Giữa trưa, bà Nguyễn Thị Tuyết, người xóm 4, thôn Cấn Hạ (Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội) nặng nề đẩy chiếc thuyền nan hai mái ra sân trước rồi ì oạp chèo về sát vùng chân đê cao hơn. Dưới lòng thuyền la liệt 4, 5 chiếc xô cỡ lớn trống không cùng túi ốc nhồi đen đúa đang lổm cổm bò.
"Nay phải đi xin nước sạch về dùng chú ạ. Nước ngập đến tận cổ gần 1 tuần qua, nhà 7 người chúng tôi chẳng còn chút nước nào rồi", nói đoạn, người phụ nữ gần 40 tuổi gò mình, dùng chân đẩy mạnh hai mái chèo tiến về ra dòng nước mênh mông.
Gần 1 tuần trở thành... ốc đảo
Cấn Hạ, còn được người dân địa phương gọi bằng tên gọi xóm Bến Vôi. Đây vốn là một vùng đất trũng sát bên sông Tích Giang chảy qua địa phận huyện Quốc Oai, Hà Nội. Tối 23/7, trận mưa lớn kéo dài đã khiến cho một lượng lớn nước tích lại và biến khu vực này trở thành... ốc đảo.
Vừa chèo thuyền vào làng mua thức ăn, anh Hoàng Văn Tiến (24 tuổi) kể: "Đêm đó, mưa rất lớn nên sáng 24/8, toàn bộ các vùng thấp của Bến Vôi đều ngập sâu. Càng ra sát sông, nước càng sâu hơn. Cá biệt như tại xóm 4, nước dâng tới ngang cổ người lớn. Sau trận lụt năm 2018, đây là lần Cấu Hạ bị ngập nặng nhất".
Cấn Hạ trở thành ốc đảo gần 1 tuần nay... |
Những tưởng sau một vài ngày, hiện tượng ngập úng sẽ kết thúc, tuy nhiên, trận mưa tiếp đó rạng sáng ngày 27/7 khiến cho Cấn Hạ tiếp tục rơi vào cảnh... mênh mông nước. Báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, trận mưa gần nhất tại Thủ đô diễn ra trong đêm 27 sáng 28/7, lượng mưa phổ biến từ 30-150mm. Riêng tại huyện Quốc Oai, lượng mưa đo được khoảng 78mm.
Theo ghi nhận của phóng viên vào trưa ngày 29/7, con đường dẫn vào thôn vẫn chìm trong nước. Người dân chỉ có thể nhận ra tuyến đường này bằng hàng cọc định tuyến hai bên. Ngay lối dẫn vào, cơ quan chức năng đặt biển cảnh báo "Nước sâu nguy hiểm". Phía trong làng, phương tiện di chuyển phổ biến nhất là... thuyền.
Phương tiện di chuyển phổ biến nhất tại Cấn Hạ những ngày này là... thuyền. |
Chèo chiếc thuyền men theo trục đường chính xóm 4 đã ngập sâu gần 2m, ông Nguyễn Văn Hữu cho biết, vài ngày qua, cuộc sống của người dân đã bị đảo lộn. Nước không rút khiến ông chỉ có thể ra vào nhà bằng thuyền. Gần chục người cùng cả gia súc sinh hoạt chung trong ngôi nhà đã được đôn cao nền từ trước.
"Cực nhất là không có nước sạch. Cứ vài ngày, chúng tôi lại phải chèo thuyền vào xóm cao hơn xin nước về dùng", ông Hữu chỉ tay vào lòng thuyền chất đầy xô nhựa nói.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Tuyết mấy hôm nay gần như chỉ ở nhà để... canh chuồng vịt được kê cao tới cả mét trong sân. Ngồi lặng lẽ nhìn một lượt khắp chung quanh bốn bề là nước, bà Tuyến thở dài.
"Đêm đó mưa lớn, chúng tôi chỉ kịp hò nhau khênh chuồng vịt lên điểm cao để chúng không chết. Chừng vài tiếng sau, nước đã ngập ngủm cả. Đến hôm nay, gần 1 tuần mà cả người, cả chó mèo vẫn phải ở chung", bà Tuyết ngao ngán nói với phóng viên.
Bên trong là nhà, ngay mé ngoài là nước. Bà Tuyết ngao ngán vì cảnh ngập lụt như thế này đã kéo dài vài ngày qua. |
Giống như Cấn Hữu, nhiều ngày nay, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng đang rơi vào cảnh ngập sâu do nước tràn qua đê sông Bùi.
Ghi nhận của phóng viên, dù 5 ngày qua, khu vực Hà Nội không có mưa lớn nhưng nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm và nhà dân vẫn chìm sâu trong biển nước, có chỗ ngập đến 2m.
Ông Phùng Xuân Lực, trưởng thôn Nhân Lý cho biết, toàn xã có khoảng 300/320 hộ dân bị ngập nước. Để bảo đảm an toàn, nhiều người đã sơ tán đến các điểm cao hơn để ở tạm.
Ông Phùng Xuân Lực, trưởng thôn Nhân Lý cho biết, toàn xã có khoảng 300/320 hộ dân bị ngập nước. Để bảo đảm an toàn, nhiều người đã sơ tán đến các điểm cao hơn để ở tạm. |
"Mức ngập hiện tại đã gần bằng trận lũ lịch sử Hà Nội năm 2008", một người dân chia sẻ.
Chỉ tay ra bốn bề mênh mông nước, trưởng thôn Nhân Lý cho biết: "Mỗi lần ngập thế này cuộc sống của người dân nơi đây lại trở nên rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến tài sản, kinh tế. Thôn tôi có 8 hộ chăn nuôi, mỗi hộ thiệt hại tiền tỷ. Lúa ngập thế này cũng hỏng hết".
Khẩn trương khắc phục hậu quả ngập úng kéo dài
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Cấn Hữu (Quốc Oai), trận lụt tháng 7/2024 đã khiến khoảng 250ha lúa bị ngập, trong đó 40ha mất trắng. Ngoài ra, diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại khoảng 200ha và hàng trăm nghìn gia cầm bị ảnh hưởng.
Hiện tại, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục hỗ trợ người dân khu vực ngập lụt như cung cấp nước uống, nước sạch; đồng thời triển khai nhiều phương án khắc phục hậu quả.
Trong khi đó, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ cho biết, ảnh hưởng của bão và lũ đã gây nhiều thiệt hại đến đời sống, sản xuất của người dân.
Tính đến 11 giờ ngày hôm nay, 29/7, mực nước tại sông Bùi vẫn là 7,38m, vượt mức báo động III 0,38m. Mực nước ở các hồ vẫn vượt ngưỡng tràn, cụ thể hồ Đồng Sương ở mức 18,31m, hồ Văn Sơn ở mức 19,56m, hồ Miễu ở mức 39,55m.
Tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), nhiều điểm nước ngập sâu tới 2m. |
Ảnh hưởng của bão và lũ đến ngày 29/7, toàn huyện bị ngập hơn 4.800m đường đê thuộc địa bàn 11 xã bị ảnh hưởng trực tiếp của nước sông Bùi dâng cao; hơn 32.300m đường giao thông nông thôn. Hơn 140.000m đường giao thông nội đồng; 24 thôn, xóm, 12 di tích lịch sử, 9 nhà văn hóa với trên 1.300 hộ dân; trên 70% diện tích lúa, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện bị thiệt hại, rau màu và cây ăn quả bị thiệt hại từ 30-70%; trên 77.000m2 chuồng trại.
Bị đổ, sạt lở hơn 1.500m tường bao, 37m đê, đê Hữu Bùi tại vị trí kè thôn Đừn, xã Tốt Động xuất hiện hiện tượng rò rỉ qua chân tường kè khoảng 200m. Đập Vai Vàng bị sạt lở 100m, trạm bơm Lải Cao thuộc xã Tân Tiến ngập sâu trong nước; sạt lở vai Đồng Làng dài 30, rộng 4m, 103 cái cầu, cống, đập bị hư hỏng, khoảng 200.000 con gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng...
Người dân xã Nam Phương Tiến chèo thuyền đi xin nước sạch về sinh hoạt. |
Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão số 2 và lũ rừng ngang gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành huyện chủ động triển khai phương án bảo đảm cứu trợ đời sống cho nhân dân; không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu; công tác bảo đảm an ninh trật tự; kê kích tài sản, di dời dân đến khu vực an toàn; triển khai công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men và thiết bị y tế...
Nước ngập sâu tại Nam Phương Tiến khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. |
Kết quả đã huy động hơn 4.700 người và 199 phương tiện tham gia; vật tư đã sử dụng: hơn 6.000m³ đất, cát; gần 53.000 bao tải; 180m² bạt nilon. Xí nghiệp Đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 17 trạm với 64 máy bơm tiêu thoát nước; huyện tổ chức cấp phát hơn 1.500 bình nước uống (loại 20L và 50 thùng mì tôm tại các vùng ngập nặng; lắp đặt téc và cung cấp nước sạch tập trung tại 10 điểm; bố trí 1 trạm y tế lưu động trên địa bàn xã Nam Phương Tiến...
Xã Nam Phương Tiến tiếp nhận hỗ trợ nguồn Hội Chữ thập đỏ huyện gồm 100 thùng mỳ tôm, 5.000 cốc nến, 27 suất tiền mặt trị giá 500.000/suất; nguồn xã hội hoá: 45 bình nước (20L), 1.330 thùng mỳ tôm, 200 lốc sữa, 100 bịch lương khô, 100 suất tiền mặt trị giá 300.000/suất (đã cấp phát đến hộ). Xã Hoàng Văn Thụ tiếp nhận hỗ trợ nguồn Liên đoàn Lao động huyện hỗ trợ 250 bình nước (loại 20L), đã cấp phát đến hộ. Xã Tân Tiến tiếp nhận hỗ trợ nguồn Hội Chữ thập đỏ huyện gồm 30 thùng mỳ tôm, 30 suất tiền mặt trị giá 500.000/suất (đã cấp phát đến hộ).
Ảnh: Thành Đạt |