Theo đó, đối với việc bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, hầu hết các điểm mỏ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được phê duyệt phương án/đề án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn 7 trong số 93 điểm mỏ chưa được phê duyệt, trong đó có: Ba dự án đang trình UBND tỉnh phê duyệt, hai dự án chưa được phê duyệt (chưa khai thác), hai dự án đã thực hiện hoạt động khai thác nhưng chưa được phê duyệt, gồm: Dự án khai thác mỏ sét của Công ty cổ phần tập đoàn XD và DL Bình Minh và Dự án khai thác mỏ đá của Công ty TNHH một thành viên Thiên Hà - Hòa Bình.
Qua kiểm tra trực tiếp tại 17 dự án khai thác khoáng sản cho thấy vẫn còn một số chủ đầu tư dự án chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành nhưng vẫn khai thác; việc quan trắc, giám sát môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất chưa đầy đủ về tần suất, vị trí; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ kết quả giám sát môi trường; số lượng cây trồng nhằm ngăn ngừa, phát tán bụi tại khu vực khai thác, chế biến khoáng sản chưa bảo đảm về mật độ; chưa làm sân công nghiệp; không xây dựng hệ thống mương dẫn đều khắp tường bao khu vực nhà điều hành và khu vực chế biến đá để thu gom nước mưa chảy tràn trên bề mặt; khu vực lưu giữ chất thải nguy hại chưa bảo đảm…
Trong số 17 dự án được thanh tra, có bảy dự án chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành; cá biệt có hai dự án chưa được cấp nhưng vẫn hoạt động khai thác, gồm: Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn của Công ty cổ phần Vinh Quang Hòa Bình và Dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Trũng Ðô (KV5), xã Cao Dương, huyện Lương Sơn của Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Hiền Lương, là vi phạm quy định của pháp luật và Nghị định của Chính phủ. Ðáng kể, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường chưa đúng quy định, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Một vấn đề cấp bách được TTCP nêu ra là, sau khi cấp phép, các điểm mỏ đều xảy ra mất an ninh trật tự, người dân tập trung đông người khiếu kiện, có nguyên nhân là do xung đột về lợi ích giữa doanh nghiệp được cấp phép và các cá nhân khai thác cát trái phép; dẫn đến một số điểm mỏ sau khi đã được cấp phép nhưng không thể khai thác được hoặc khai thác cầm chừng. Việc xử lý vi phạm nhiều thời điểm còn chưa triệt để, dứt khoát...
Theo cơ quan thanh tra, các đối tượng khai thác cát sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để khai thác trái phép, đối phó với cơ quan chức năng, nhiều tàu thuyền nổi trên sông, chủ một số bến bãi trên địa bàn tỉnh tranh thủ lợi dụng khai thác trái phép vào ban đêm, khai thác tại các khu vực giáp ranh. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm nhiều thời điểm còn chưa triệt để, dứt khoát; sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, cơ quan hành chính với cơ quan công an, cơ quan quản lý đường sông còn chưa tốt. Công tác quản lý các bãi tập kết cát trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng có nhiều yếu kém. Trong đó, đáng chú ý là nhiều bến bãi sử dụng đất vượt quá diện tích được thuê, sử dụng đất ven sông làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, xây dựng công trình, đổ phế thải ra sông, gây ô nhiễm môi trường. Kiểm tra nguồn cung cấp cát tại một số bến bãi cho thấy, khối lượng cát nhập vào bến bãi chủ yếu từ các tàu trôi nổi trên sông Ðà, mua vào không rõ nguồn gốc. Tuy vậy, việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình chưa thật sự hiệu quả, chưa có biện pháp hữu hiệu để giám sát, kiểm soát nguồn gốc cát.
Trên cơ sở kết luận thanh tra nêu trên, Tổng TTCP báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường… Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong khai thác, trong vận chuyển, kinh doanh cát trái phép trên địa bàn tỉnh; không để xảy ra việc kinh doanh, tiêu thụ cát có nguồn gốc khai thác trái phép. Xử lý theo quy định đối với vi phạm của các dự án khai thác, các bến bãi tập kết, kinh doanh đã được nêu tại kết luận thanh tra; không để xảy ra việc bến bãi chưa bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định nhưng vẫn hoạt động tập kết, kinh doanh cát sỏi…
Về công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, TTCP cho biết: Tỉnh Hòa Bình có bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Trong đó, còn tình trạng buông lỏng quản lý, áp dụng không đúng chủ trương chính sách khoán, cho nên một số nông, lâm trường không còn thực chất là doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn áp dụng cơ chế chính sách sắp xếp, đổi mới như nhau. Vẫn còn tình trạng nông, lâm trường sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, khoán không mang lại hiệu quả, nhưng việc phát hiện, xử lý còn chưa kịp thời, thiếu kiên quyết. Bên cạnh đó, chất lượng công tác kiểm tra, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật của các nông, lâm trường vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời, chưa chủ động phát hiện các vấn đề, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường, trong khi việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường có nhiều biến động phức tạp; có nơi tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất tồn tại nhiều năm nhưng không được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh của đơn vị và tình hình xã hội của địa phương.
TTCP nêu rõ: Việc giao khoán rừng, đất nông nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, như giao đất khoán không đúng đối tượng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhiều nông, lâm trường không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự xây dựng nhà ở, công trình…
Từ những nội dung nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hòa Bình kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các tồn tại, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý, sử dụng đất đai; tổ chức thực hiện xử lý sau thanh tra theo quy định của pháp luật. Các sở, ngành và đơn vị liên quan phải kiểm tra, ra soát và chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, vi phạm đã được nêu tại kết luận thanh tra…