Nhiều tín hiệu tích cực trên thị trường lao động

Theo dự báo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong quý I và quý II năm nay, thị trường tiếp tục ghi nhận sự thiếu hụt về lao động, tuy nhiên mức độ không nhiều và chủ yếu rơi vào những ngành nghề thâm dụng lao động, như: dệt may, giày da, túi xách, một số ngành nghề có tính chất xuất khẩu và chủ yếu là ở doanh nghiệp FDI.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: Thành Đạt)
(Ảnh minh họa: Thành Đạt)

Cùng với đó, các doanh nghiệp sử dụng lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề vẫn có nhu cầu tuyển mới khoảng 350 đến 400 nghìn lao động. Dự kiến trong thời gian tới, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục được duy trì phát triển, cho nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại. Theo đó, tình hình thị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng.

Theo phân tích của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, gần 70% nhu cầu tuyển mới trong năm 2023 tập trung ở khu vực thương mại-dịch vụ, nhu cầu của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 30%. Nếu phân loại theo trình độ chuyên môn, nhu cầu nhân lực có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chiếm gần 38%. Doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chiếm gần 90% nhu cầu tuyển dụng...

Gần 70% nhu cầu tuyển mới trong năm 2023 tập trung ở khu vực thương mại-dịch vụ, nhu cầu của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 30%.

Là ngành sử dụng nhiều lao động, nên năm 2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xác định hai mục tiêu phải giữ vững, đó là giữ chân người lao động và bảo đảm vị trí trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Doanh nghiệp sẽ rất khó duy trì vị thế cạnh tranh với các đối thủ nếu không có lợi thế về lao động lành nghề. Khách hàng cũng sẽ rời đi nếu năng lực sản xuất bị thu hẹp.

Năm 2022, dệt may, da giày và gỗ là ba lĩnh vực giảm lao động nhiều nhất, nhưng Vinatex không giảm, mà tuyển thêm và lương bình quân tăng 15% so với năm 2021.

"Ðể làm được điều này, tập đoàn chấp nhận hy sinh lợi nhuận, tài chính ngắn hạn trong điều kiện thị trường khó khăn để ổn định lao động, nhất là người lành nghề. Sẽ rất khó tuyển lao động có tay nghề, kinh nghiệm nếu họ nghỉ việc", Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết.

Ðồng thời, theo nhận định của các chuyên gia lao động-việc làm, trong năm 2023, các doanh nghiệp có khuynh hướng tìm kiếm những ứng viên đa năng, linh hoạt khi đảm đương, tiếp nhận công việc mới bất kỳ. Nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ mới để quan tâm và chăm lo cho đời sống cá nhân của nhân viên. Các doanh nghiệp sẽ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần, tăng thời gian nghỉ phép, có nhiều hơn các phúc lợi dành cho lao động nữ...

Theo nhận định của các chuyên gia lao động-việc làm, trong năm 2023, các doanh nghiệp có khuynh hướng tìm kiếm những ứng viên đa năng, linh hoạt khi đảm đương, tiếp nhận công việc mới bất kỳ.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung, hiện nay, về cơ bản, thị trường lao động cả nước tương đối ổn định cả về quy mô và chất lượng. Tình trạng thiếu hụt lao động chỉ là cục bộ. Do đó, việc điều tiết cung cầu lao động cho phù hợp là vấn đề quan trọng lúc này.

Các doanh nghiệp cần triển khai giải pháp để giữ chân, thu hút người lao động. Cùng với đó là bài toán đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là đào tạo đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, những lao động có kỹ năng tay nghề để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đều phải dựa trên nền tảng có lực lượng lao động tốt, có nguồn lao động ổn định, theo hướng phát triển bền vững.