quản. Sau hồi sức tích cực khoảng 15 phút, tim bệnh nhân đập lại, mạch và huyết áp đo được nên được hội chẩn qua điện thoại và chuyển ngay qua Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ cấp cứu đã hội chẩn ngay với bác sĩ chuyên khoa tim mạch can thiệp, chẩn đoán lúc này là một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ nhất có biến chứng ngưng tim ngoại viện đã được hồi sức thành công. Bệnh nhân được chụp mạch vành với kết quả tắc nhánh động mạch liên thất trước (động mạch lớn nhất nuôi tim), được xử lý tái thông bằng cách đặt một giá đỡ trong lòng động mạch vành.

Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển về Khoa Tim mạch can thiệp theo dõi và điều trị tiếp. Khoảng 1 ngày sau, các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân ổn định hơn nên đã tiến hành rút nội khí quản. Hiện, bệnh nhân hết đau ngực, tự thở khí trời, đi lại bình thường, mạch và huyết áp ổn định; điện tim, siêu âm tim và các xét nghiệm cận lâm sàng các cơ quan trong giới hạn bình thường…

Trước đó, khi đang bơi, ông Nguyễn Ng. Đ., sinh năm 1964, ngụ quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, đột nhiên đau ngực, khó thở. Sau đó khoảng 30 phút, ông được người dân phát hiện bị tím tái nên gọi cấp cứu. Đội cấp cứu tiếp xúc bệnh nhân với tình trạng mê, ngưng tim, ngưng thở, mạch và huyết áp không đo được.

Bệnh nhân đã được các bác sĩ và điều dưỡng cấp cứu của đội cấp cứu 115 tiến hành hồi sức tim phổi nâng cao và chuyển ngay đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ chẩn đoán đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp thành trước rộng giờ thứ 3 biến chứng ngưng tim ngoại viện được hồi sức thành công.

Bệnh nhân được chỉ định tái thông mạch vành cấp cứu. TS,BS Lê Cao Phương Duy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cùng êkip chuyên khoa can thiệp đã cho bệnh nhân chụp mạch vành. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị tắc nhánh động mạch liên thất trước (động mạch lớn nhất nuôi tim) nên các bác sĩ xử lý tái thông bằng cách đặt một giá đỡ trong lòng động mạch vành.

Sau can thiệp, bệnh nhân bị suy đa cơ quan sau ngưng tim, ngưng thở kéo dài và được chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực tiếp tục điều trị, theo dõi. Sau 13 ngày điều trị, bệnh nhân ngừng được thuốc vận mạch, sau đó được cai máy thở và rút nội khí quản sau 18 ngày điều trị…

Theo TS,BS Lê Cao Phương Duy, đó là những trường hợp điển hình ngưng tim, ngưng thở do rối loạn nhịp ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. Nhờ sự tiếp cận kịp thời với một quy trình điều trị hợp lý và chính xác nên bệnh nhân được cứu sống và hồi phục ngoạn mục. Kết quả này có được là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng từ nơi tiếp nhận ban đầu, quy trình chuyển viện, bác sĩ cấp cứu nội viện, êkip can thiệp động mạch vành và đội ngũ hồi sức tích cực.

Cũng theo TS,BS Lê Cao Phương Duy, nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp thường dễ tử vong ở những giờ đầu tiên trước khi vào đến bệnh viện vì các biến chứng liên quan đến rối loạn nhịp. Đặc biệt, khi bệnh nhân đã ngưng tim ngoài bệnh viện thì tỷ lệ tử vong hơn 90%.

Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim cấp bao gồm bệnh nhân đã từng được chẩn đoán bệnh mạch vành, có những yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như: Lớn tuổi (nam trên 45 tuổi, nữ trên 55 tuổi); thừa cân, béo phì; ít vận động thể lực; hút thuốc lá; tăng huyết áp; đái tháo đường; rối loạn lipid máu; căng thẳng về thể chất và tinh thần.

“Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong hơn 50% các trường hợp, bệnh nhân sẽ có một yếu tố khởi kích xảy ra trước khi nhồi máu cơ tim cấp, như: Vận động gắng sức, căng thẳng tâm lý, phẫu thuật, có bệnh lý nội khoa nặng. Nhồi máu cơ tim có tần suất xảy ra cao vào buổi sáng (từ 6 giờ đến 11 giờ), đặc biệt là trong vòng 3 giờ đầu tiên sau khi ngủ dậy”, TS, BS Lê Cao Phương Duy cho biết.