Sáng 25-10, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật đã tổ Hội nghị khoa học “Một số kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới ứng dụng trong tiêu hóa”.
Hội nghị đã giới thiệu nhiều ứng dụng mới như: ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo tự xây dựng trong nội soi phát hiện polyp đại tràng tại Việt Nam; app hỗ trợ làm sạch đại tràng lần đầu tiên tại Việt Nam; Điều trị u carcinoid qua nội soi ống mềm…
Lần đầu tiên, những kết quả bước đầu của quá trình nghiên cứu xây dựng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nội soi phát hiện polyp đại tràng do Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật tổ chức thực hiện được báo cáo chính thức tại hội nghị lần này.
GS, TS Đào Văn Long - Chủ tịch hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt nam sử dụng bộ cơ sở dữ liệu của bệnh nhân Việt Nam được gán nhãn, chuẩn hóa bởi các chuyên gia nội soi nhằm xây dựng thuật toán học máy cho bài toán phát hiện polyp đại tràng.
“Những kết quả bước đầu này cho thấy tính khả thi của lĩnh vực nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu tầm soát, sàng lọc polyp và ung thư đại tràng ở nước ta”, GS Long nói.
Đây vừa là tâm huyết, là ý chí của đội ngũ các nhà khoa học Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật, vừa là sự hợp tác chặt chẽ giữa Viện với các chuyên gia nội soi của Hội khoa học tiêu hóa Việt nam, Liên chi hội nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đại học y Hà Nội và các chuyên gia công nghệ thông tin đến từ các trường đại học, các doanh nghiệp trong nước với hy vọng trong thời gian không xa sẽ cho ra đời một sản phẩm trí tuệ nhân tạo phục vụ cho cộng đồng cũng như kết nối dữ liệu lớn trong lĩnh vực nội soi giữa các cơ sở y tế.
Với lượng bệnh nhân nội soi đại tràng lớn, cùng công nghệ nội soi hiện đại, thời gian qua, Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật đã bước đầu đưa vào trải nghiệm ứng dụng “làm sạch đại tràng” trên nền tảng Android và iOS giúp hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình trước, trong và sau khi nội soi đại tràng.
TS Đào Việt Hằng (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật) cho biết, đây là ứng dụng điện thoại đầu tiên tại Việt Nam đi sâu vào lĩnh vực nội soi nhằm hỗ trợ cho công tác hướng dẫn người bệnh, lấy người bệnh là trung tâm để sàng lọc ra những trường hợp nguy cơ cao và hướng đến cải thiện chất lượng cuộc nội soi, đem lại sự hài lòng, tiết kiệm nguồn lực, thời gian cho cả người bệnh và cơ sở y tế.
Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu cũng giới thiệu nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới ứng dụng trong tiêu hóa như: Báo cáo về kết quả áp dụng các thăm dò rối loạn vận động chức năng đường tiêu hóa.
Ứng dụng các kỹ thuật thăm dò chức năng như đo áp lực nhu động thực quản, đo điện thế niêm mạc thực quản, đo điện thế niêm mạc thực quản trong tối ưu hóa điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, đo áp lực hậu môn trực tràng trong một số bệnh lý rối loạn đại tiện.
Bên cạnh đó, báo cáo kết quả sử dụng probiotics ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa dai dẳng có biểu hiện trầm cảm, lo âu hứa hẹn sẽ đem đến những cái nhìn mới mẻ về các bệnh lý ở đường tiêu hóa liên quan đến vấn đề này.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ các bệnh lý chức năng tiêu hóa kèm theo các rối loạn về tâm thần đang ngày càng tăng tạo ra những thách thức mới đòi hỏi các nhà lâm sàng cần có đánh giá toàn diện hơn cũng như nhu cầu ứng dụng các liệu pháp điều trị phối hợp. Tìm hiểu về hệ microbiome đường ruột và ứng dụng thực tế của sử dụng probiotics ở từng nhóm bệnh lý là những chủ đề vừa có tính thiết thực vừa mang tính thời sự.
Về điều trị u carcinoid qua nội soi ống mềm, GS Đào Văn Long cho biết, u carcinoid là khối u nội tiết thần kinh và có khả năng ác tính khá cao. Đây là loại tổn thương có thể gặp ở nhiều cơ quan, tại đường tiêu hóa, u carcinoid cũng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó thường gặp nhất là trực tràng.
“Nếu được phát hiện sớm, loại bỏ khối u sẽ giúp người bệnh quay trở lại cuộc sống bình thường. Trong những năm gần đây, những tiến bộ của nội soi chẩn đoán và can thiệp đã giúp phát hiện sớm cũng như chỉ định cắt u carcinoid qua nội soi từ đấy tránh được cho bệnh nhân ca mổ phức tạp, tiết kiệm chi phí và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh”, GS Long nhấn mạnh.