Nhớ anh Sáu Dân! Người thầy, người anh của thể thao Việt Nam

NDO -

Bác Hồ dạy: "Dân cường thì nước thịnh".

Anh Sáu nói: "Thể dục, thể thao là mùa xuân của mọi lứa tuổi”.

0:00 / 0:00
0:00

Lần đầu tiên, tôi được gặp anh Sáu vào tháng 7/1976. Anh Sáu hỏi tôi:

- Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí định làm thể dục, thể thao như thế nào?

Tôi thưa anh:

- Phát động phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Anh cười và rất đồng ý. Anh hỏi tiếp:

- Vậy làm như thế nào để thực hiện lời dạy của Bác Hồ?

- Thưa anh, Sở Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch phát triển phong trào thể dục, thể thao thành phố gồm hai giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 1976 đến năm 1980 và giai đoạn hai từ năm 1981 đến 1986.

Anh cười và đồng ý. Tháng 3/1977, thành phố thông qua kế hoạch thể dục, thể thao do anh Sáu chủ trì. Tôi trình bày một tiếng đồng hồ, sau đó các ban ngành đóng góp ý kiến. Trước khi kết luận, anh Sáu hỏi:

- Đồng chí dự kiến ở đâu là điểm điển hình?

- Thưa anh theo tôi, Quận 4 và huyện Củ Chi là hai địa điểm nên xây dựng điển hình.

Anh Sáu hỏi:

- Lý do chọn hai điểm này?

Tôi trả lời:

- Quận 4 có bến Nhà Rồng là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cảng Sài Gòn là cảng lớn nhất cả nước, giai cấp công nhân rất đông, cũng là một quận nhân dân rất nghèo khó. Huyện Củ Chi là địa đạo đánh Pháp và đánh Mỹ quyết liệt, một huyện nghèo nhất ở ngoại thành. Ta cố gắng xây dựng Quận 4 và huyện Củ Chi phát triển, thì phong trào cả thành phố sẽ phát triển mạnh.

Tôi đề nghị thêm một số vấn đề:

- Xin Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố cho phép thành lập trường Nghiệp vụ Thể dục-thể thao Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo vận động viên các môn thể thao và đội ngũ cán bộ quản lý.

- Xin quy hoạch cụ thể cơ sở vật chất, điểm tập luyện ở cơ sở phường, xã và các trường học. Mở rộng diện tích đất tập luyện cho nhân dân.

- Xin xây dựng nhà tập luyện và thi đấu Phan Đình Phùng, cơ sở đầu tiên lớn nhất ởcác tỉnh phía Nam sau ngày giải phóng.

Nghe tôi đề nghị vậy, Anh Sáu hỏi:

- Kinh phí đâu để xây dựng?

- Thưa anh, tôi đề nghị xin Thành ủy tạm hoãn xây dựng hội trường của Thành ủy mà dành kinh phí xây dựng nhà thi đấu tập luyện Phan Đình Phùng, để nhân dân hiểu, lúc nào nhà nước cũng vì nhân dân. Cũng nhân đây, tôi đề nghị Thành ủy và Uỷ ban nhân dân thành phố cho phép và ủng hộ cơ sở vật chất để thành lập trường đào tạo sinh viên thể dục, thể thao cho thành phố và các tỉnh phía Nam.

Sau một hồi suy nghĩ anh Sáu kết luận:

- Đồng ý trình bày của đồng chí Lê Bửu về xây dựng kế hoạch của ngành thể dục, thể thao từ năm 1977 đến năm 1986 và các đề nghị cụ thể. Đồng thời anh dặn:

- Ngành phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết các ngành bạn, cố gắng làm tốt để dân hiểu chính quyền cách mạng và luôn luôn nhớ ơn Bác Hồ, đồng thời giúp đỡ các tỉnh bạn cùng phát triển.

Năm 1980, tôi được cùng đoàn anh Sáu đi công tác tại hai nước Cộng hòa dân chủ Đức và Liên Xô. Chuyến đi để tìm hiểu xem các nước xây dựng trạm thủy điện thế nào đồng thời tìm hiểu ngành thể dục, thể thao các nước bạn. Về nước, anh gọi riêng tôi để trao đổi. Chúng tôi, ngành thể dục, thể thao cùng với ngành văn hóa thông tin thành phố phát động phong trào khởi công xây dựng trạm thủy điện Trị An.

Năm 1985, chú Phạm Hùng và anh Sáu gọi tôi đến gặp, trao đổi về sự cần thiết phải phát động phong trào thể dục, thể thao, kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5/1985, chống đa nguyên, đa đảng, chống diễn biến hòa bình. Thực hiện sự chỉ đạo của chú Hai Hùng và anh Sáu, ngành thể dục, thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc tổ chức hoạt động rất nhiều môn thể thao. Đặc biệt cuộc đua xe đạp xuyên quốc gia xuất phát từ bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Đúng 9 giờ sáng ngày 19-5-1985, đoàn đến lăng Bác Hồ tại Ba Đình, Hà Nội. Anh Sáu là người khai mạc cuộc đua và đón đoàn, trên ba chục triệu đồng bào cả nước hưởng ứng.

Anh Sáu, lúc còn làm việc ở thành phố, thường xuyên góp ý kiến, kiểm tra công tác thể dục, thể thao. Có vấn đề gì khó khăn, anh giải quyết kịp thời và luôn tạo sự đoàn kết, nhất trí, phối hợp nhịp nhàng giữa các quận, huyện, các ban, ngành ở thành phố, nhất là với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngành giáo dục, công đoàn, địa chính, công an và quân đội.

Anh kiểm tra trực tiếp việc tập luyện của vận động viên, từ việc thi đấu ở cơ sở cho đến việc tập luyện ở các trường học ngoại thành, nội thành. Tôi thường xuyên đi kiểm tra cùng với anh Sáu đến các huyện ngoại thành như Củ Chi, Thủ Đức, Cần Giờ và các Quận 4, Quận 11, Bình Chánh...

Năm 1992, bắt đầu thời kỳ Việt Nam hội nhập với thế giới. Thể dục - thể thao đóng vai trò quan trọng góp phần mình phục vụ công tác đối ngoại, phát triển xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi có văn bản đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ tách ngành thể dục, thể thao ra khỏi Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch. Ngày 26/10/1992, đã quyết định thành lập Tổng cục Thể dục-Thể thao Việt Nam. Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định cử tôi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục-Thể thao. Thời gian này đối với tôi vô cùng khó khăn vì yêu cầu quá lớn về phát triển ngành thể dục, thể thao trong nước và quan hệ với các nước bạn. Tôi xin anh Sáu để người khác làm. Tôi nhớ mãi không khi nào quên, anh Sáu gọi tôi lên và hỏi:

- Đồng chí là ai?

- Tôi xin thưa anh, anh gọi tôi là đồng chí tôi xin không nói.

- Vậy anh phải gọi chú bằng gì?

- Thưa anh tôi là đảng viên và chiến sĩ!

- Vậy chú em phải chấp hành lệnh của anh.

- Tôi xin chấp hành lệnh, nhưng xin đề nghị anh, việc gì có lợi cho thể thao Việt Nam, anh giải quyết cho.

- Anh đồng ý.

Sau một thời gian củng cố ngành thể dục - thể thao từ trung ương đến địa phương về tổ chức, nhân sự, điều kiện làm việc, cuộc họp Quốc hội năm 1994 nhận xét: ngành thể dục-thể thao Việt Nam bắt đầu khởi sắc.

Nhân dịp Tết năm 1993, tôi tâm tình với Anh Sáu, anh nói:

- Phong trào có nhích lên, vậy chú định làm gì cho ngành phát triển mạnh?

Sau khi thưa với anh về một số đề nghị, một thời gian sau Ban Bí thư, Chính phủ có các văn bản chỉ đạo. Cụ thể:

- Chỉ thị 36-CT/TW ngày 24/3/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về phát triển thể dục, thể thao Việt Nam;

- Chỉ thị 133-TTg của Chính phủ về quy hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam.

Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư và Chính phủ, tôi đề nghị xin chương trình mục tiêu của Chính phủ về đào tạo lực lượng thể thao, để tham gia các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á và chuẩn bị Việt Nam đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 tại Việt Nam.

Anh Sáu hỏi:

- Muốn tính lâu dài cho thể dục, thể thao Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, em định làm những gì lớn hơn?

- Thưa anh, xin đề nghị Chính phủ cho tiến hành điều tra hiện trạng và quy hoạch thể dục, thể thao toàn quốc từ năm 1995 đến 2025.

Khi thông qua quy hoạch, một số ban, ngành và thành viên Chính phủ hỏi tôi về việc tại làm sao thời gian phải tới ba chục năm? Tôi trình bày:

- Thể dục, thể thao góp phần tăng cường thể lực và tầm vóc người Việt Nam, chuẩn bị đào tạo nhiều tuyến vận động viên cho các môn thể thao để giao lưu và thi đấu trong các đại hội thể thao khu vực và quốc tế, do đó không thể một sớm một chiều được.

Anh Sáu và các thành viên Chính phủ ủng hộ ý định quy hoạch đã được trình bày. Anh hỏi:

- Muốn làm được và làm tốt quy hoạch đã thông qua, thì có những giải pháp gì?

Tôi thưa Anh Sáu và các đồng chí thành viên Chính phủ, chúng tôi thực hiện theo phong cách của Quân đội nhân dân Việt Nam: diện và điểm. Cụ thể như sau:

- Diện: triển khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện đến tận các tỉnh, thành, ngành trong toàn quốc theo tinh thần Chỉ thị 133 của Chính phủ.

- Điểm: có 9 điểm đại diện vùng và khu vực để làm điển hình cho toàn quốc.

- Tổ chức các hoạt động, tập hợp sự đoàn kết nâng cao nhận thức về thể dục, thể thao như Bác Hồ đã dạy: "Dân cường thì nước thịnh".

Nghe tôi trình bày một lúc, Anh Sáu hỏi:

- Để làm được như vậy, cần bao nhiêu kinh phí?

- Thưa anh, Chính phủ cho bao nhiêu thì chúng tôi sử dụng bấy nhiêu.

Trước khi Chính phủ kết luận cuộc họp, tôi đề nghị vấn đề xin cơ sở vật chất đặc biệt là đất cho thể dục, thể thao toàn quốc. Cụ thể là đất cho trường học và khu tập luyện của quần chúng ở các thôn, ấp, khu phố.

Chính phủ đồng ý và ra Chỉ thị 274/CT-TTg về việc Quy hoạch sử dụng đất đai phục vụ sự nghiệp phát triển phong trào thể dục, thể thao ban hành ngày 27/4/1996.

Sau đó tôi mạnh dạn trình bày:

- Miền Bắc có Đại học Thể dục - thể thao và Trung tâm I, phía Nam có Đại học Thể dục-thể thao và Trung tâm II, tôi đề nghị miền Trung có Đại học Thể dục-thể thao và Trung tâm III.

- Tổ chức hội thi thể thao cho các đối tượng: nông dân, đồng bào các dân tộc, người khuyết tật tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đua xe đạp về Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh, v.v..

- Tổ chức rước đuốc về Quảng trường Ba Đình lịch sử để kỷ niệm 50 năm nước Việt Nam độc lập.

- Tổ chức cuộc đua xe đạp về Pắc Bó nơi Bác Hồ từng sống và làm việc.

Tôi báo cáo nhưng lòng rất lo. Sau khi Anh Sáu xin ý kiến đóng góp của hội nghị, khi không ai có ý kiến, tôi càng lo. Cuối cùng, anh nói:

- Vậy tôi kết luận đồng ý tất cả những gì đồng chí Lê Bửu trình bày hôm nay, Văn phòng Chính phủ làm văn bản thông báo cho các tỉnh, thành và ngành về cuộc họp, để ngành thể dục, thể thao thuận tiện tổ chức thực hiện.

Anh em trong ngành chúng tôi vui mừng và triển khai quyết liệt ba mục tiêu:

- Thể dục-thể thao cho mọi người;

- Thể thao thành tích cao;

- Thể thao đối ngoại.

Anh Sáu đi công tác các tỉnh, thành và các ban, ngành liên miên, dù bận trăm công nghìn việc, Anh Sáu vẫn để thời gian kiểm tra công việc của ngành thể dục, thể thao ở các địa phương.

Anh Sáu đã ra đi vĩnh viễn, nhưng lúc nào tôi cũng nhớ anh.

"Thể dục-thể thao là mùa xuân của mọi lứa tuổi!".