Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW

NDO - Sáng 1/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức hội thảo: “Giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đối với đất nước”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh cuộc hội thảo.
Quang cảnh cuộc hội thảo.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về công tác trí thức.

Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 52-KL/TW, trong đó đánh giá: Đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công-nông-trí tiếp tục được củng cố vững chắc.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều nội dung của Nghị quyết chậm được cụ thể hóa, thể chế hóa, việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá. Đội ngũ trí thức sáng tạo, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Bộ phận trí thức người Việt ở nước ngoài chưa được quan tâm phát huy đúng mức. Cơ chế hành chính quan liêu và tình trạng trì trệ, hình thức, hiệu quả hoạt động thấp trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nghiên cứu khoa học, các hội trí thức chậm được khắc phục.

Chuẩn bị cho việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức hội thảo để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học phân tích, đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết thời gian qua; đề xuất những góp ý cụ thể vào dự thảo Báo cáo tổng kết của Liên hiệp Hội Việt Nam.

ThS Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn phản biện và giám định xã hội (Liên hiệp Hội Việt Nam) cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, Liên hiệp Hội Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế tổ chức chính trị-xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, vị trí của trí thức vẫn chưa đồng đều, một số địa phương chưa thành lập Đảng đoàn để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo đối với đội ngũ trí thức.

Theo TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Liên hiệp Hội Việt Nam cần tăng cường đánh giá vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc tập hợp, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Ông đề nghị trong bối cảnh mới, cần có một Nghị quyết mới về đội ngũ trí thức, trong đó có chính sách đối với trí thức trẻ, trí thức trẻ tài năng, trí thức người dân tộc thiểu số, nữ trí thức.

Ông Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban Cố vấn Chính phủ cho rằng, hành lang pháp lý cho hoạt động của đội ngũ trí thức còn rất lúng túng vì còn thiếu Luật về hội. Ông Khải đề xuất tiếp tục tổ chức các diễn đàn khoa học, tạo cơ chế đối thoại, trao đổi, chia sẻ, dẫn đến sự đồng thuận chứ không nên dùng mệnh lệnh hành chính để ngăn chặn.

Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 501/QĐ-TTg về việc “thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội” đã tạo điều kiện, môi trường cho trí thức được phát biểu ý kiến, có cơ chế để tiếp thu và phải có hồi âm, song nhiều ý kiến gửi lên thì rơi vào quên lãng; chưa tham vấn ý kiến chuyên gia khi quyết định vấn đề lớn một cách có hệ thống. Do đó, theo ông, cần tổng kết các văn bản này.

Tổng kết hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Tiến sĩ Khoa học Phan Xuân Dũng đánh giá đa số các ý kiến phát biểu khẳng định Nghị quyết 27-NQ/TW là sâu sắc, đầy đủ, đến nay vẫn còn giá trị ở hầu hết các nội dung song cần ban hành mới hoặc phải có kết luận, trong đó cần bảo đảm việc thể chế hóa về hoạt động của các hội (Luật Hội), nâng cao vị thế của đội ngũ trí thức và các tổ chức hội, Liên hiệp Hội.

Ông cho biết, trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo để gửi Ban Tuyên giáo Trung ương trong thời gian sớm nhất.