Tôi mua cuốn sách này khi tác phẩm này vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 cùng với "Bến không chồng" của Dương Hướng, "Thân phận tình yêu" của Bảo Ninh và sức nóng của nó tràn ngập các báo, đài. Đọc suốt đêm, trắng đêm, đọc cả ngày chủ nhật hôm sau, nhà văn Nguyễn Khắc Trường (trong ảnh) dẫn dắt tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Lòng cảm phục vô cùng và ước ao được gặp tác giả của "Mảnh đất lắm người nhiều ma" để kể cho ông nghe những lúc thót tim, những khi ngộp thở vì đọc tác phẩm của ông. Dạo ấy, tôi còn trẻ và đang sục sôi những bước đầu tiên trên con đường văn chương, cho nên chỉ cảm nhận được mà chưa nhận biết và phân tích rạch ròi những cái hay, cái đẹp, và sự hấp dẫn của tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma".
Phải nhiều năm sau, tôi trưởng thành dần theo thời gian, đọc, quan sát và nghĩ ngợi, có một chút nghề, được gặp gỡ ông, tôi mới nhận ra cái cách nhà văn Nguyễn Khắc Trường dựng truyện rất khôn khéo, tài tình. Ông cho rằng truyện ngắn, tiểu thuyết phải có truyện, cho nên ông rất chú ý đến cốt truyện, đến chi tiết…
Để "viết được một cái gì đó cho ra hồn" thì phải có bản lĩnh và dấn thân, phải không muốn đi mãi con đường đã đi. Năm 1988, Nguyễn Khắc Trường xin nghỉ trực văn xuôi ở cơ quan Tạp chí Văn nghệ quân đội, để dành thời gian đi thực tế ở các vùng nông thôn Bắc Bộ, ấp ủ viết lớn, viết khác.
Ông bảo với tôi: "Dạo ấy, không khí văn chương sôi động, nóng bỏng lắm, mọi người muốn thay đổi, nghĩ khác, viết khác. Tớ cũng còn trẻ, rất muốn đi khỏi Hà Nội để viết một cái gì đó cho ra tấm, ra món". Ông trở về Thái Nguyên quê hương, ông sang Hưng Yên, Hải Dương, ông vào Thanh Hóa và cắm sâu nhất ở các làng của huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân và Nga Sơn…
Ông nằm vùng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân như một người nông dân thực thụ để cảm, để nhận ra cái mùi, cái vị, cái hồn của làng quê. Dạo ấy, nông thôn thời kỳ đầu đổi mới đang "vỡ ra", cái cũ chưa qua mà cái mới còn manh nha.
Câu chuyện mâu thuẫn các dòng họ vốn sẵn hằng năm ở nông thôn lúc lắng xuống, lúc trồi lên thì đang có cơ hội mới bùng lên sục sôi. Người nông dân vốn dân dã, mộc mạc, bình dị và lương thiện bị cuốn vào những mâu thuẫn nội tại của các dòng họ, và một số người có chức, có quyền được ví như "lũ cường hào mới" đã nổi lên.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường có một bút danh một thời đậm mùi lính tráng là… Thao Trường. Cái bút danh ấy dường như khẳng định ông rất yêu đời lính và đời lính tác động sâu sắc đến những năm tháng tuổi trẻ cầm bút.
Các tác phẩm với bút danh này như: truyện vừa "Cửa khẩu" năm 1972 cùng hai tập truyện "Thác rừng" năm 1976 và "Miền đất mặt trời" năm 1982 đã đi vào sự nghiệp văn chương Nguyễn Khắc Trường mà không mấy người biết, đời văn chỉ cần bạn đọc nhớ "Mảnh đất lắm người nhiều ma" cùng cái tên Nguyễn Khắc Trường đã là đủ lắm rồi.
Bút danh Thao Trường và các tác phẩm khác của ông, đến bây giờ chỉ dành cho những người nghiên cứu văn học, học viên cao học…, thế cũng là viên mãn của một đời văn.
Những năm tháng nhà văn Nguyễn Khắc Trường làm biên tập viên văn xuôi ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, làm Trưởng ban Văn xuôi và Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ là "những tháng ngày sôi nổi". Bầu nhiệt huyết trong ông lúc nào cũng hừng hực tìm kiếm tác phẩm mới, tác phẩm hay, nâng cao chất lượng chuyên mục coi giữ. Ông kỹ lưỡng đến từng con chữ, cho nên bản thảo qua tay ông biên tập bao giờ cũng sáng sủa, nhuận sắc.
Đặc biệt, ông chăm chú phát hiện ra nhiều cây bút, mạnh dạn in tác phẩm của họ, viết thư tay trao đổi, quyết liệt phân tích bảo vệ những tác phẩm của họ. Năm 1991 tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" được Giải thưởng Hội Nhà văn, ông càng thêm nổi tiếng, nhưng vẫn bình dị, khiêm nhường, chân thành, hòa đồng, thân thiện với cộng tác viên. Ông biên tập truyện ngắn đầu tay của tôi, và còn viết thư về đơn vị động viên tôi viết tiếp.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường thẩm văn rất tinh tường và rất nhớ tác giả, tác phẩm. Lúc ông còn làm biên tập và lãnh đạo ở báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều lần tôi được hầu chuyện ông. Nói chuyện văn chương, đến địa phương nào ông cũng nhớ tên tác giả, và còn kể tên, nội dung tác phẩm của họ. Tôi phục lăn, hỏi: "Sao bác biết nhiều người viết, kể cả người còn chưa nổi danh thế?" "Bao nhiêu năm tớ đọc mòn mắt rồi. Cả đời làm nghề biên tập không nhớ cộng tác viên thì nhớ ai?".
Hóa ra, hai tờ văn chương nghề nghiệp là Tạp chí Văn nghệ quân đội và báo Văn nghệ, ông đều có nhiều năm đọc tác phẩm của cộng tác viên gửi đến, rồi làm lãnh đạo ở Nhà xuất bản của Hội ông cũng phải đọc. Đọc nhiều, cho nên biết nhiều, nhớ nhiều, dù chưa hề gặp tác giả. Bằng bản lĩnh nhà văn, nhà lãnh đạo, bằng con mắt xanh tinh tường, ông mạnh dạn và dám chịu trách nhiệm trước những tác phẩm văn học hay, mang tính đột phát. Ông làm việc đó bởi ông biết cái "trần sáng tác" còn cao và rộng, các tác phẩm ấy đủ tiêu chuẩn, chất lượng để ra đời và xứng đáng được ra đời.
Đôi khi tôi lại nghĩ về ông như một người leo núi, khi đã lên đỉnh núi rồi thì không muốn leo các đỉnh núi thấp hơn nữa. Khi nghe tôi tâm sự điều ấy với bạn văn, có người cười khà khà rồi bảo: "Đã lên đến đỉnh núi Trường Sơn rồi, thì cứ ngồi ở đó, nhìn các đỉnh núi lô nhô dưới chân mình, leo nữa làm gì?". Cách đây chưa lâu, tôi và nhà văn Văn Giá đến thăm ông.
Vẫn ảnh hai nhà văn là Sôlôkhốp và Nam Cao trên giá sách, ông tôn thờ hai văn hào như bậc thầy. Nói chuyện cuộc sống xa gần, ông bảo: "Đủ rồi… Sống thế là đủ rồi". Rồi ông lại cười, cười sảng khoái như ông chánh tổng làng văn vừa chấm xong mùa vàng văn chương.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cả một đời trăn trở: "Ngồi vào bàn trong nỗi cô đơn, nhà văn nhìn sâu vào cõi người, nhìn sâu vào những thiện ác…" mà nghĩ ngợi, mà viết. Suốt cuộc đời, sống, làm việc và viết văn, ông chẳng ân hận điều gì. Ông là người biết đủ.
Ông vừa lòng với cuộc sống của mình, vừa lòng với những gì mình làm được, và ông cũng làm tròn phận sự của một người chồng, người cha, người viết văn, vừa lòng với phận sự người lãnh đạo văn nghệ là Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ cũng như khi làm phận sự một người lính, một biên tập viên, một phóng viên. Vừa lòng. Thanh thản. Và an lành.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường sinh năm 1946 tại Thái Nguyên, vừa qua đời sáng qua (2/10) tại Hà Nội, sau thời gian lâm bệnh nặng. Ông được biết đến với nhiều tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu là tiểu thuyết: "Mảnh đất lắm người nhiều ma". Năm 1965, ông nhập ngũ, phục vụ trong Quân chủng Phòng không-Không quân. Năm 1979, ông học khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du. Tốt nghiệp, ông làm biên tập viên văn xuôi tại Tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 1993, ông chuyển công tác về báo Văn nghệ rồi giữ chức Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ. Năm 2003, ông chuyển công tác, giữ chức Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn đến năm 2009 thì nghỉ hưu, đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII (2010-2015). Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật vào năm 2007.